Tổng Thanh tra Chính phủ: 'Bây giờ sẽ không có thanh tra chuyên ngành'

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, theo sửa đổi luật Thanh tra, sắp xếp lại hệ thống thanh tra sẽ không có thanh tra chuyên ngành, chỉ còn kiểm tra chuyên ngành.
Sáng 26.4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án luật Thanh tra (sửa đổi).
Kết thúc thanh tra bộ, ngành, sở, huyện
Tại tờ trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định để sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp T.Ư và địa phương, gồm Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh.
Ngoài ra, có các cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu và các cơ quan thanh tra thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo luật lược bỏ các quy định cơ quan thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...
Theo ông Phong, quy định này nhằm kết thúc hoạt động thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra sở, thanh tra huyện; không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các bộ, các sở. Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài ra, dự thảo luật không quy định các khái niệm về "thanh tra hành chính" và "thanh tra chuyên ngành"; chỉ còn khái niệm thống nhất là hoạt động thanh tra.
Ông Phong cho biết, việc sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương tại Kết luận số 134 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, khắc phục những hạn chế, vướng mắc hiện nay.
Có còn thanh tra chuyên ngành hay không?
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, về hệ thống cơ quan thanh tra, đa số cơ quan thẩm tra tán thành cách quy định khái quát về các cơ quan thanh tra như dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bám sát quy định đúng tên gọi cơ quan thanh tra theo Kết luận 134 của Bộ Chính trị.
Kết luận số 134 quy định rõ tiếp tục duy trì tổ chức và hoạt động đối với Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Ông Tùng cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ, trong nhiệm vụ của cơ quan thanh tra sau sắp xếp có tiếp tục giữ 2 loại hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành hay không vì luật không còn quy định.
"Nếu không còn hoạt động thanh tra chuyên ngành thì có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không? Nếu vẫn duy trì hoạt động thanh tra chuyên ngành thì việc tiến hành 2 loại hoạt động thanh tra này theo cùng một trình tự, thủ tục có phù hợp, khả thi không? Thanh tra Chính phủ có thực hiện thanh tra chuyên ngành không?", ông Tùng nêu vấn đề.
Theo ông Tùng, đây là những vấn đề quan trọng cần làm rõ, thống nhất về nhận thức để làm cơ sở cho việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan thanh tra cũng như trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra.
Ông Tùng cũng phản ánh nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc dự thảo luật bỏ quy định về thành lập cơ quan thanh tra nội bộ tại TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước vì Kết luận 34 không nói là bỏ các cơ quan thanh tra này.
Giải trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo luật thống nhất quy định chỉ còn hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trước.
"Khi nói như này nghĩa là bây giờ không có thanh tra chuyên ngành mà chỉ có kiểm tra chuyên ngành. Thanh tra chuyên ngành trước đây của bộ ngành, sở ngành. Giờ gộp lại chỉ còn thanh tra chung, nói để khỏi lẫn giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhưng thực chất chỉ còn thanh tra hành chính", ông Phong nói và cho biết thủ tục thanh tra sắp tới sẽ như thanh tra hành chính hiện nay.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, sửa đổi luật Thanh tra tại kỳ họp 9 sắp tới.