Tôn vinh 60 gương tiêu biểu: Khát vọng cháy bỏng, sẵn sàng cống hiến vì TP.HCM

Ngày 23-4, TP.HCM tổ chức lễ tôn vinh 60 gương tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM từ năm 1975 đến nay. Buổi lễ có sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên...
Trong các gương tiêu biểu có người xây dựng quyết sách lớn nhưng cũng có người ngày ngày thầm lặng đi vận động người dân hiến đất chỉnh trang từng con hẻm nhỏ.
Những lãnh đạo dám nghĩ dám làm
Tại buổi lễ, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao bảng vàng tôn vinh. Tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, thời bình trở về công tác trong lực lượng công an, đến năm 1992 ông Thanh được điều về làm phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND TP.HCM.
Nhắc tới ông Thanh, người ta nghĩ ngay đến người lãnh đạo đỡ đầu nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, mở đường phát triển TP. Những dự án có dấu ấn của ông Thanh có thể kể đến tuyến đường 17,8km Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh);
Phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, xa lộ Hà Nội, đại lộ Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt...
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Thanh cho biết từ sau năm 1992, TP.HCM bùng nổ phát triển hạ tầng, người ta ví nơi đây như "bóc vỏ trái đất". Hàng chục khu công nghiệp, khu chế xuất, đại lộ mở ra.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất là cơ chế chính sách chưa đầy đủ. Nhưng với suy nghĩ cứ theo lối mòn thì không làm được, ông Thanh mạnh dạn "xé rào" thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án.
"Luật pháp hoặc những văn bản dưới luật không bao giờ theo kịp thực tiễn. Tôi lại được cấp trên giao phó những lĩnh vực quan trọng. Nếu bây giờ tôi co rút, sợ trách nhiệm thì ai sẽ làm. Tôi cứ nghĩ việc gì lợi cho dân cho nước thì tôi làm, không tư túi riêng thì sợ gì công an bắt", ông Thanh nói.
Không chỉ hạ tầng, ông Thanh còn đề ra mô hình xóa đói giảm nghèo, sau đó lan rộng ra cả nước. Chương trình cho vay lãi thấp để bà con có vốn chăn nuôi, phát triển nghề nghiệp ra đời.
Dù vậy không phải việc gì cũng suôn sẻ. Khi đó vùng ngoại thành phèn chua nước mặn, nếu trồng lúa thì không đem lại năng suất cao. Ông Thanh vận động chuyển đổi mô hình sang trồng cỏ nuôi bò.
Nhìn TP.HCM phát triển vượt bậc như ngày nay, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM không khỏi tự hào. Tuy nhiên ông vẫn trăn trở vì TP.HCM còn nhiều khu nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch kém an toàn.
Khi làm việc với các lãnh đạo TP.HCM, ông Thanh luôn dặn dò phải quan tâm cải thiện chất lượng sống cho người dân.
"Chúng ta không thể nói về lý tưởng phát triển với người dân nếu cuộc sống của họ còn khó khăn, TP.HCM còn những khu ổ chuột, nhà trên và ven kênh rạch, nhà lụp xụp trong hẻm. Tôi luôn đề nghị các lãnh đạo phải chăm lo đặc biệt cho những người này, phải di dời và cải thiện đời sống cho người dân trên và ven kênh rạch", ông Thanh nói.
Lựa chọn ở lại khi TP.HCM khó khăn nhất
Trong quá trình xây dựng và phát triển, TP.HCM luôn nhận được sự đồng hành, đóng góp của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, những y bác sĩ, nhà giáo. Họ sẵn sàng từ bỏ lời mời gọi từ nước ngoài, ở lại TP.HCM trong thời điểm khó khăn nhất, dùng tri thức và sự sáng tạo để cùng phát triển các lĩnh vực.
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Chấn Hùng cũng như thế, ông là người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chiến lược phòng chống ung thư ở Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề, ông đã đồng hành với biết bao người bệnh, cứu sống biết bao mạng người.
Chia sẻ với chúng tôi, ông cho rằng quyết định ở lại Việt Nam làm việc là đúng đắn. Thời điểm đất nước vừa thống nhất, xã hội còn bộn bề, ngành ung bướu lại là ngành mới tại Việt Nam nên đội ngũ dù được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về cũng khó phát huy được. Nhiều người bạn của ông đã rời đi nhưng ông quyết định ở lại.
"Bạn bè đi cũng đúng, mà mình ở lại cũng đúng. Ở lại lo cho người bệnh khi TP.HCM còn thiếu thốn kinh nghiệm và trang thiết bị. Càng lo được cho người bệnh thì càng hăng say rồi mở ra đào tạo, xây dựng đội ngũ có chất lượng", ông Hùng nói.
Với ý chí đó mà Bệnh viện Ung bướu do ông Hùng làm giám đốc đã trở thành trung tâm chữa trị ung bướu trọng điểm của TP.HCM về cơ sở vật chất, có đội ngũ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại.
Giờ đây ông Hùng hoàn toàn có thể tự hào khi năng lực y khoa của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã phát triển xứng tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong 60 cá nhân tiêu biểu có người xây dựng quyết sách lớn, có người xây công trình lớn nhưng cũng có người ngày ngày thầm lặng vận động người dân hiến đất chỉnh trang từng con hẻm nhỏ.
Hơn 25 tuyến hẻm được vận động kinh phí để lắp cống thoát nước và bê tông hóa, gắn 9 đầu thu với 83 mắt camera ở khu dân cư, vận động kinh phí xây dựng 7 căn nhà tình thương cho hộ nghèo là những gì ông Nguyễn Văn Thể, bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban vận động ấp Đông Lân 7 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) làm được trong thời gian qua.
Năm 2025, người cán bộ gần 70 tuổi này đã gần 50 gắn bó với ấp.
Ông Thể tham gia đoàn thanh niên ra quân dọn dẹp tàn tích chiến tranh từ năm 17 tuổi, rồi tham gia đào kênh Trần Quang Cơ, Phạm Văn Cội, Lê Minh Xuân dẫn nước về trồng lúa, vận động nhân dân thực hiện nhiều chủ trương chính sách từ ngày đất nước thống nhất đến thời kỳ đổi mới, trải qua đại dịch COVID-19 và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Ở tuổi gần 70, ông Thể vẫn đang tìm tòi học công nghệ thông tin để đổi mới phương thức hoạt động ở ấp. Khi được TP.HCM vinh danh là cá nhân tiêu biểu, ông Thể không khỏi ngỡ ngàng.
Chưa bao giờ ông nghĩ "một người có hoạt động rất bình thường ở khu dân cư" lại được TP.HCM vinh danh cá nhân tiêu biểu trong 50 năm. Ông Thể có vẻ khiêm tốn khi nói về mình nhưng chính nhờ những người đang âm thầm đóng góp mà TP.HCM mới có động lực vươn mình phát triển.