TP HCM: Dự kiến mô hình siêu Sở Xây dựng hơn 3.400 người

Sở Xây dựng TP HCM đề xuất Sở Xây dựng sau khi hợp nhất TP HCM với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương có 23 phòng, tổng số nhân sự 3.409.
Sở Xây dựng TP HCM vừa có báo cáo gửi Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM về định hướng mô hình hoạt động của Sở Xây dựng sau khi hợp nhất tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM.
Trước hợp nhất, Sở Xây dựng TP HCM có 23 phòng, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 8 phòng, Sở Xây dựng Bình Dương có 9 phòng.
Sở Xây dựng TP HCM có 1.422 biên chế hành chính, 1.238 biên chế sự nghiệp và 285 hợp đồng lao động.
Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 88 biên chế hành chính, 173 sự nghiệp và 18 hợp đồng.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có 115 biên chế hành chính, 54 sự nghiệp và 16 hợp đồng. Tổng số nhân sự của 3 Sở Xây dựng sau khi hợp nhất là 3.409 người.
Tổng số đảng viên sau khi hợp nhất là 1.741 đảng viên (trong đó có 80 đảng viên dự bị).
Sở Xây dựng đề xuất sau khi hoàn tất sáp nhập, Sở Xây dựng TP HCM sẽ có 23 phòng.
Theo đó, nguyên tắc sắp xếp, cơ cấu các phòng, đơn vị thuộc Sở Xây dựng TP HCM (sau khi hợp nhất) theo cơ cấu tổ chức các phòng, đơn vị hiện nay của Sở Xây dựng TP HCM.
Đồng thời, sáp nhập hoặc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của các phòng, đơn vị tại 2 sở còn lại có chức năng, nhiệm vụ tương đồng vào các phòng, đơn vị của Sở Xây dựng TP HCM.
Sở Xây dựng TP HCM sau hợp nhất sẽ làm việc tại 5 cơ sở, trong đó 3 địa điểm hiện hữu tại TP HCM (gồm các trụ sở ở 60 Trương Định, 168 Pasteur và 63 Lý Tự Trọng), trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 198 Bạch Đằng và tại tháp A Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.
TP HCM hiện nay có 3 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc UBND TP HCM. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương đều có 4 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc UBND tỉnh.
Sở Xây dựng TP HCM đề xuất phương án giữ nguyên 3 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của TP HCM. Đồng thời, 8 Ban quản lý dự án của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương sẽ được sáp nhập vào 3 Ban hiện có của TP HCM theo lĩnh vực tương ứng.
Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý dự án các chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP HCM.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM.
Ban Quản lý dự án chuyên ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương và Ban Quản lý dự án chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM.
Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM.
Về định hướng sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, hiện TP HCM có 22 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực trực thuộc UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 7 và tỉnh Bình Dương là 9.
Sở Xây dựng đề xuất sáp nhập các ban trực thuộc cấp huyện nêu trên về 3 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với các mảng liên quan. Về tổ chức bộ máy, có thể cấu thành các đơn vị sự nghiệp quản lý dự án khu vực thuộc các ban.