Tổng Bí thư: Phấn đấu mỗi năm mỗi người dân được khám sức khỏe ít nhất 1 lần

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, phấn đấu để mỗi năm mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe ít nhất một lần, nâng mức tuổi thọ trung bình của người dân từ mức 74,5 tuổi lên 80 tuổi
Chiều 15.4, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Bày tỏ xúc động khi gặp mặt các bậc lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, Tổng Bí thư nhấn mạnh, thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục phải tri ân, tạc ghi công lao trời biển của Đảng, của Bác, của hàng triệu anh hùng liệt sĩ, các tầng lớp nhân dân đã hiến dâng những gì quý giá nhất trong cuộc sống, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho một Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, giàu mạnh...
Tổng Bí thư cho biết, Trung ương Đảng đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến năm 2030. Đó là giữ vững, duy trì môi trường hòa bình, an ninh trật tự để phát triển đất nước; phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là người lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tất cả vì nhân dân.
Từ năm học 2025 - 2026, Nhà nước sẽ miễn học phí cho học sinh từ mẫu giáo đến THPT. Nhiều chính sách xã hội sẽ tiếp tục được triển khai áp dụng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của nhân dân, đặc biệt là với người lao động, người già, người yếu thế trong xã hội, người có công với đất nước.
Tổng Bí thư nêu mục tiêu "phấn đấu để mỗi năm mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe ít nhất một lần"; phấn đấu nâng mức tuổi thọ trung bình của người dân từ mức 74,5 tuổi lên 80 tuổi vào năm 2045 - 2050...
Mọi thủ tục, vấn đề của dân phải được giải quyết ở cấp xã
Hội nghị Trung ương 11 vừa bế mạc ngày 12.4 được coi là hội nghị lịch sử. Trung ương đã thống nhất rất cao các nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp với tầm nhìn xa, ít nhất cho 100 năm tới.
Tổng Bí thư thông tin, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành trực thuộc Trung ương. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay và không tổ chức cấp huyện.
Theo Tổng Bí thư, với mô hình tổ chức hành chính mới thì cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương vừa là cấp ban hành các chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố. Với cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương, tỉnh ban hành.
Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh việc phân cấp xuống cấp xã. "Mọi thủ tục hành chính, vấn đề liên quan đến người dân phải giải quyết ở cấp xã. Phân cấp đến những vấn đề xã hội, đời sống của nhân dân phải ở xã. Người dân không phải lên tỉnh, lên trung ương để giải quyết các việc", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư phân tích, nếu tất cả các vấn đề của người dân không được giải quyết ở cấp xã thì không còn cấp hành chính nào giải quyết.
"Mọi việc ở trong dân mà xã chưa làm được thì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Xã phải gần dân, sát dân, nắm được những yêu cầu của dân. Mọi vấn đề phải được giải quyết ở đấy, đừng để dân đi khiếu kiện. Anh chỉ có làm không đúng, người ta đã thắc mắc phải giải quyết cho người ta. Nếu không giải quyết được thì xã phải báo cáo, quyết định chứ không thể dân người ta tự đi lên tỉnh được", Tổng Bí thư nói.
Không đục nước béo cò khi sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện
Tổng Bí thư cho biết, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, cũng có một số người lo lắng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ trùng xuống, lãng quên. Thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó có 28 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương, gồm 3 lãnh đạo chủ chốt, 3 phó Thủ tướng, 6 bộ trưởng, 10 bí thư, nguyên bí thư các tỉnh, thành ủy, 11 cán bộ cấp thứ trưởng, nguyên thứ trưởng, 26 chủ tịch, nguyên chủ tịch cấp tỉnh, 4 phó bí thư, nguyên phó bí thư thường trực cấp tỉnh.
Bộ Chính trị cũng đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban chỉ đạo Trung ương, cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Theo Tổng Bí thư, thời gian tới cũng cần phát động phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống, từng gia đình, từng người dân, vì sự lãng phí trong xã hội vẫn còn rất lớn.
Nhấn mạnh, lãng phí cũng đang là vấn đề rất đáng báo động, thậm chí còn tổn hại hơn tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước hiện nay còn tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng có nguy cơ gây ra lãng phí.
Bước đầu xác định có 483 dự án với diện tích đất là khoảng 19.775 ha đất chưa được đưa vào sử dụng. Các tỉnh sơ bộ báo cáo có khoảng 3.495 dự án chậm tiến độ và có khoảng 54.293 ha đất chậm hoặc chưa đưa vào sử dụng…
Đặc biệt, trong quá trình tổ chức đại hội Đảng các cấp, cơ cấu lại hệ thống hành chính, sắp xếp tổ chức cán bộ, di dời trụ sở cơ quan, không tổ chức cấp huyện, tổ chức lại cấp xã sẽ không loại trừ tình trạng đục nước, béo cò, tranh tối tranh sáng để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Do vậy, Tổng Bí thư lưu ý, trách nhiệm chính của hệ thống chính trị, của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Trung ương và cấp tỉnh trong vấn đề này.