Tôn vinh gương mặt tiêu biểu của TP.HCM 50 năm qua: Lương y của những trái tim

Trong danh sách đề cử 60 gương mặt tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (1975-2025), bác sĩ Phan Kim Phương được vinh danh như một 'cây đại thụ' của ngành phẫu thuật tim mạch Việt Nam.
Với hơn 30 năm cống hiến, bác sĩ Phan Kim Phương đã miệt mài gieo mầm sự sống, thắp lên hy vọng, hồi sinh nhịp đập cho hàng ngàn trái tim người Việt.
Không chỉ là một bác sĩ tài năng và tận tụy, bà còn là biểu tượng của lòng nhân ái vô bờ bến.
Hành trình từ sản phụ khoa đến giám đốc Viện Tim TP.HCM
Tốt nghiệp bác sĩ vào năm 1983 chuyên Sản phụ khoa, nhưng một cơ duyên vào năm 1989 đã đưa bác sĩ Phan Kim Phương (nguyên giám đốc Viện Tim TP.HCM, hiện nay là người sáng lập và cố vấn chuyên môn tại Bệnh Viện Tim Tâm Đức) đến với những dấu son trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch tại Việt Nam.
Ngày ấy, sau khi ra trường, bác sĩ Phương công tác tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, nơi được Sở Y tế TP.HCM lựa chọn để thực hiện chương trình "Mổ tim thị phạm". Chương trình này nhằm tìm kiếm và đào tạo phẫu thuật viên cho dự án Viện Tim TP.HCM, dự kiến đi vào hoạt động năm 1992.
Tham gia chương trình, bác sĩ Phương dần cảm thấy say mê chuyên ngành tim mạch, nhưng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ được chọn để tiếp tục đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực phẫu thuật tim. Tuy nhiên, chính cơ duyên này đã mở ra một hành trình mới, khởi đầu cho những đóng góp to lớn của bà trong ngành tim mạch Việt Nam.
"Có lẽ đó là một duyên may khi tôi đã có được cơ hội đặc biệt ấy. Sau chương trình Mổ tim thị phạm, tôi được Giáo sư Alain Deloche trực tiếp phỏng vấn và vỡ òa hạnh phúc khi biết mình có tên trong danh sách.
Tôi là một trong hai phẫu thuật viên tim đầu tiên của Viện Tim, được tham gia chương trình đào tạo từ tháng 12-1989 đến cuối tháng 11-1991 tại một bệnh viện danh tiếng về phẫu thuật tim ở Paris, Cộng hòa Pháp," bác sĩ Phương bồi hồi nhớ lại.
Sau hai năm đào tạo bài bản tại Pháp, không chỉ về chuyên môn mà còn về tư cách và trách nhiệm của một phẫu thuật viên, bác sĩ Phương trở về Việt Nam với khát khao mãnh liệt đối với những trái tim. Bà ngay lập tức cùng các đồng nghiệp, bắt tay vào chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để thực hiện ca mổ tim đầu tiên của Viện Tim TP.HCM vào ngày 01-01-1992.
Niềm hạnh phúc khi chứng kiến bệnh nhân hồi phục sau ca phẫu thuật, sự biết ơn sâu sắc với những người thầy đã tận tâm chỉ dạy, cùng sự hỗ trợ quý báu từ Sở Y tế và lãnh đạo các cấp TP.HCM đã trở thành động lực to lớn để bác sĩ Phương kiên trì theo đuổi nghề.
Lúc bấy giờ, sự ra đời và đi vào hoạt động của Viện Tim TP.HCM cũng là một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của ngành phẫu thuật tim mạch tại Việt Nam.
"Mình phải làm thật tốt để cứu cho nhiều người bệnh tim đang mong chờ được phẫu thuật điều trị". Đó không chỉ là suy nghĩ nhất thời mà đã trở thành tâm niệm suốt hơn 30 năm qua, thúc đẩy bác sĩ Phương tiếp tục cống hiến cho ngành y và tận tâm hơn cho những trái tim đang cần được hồi sinh nhịp đập.
Một "bàn tay vàng" và một "trái tim hồng"
Bác sĩ Phan Kim Phương chia sẻ rằng phẫu thuật tim là một trong những chuyên ngành khó nhất trong y khoa, luôn đặt bác sĩ trước những thử thách đầy cam go. Bệnh tim mạch rất đa dạng, từ hàng trăm loại dị tật bẩm sinh phức tạp đến các bệnh lý van tim, cơ tim, động mạch vành và mạch máu lớn, mỗi trường hợp đều mang một đặc điểm riêng biệt.
"Mỗi ca bệnh là một bức tranh riêng, không có ca nào giống ca nào và cũng không có công thức chung trong phẫu thuật", bác sĩ Phương trải lòng.
Chính vì thế, mỗi ca mổ đối với bà đều là một thử thách mới, đòi hỏi sự sáng tạo, kiên nhẫn và tự tin. Nhưng điều quý giá nhất mà bà luôn hướng đến chính là "trái ngọt" sau cùng: "Chữa lành trái tim bị bệnh, mang lại cho người bệnh một cuộc sống mới".
Dành trọn tâm huyết cho chuyên ngành phẫu thuật tim, bác sĩ Phương thừa nhận đây là một hành trình đầy thử thách, đặc biệt đối với một người phụ nữ như bà. Nhưng chính tình yêu nghề, cùng niềm vui khi thấy bệnh nhân hồi phục, đã giúp bà vượt qua tất cả.
Không chỉ là một bác sĩ tài năng, với nhiều năm gắn bó trong ngành, bác sĩ Phương còn thấu hiểu sự vất vả của cả ê-kíp y tế - từ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đến nhân viên y công - những con người làm việc không ngừng nghỉ để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Nên khi đảm nhận vai trò quản lý, bà luôn tâm niệm ba điều quan trọng là đào tạo thế hệ trẻ, cải thiện cơ sở vật chất và chuyển giao kỹ thuật.
Trong suốt 22 năm cống hiến tại Viện Tim TP.HCM, bác sĩ Phan Kim Phương không chỉ trực tiếp tham gia điều trị mà còn góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim cho nhiều trung tâm và bệnh viện trên cả nước.
Đặc biệt, bà là một trong những người đặt nền móng cho sự ra đời của Bệnh viện Tim Tâm Đức - một mô hình xã hội hóa với sứ mệnh Mổ tim cứu người.
"Tôi cảm thấy tự hào khi bản thân đã đóng góp cho sự phát triển của ngành phẫu thuật tim TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Viện Tim TP.HCM - nơi tôi đã gắn bó 22 năm - không ngừng đổi mới, phát triển nhiều kỹ thuật tiên tiến, xứng đáng là trung tâm phẫu thuật tim hàng đầu cả nước", bác sĩ Phương tâm sự.
Không giấu được niềm vui, bác sĩ Phương chia sẻ niềm tự hào khi chứng kiến các đồng nghiệp trẻ - những thế hệ tiếp nối - ngày càng vững vàng, làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến, góp phần đưa nền phẫu thuật tim mạch Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới.
"Hiện nay, ngoài các kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn giúp bệnh nhân giảm đau và mau hồi phục, các đồng nghiệp trẻ tại các trung tâm phẫu thuật tim trên cả nước còn thực hiện thành công những ca ghép tim và ghép tim phổi. Đây là bước tiến vượt bậc trong vòng 5 năm qua, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành phẫu thuật tim Việt Nam", bác sĩ Phương chia sẻ đầy tự hào.