TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đánh giá tiến độ sắp xếp, sáp nhập

Ngày 14.5, Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Bình Dương và Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu hội nghị đánh giá công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã của 3 địa phương.
Hội nghị diễn ra tại H.Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) dưới sự chủ trì của của ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đơn vị hành chính cấp xã mới đảm bảo không trùng lặp
Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, tính đến thời điểm hiện nay, 3 địa phương đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã và trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ; tổ chức lấy ý kiến nhân dân trình HĐND các tỉnh, thành phố và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng thời gian quy định (trước ngày 1.5).
Về số lượng ĐVHC cấp xã, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi sáp nhập có 77 phường, xã, thị trấn. Dự kiến, sau khi sắp xếp còn 30 phường, xã, đặc khu (tỷ lệ giảm 61%).
Tỉnh Bình Dương trước khi sáp nhập có 91 ĐVHC cấp xã. Dự kiến sau khi sắp xếp còn 36 phường, xã (tỷ lệ giảm 60%).
TP.HCM trước khi sáp nhập có 273 ĐVHC cấp xã. Vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết, khi sắp xếp còn 102 phường, xã (tỷ lệ giảm 63%).
Như vậy, sau khi sáp nhập, tổng số ĐVHC cấp xã của TP.HCM mới là 168 (113 phường, 54 xã và 1 đặc khu), giảm 61,9% so với 441 ĐVHC cấp xã ban đầu.
Tại hội nghị, 3 địa phương cũng thống nhất đặt tên các ĐVHC cấp xã mới, đảm bảo không trùng lặp tên gọi trong phạm vi toàn thành phố mới, nhằm thuận lợi trong quá trình quản lý cũng như trong quá trình sử dụng dữ liệu hành chính, dân cư, đất đai theo đúng chỉ đạo của T.Ư.
Việc đặt tên đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử, nhất là chọn những tên gọi tiêu biểu gắn với vùng đất, địa danh lịch sử đã khắc sâu vào tiềm thức, tâm tư tình cảm của người dân ở từng địa phương. Cụ thể, như thành lập P.Sài Gòn, P.Chợ Lớn, P.Gia Định tại TP.HCM; P.Bà Rịa, P.Vũng Tàu, P.Phú Mỹ và xã Đất Đỏ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; P.Bình Dương, P.Thủ Dầu Một, P.Thuận An, P.Dĩ An tại Bình Dương...
Điều động, luân chuyển cán bộ
Về xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cơ quan chức năng 3 địa phương trên cũng đã phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin; thảo luận, góp ý xây dựng nội dung và đề xuất các phương án về sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, bố trí nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ...
Ban Chỉ đạo đã bổ sung hoàn chỉnh Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM; xây dựng, triển khai đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin của 3 địa phương sau khi hợp nhất.
UBND TP.HCM đã trình HĐND thành phố thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vūng Tàu, Bình Dương, TP.HCM và trình Chính phủ xem xét. Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh sẽ bố trí trụ sở chính trị - hành chính tại TP.HCM và có thêm 2 cơ sở tại tỉnh Bà Rịa ⁃ Vũng Tàu và Bình Dương để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sắp xếp. Sau đó, trong quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp.
Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác, giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố sau sắp xếp.
Về công tác chuẩn bị nhân sự khi sắp xếp gắn với chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, 3 địa phương thống nhất xây dựng báo cáo, đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ của các địa phương. Thống nhất tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ ở tỉnh, thành phố về công tác tại phường, xã, đặc khu. Đối với địa bàn có quy mô dân số, tổ chức Đảng và đảng viên lớn, có vai trò là động lực phát triển kinh tế có thể phân công các Ủy viên Ban Thường vụ hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố giữ nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy cấp xã.