Tôi trách mẹ nhiều đến khi hiểu bà yêu tôi bằng cách riêng

Tôi từng muốn viết cho mẹ những tâm tình mà từ trước tới nay chưa bao giờ nói với mẹ. Nhân dịp một ngày hè tháng 5, tôi trở về thăm quê hương, tình cảm thiêng liêng đó lại trào dâng trong lòng. Tôi viết về mẹ, một người luôn nghiêm khắc với tôi, nhưng cũng thương yêu tôi hơn bất kỳ điều gì trên đời. Gia đình tôi có ba anh em, tôi là cô con gái út trong nhà nên có lẽ ai cũng nghĩ sẽ được cưng chiều nhất nhà, không phải làm gì. Đó là người ngoài nhìn vào nghĩ thế, thực ra bên trong chỉ có mình mới hiểu. Tôi nhớ khi lên lớp hai, món ăn đầu tiên mẹ dạy tôi là canh cua rau đay. Nỗi ám ảnh nhất mà đến giờ tôi vẫn nhớ. Tôi bị cua kẹp vào tay đau không thể tách ra được. Rồi mẹ hướng dẫn tôi dùng đũa khuấy liên tục theo vòng tròn, sau khoảng mấy phút khuấy thì các con cua sẽ kẹp vào nhau, lúc đó có thể an tâm rửa sạch và tách mai, yếm dễ dàng hơn. Sau một hồi làm xong, tôi có thể nấu món canh cua rau đay ngon mát bổ dưỡng cho cả nhà.
Quần áo thời đó tôi toàn tự giặt tay, mỗi lần giặt phải ngồi phân loại riêng đồ bán hàng bụi bặm và đồ mặc ở nhà để lúc giặt khỏi nhem quần áo. Nhà tôi bán hàng nên lúc nào bố mẹ cũng bận rộn với công việc, mỗi khi năm học mới đến hầu như tôi phải tự đi mua sắm sách vở cho mình, rồi tự đến cửa hàng may đo. Nhiều khi trông tôi như bà cụ non, vì các anh trai cũng không biết tư vấn tôi ăn mặc thế nào cho đẹp và gọn gàng.
Năm tôi đến lứa tuổi dậy thì, tâm trạng bất ổn nên sống khép mình. Lúc đó, tôi hoang mang vô cùng, không dám tâm sự cùng ai, cũng không dám nói với mẹ vì biết mẹ bận việc. Thấy tôi cứ lúng túng, giấu giếm gì sau lưng khi ra ngoài cửa hàng đối diện về. Mẹ liền hỏi mới biết con gái đã đến tuổi dậy thì rồi, rất cần có người chia sẻ và tâm sự. Sau đó một khoảng thời gian, tôi thay đổi thái độ với mẹ. Mẹ ôm tôi vào lòng và thủ thỉ, cảm thấy tôi và mẹ có khoảng cách gì đó nên mong muốn cả hai sẽ tâm sự với nhau nhiều hơn.
>> Sự thật đau lòng sau những bát cơm đầy của mẹ
Một lần tôi đang đi ra chợ, tụi trẻ con bên kia đường nghịch ngợm vô tình ném thanh sắt sang phía đầu tôi, trúng ngay gần khóe mắt. Lúc đó, tôi choáng váng, máu chảy mà đứng hình mấy phút mới có thể hoàn hồn. Mẹ thấy thế, chạy vội đưa tôi sang cửa hàng thuốc đối diện để băng lại vết thương. Có lẽ hồi đó, cứ nghĩ chỉ là vết thương bình thường rồi cũng khỏi, nhưng đã để cho tôi một vết sẹo nhớ mãi do bị thủng một lỗ phía gần hốc mắt. Thời gian sau, mắt tôi tự nhiên mờ hơn. Mẹ cho tôi đi ra Hà Nội kiểm tra mắt, bác sĩ chỉ bảo cận nhẹ, không phải đeo kính. Thế nhưng tôi cứ thấy xung quanh chỉ là những màn sương trắng xóa, có lúc mờ lúc rõ trông thật ảo. Quãng thời gian ngồi học trên lớp tôi chẳng thể nào ngước mắt nhìn lên bảng vì có nhìn cũng không thấy rõ, tôi bắt đầu học cách tập lắng nghe để ghi chép bài.
Có lần em họ bảo tôi sao không nhìn mà vẫn biết ai đang đến, tôi liền bảo nghe bước chân quen thuộc để cảm nhận thôi. Rồi thời gian cứ thế trôi đi, tôi phải dần làm quen thêm cách sống tập lắng nghe nhiều hơn là nhìn. Vì mỗi lần nhìn là mắt tôi lại thấy mỏi, nước mắt cứ thế chảy ra như khóc. Năm ấy, bệnh đau mắt đỏ chẳng chừa một ai trong đó có tôi, dùng các phương pháp dân gian không đỡ, uống thuốc cũng chẳng khỏi. Hàng ngày, tôi tiêm rất nhiều kháng sinh vào tay. Mắt tôi phải băng bó lại một thời gian vì sợ lây cho người khác. Mẹ bảo tôi: "Con cứ đi học, mẹ sẽ hàng ngày chở con đi rồi đón con về. Nếu con không nhìn thấy đường thì mẹ sẽ là người dìu con đi. Chỉ cần con không bỏ cuộc". Thế là hàng ngày mẹ đưa tôi đến trường, rồi dắt tôi leo lên cầu thang mặc cho bao con mắt dòm ngó. Thời gian đó như một cực hình với tôi, thấy chông chênh và chán nản. Lúc đó, mẹ như người bạn bên cạnh và che chở cho tôi.
Rồi một ngày, bạn của mẹ đến chơi nhà, tôi vô tình nghe được câu chuyện của bác: "Con gái tôi cũng bị như con gái bạn đó. Đi khám chẳng bị bệnh gì, cận thì cũng cận nhẹ thôi mà không hiểu sao mắt nó cứ một ngày mờ đi như có màn sương che mắt đó. Rồi một ngày nó mù hẳn". Nghe vậy, mẹ cười trừ: "Không đâu, con tôi vẫn đang bình thường mà. Tôi cũng cho đi chụp chiếu, kiểm tra mắt thường xuyên, bác sĩ bảo cận bình thường thôi". Tôi thấy mẹ nói vậy thôi nhưng trong lòng mẹ lo cho tôi nhiều, giấu nước mắt vào trong. Mẹ biết quãng thời gian đó với tôi rất vất vả khi không nhìn lên bảng chép bài được, tôi thường tranh thủ mượn vở của bạn xem thêm khi đến giờ ra chơi hoặc buổi trưa về muộn vì ngồi xem lại bài vở khỏi sợ quên lời thầy cô vừa giảng.
>> Là điểm tựa gia đình nhưng chưa một lần được mẹ động viên
Một ngày tiết trời sang thu, bố phải chở hàng cho khách ở xa nhà. Mình mẹ ở nhà vừa lo cửa hàng lại lo cho mấy anh em tôi. Hôm đó, tôi thu quần áo phơi ngoài sân vào trong nhà vì sợ trời mưa, vô tình tôi sờ vào cái gì cứ như búi rơm, rồi nó cắn tôi một phát. Tôi đau quá, vội rút tay ra thì có một con rết khá to màu xám lông chuột. Tôi ngồi thu lu một góc rồi cả một cánh tay cứ thế tê liệt và đen dần. Tôi mệt quá, ngất lịm đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thấy mẹ đã ở bên cạnh, mẹ bảo các anh tôi lấy một mảnh vải để buộc tay chặn phía trên, không cho máu độc lan lên khắp người.
Rồi mẹ nghe tin trong làng có một bậc thầy về chữa độc do các con côn trùng cắn. Mẹ liền cõng tôi trên vai và chạy đi mà quên rằng nhà có xe. Mẹ cứ vừa chạy, vừa thở gấp, mồ hôi lăn dài trên má rồi ướt hết cả lưng áo mẹ. Tôi nằm trên bờ lưng gầy guộc đó mới cảm nhận sự vất vả, sương gió của mẹ. Thế mà trước kia tôi cứ thầm trách, tại sao mẹ không quan tâm con nhiều hơn, con cố gắng học tốt để được tham gia kỳ thi học sinh giỏi nhưng chưa một lần nào được bố mẹ chở đi thi vì bố mẹ quá bận công việc. Mẹ thường gửi nhờ hàng xóm đưa con đi, làm con luôn thấy tủi thân. Con ước có mẹ cũng ở bên động viên con lúc đó. Chỉ cần thế thôi cũng làm con thấy ấm lòng biết bao. Những lần họp phụ huynh ở trường cũng đều thiếu vắng duy nhất bố mẹ. Cứ đến chiều muộn khi mọi người về hết, bố mẹ mới sắp xếp qua gặp thầy cô hỏi tình hình học tập của con.
Tôi từng trách bố mẹ như thế đó, nhưng dần hiểu ra vì cuộc sống mưu sinh, bố mẹ vất vả để lo cho mấy anh em tôi ăn học thành người. Mẹ đã đưa tôi đến ông thầy chuyên chữa độc, mặt tôi lúc đó nhợt nhạt như không còn một giọt máu. Tôi thở gấp như sắp hấp hối đến nơi. Mẹ sợ tôi mất ý thức rồi rời xa nên cứ cố lay tôi dậy, vỗ vào má để tôi tỉnh. Ông thầy kiểm tra mạch và xem loại côn trùng độc này cần dùng loại nào để hút độc ra. Chất độc đen như đám mây u ám bắt đầu lan đến nửa thân người tôi. Rồi cuối cùng thầy cũng mang ra một loại gần giống như con ốc. Tôi cảm nhận nó đang đậu trên bàn tay tôi, đúng vị trí con rết kia cắn. Rồi từ từ chất độc bị hút về phía hình con ốc đó như mây đen đang bị xua tan đi để nhường chỗ cho những làn mây trong xanh trở lại. Dần dần cơ thể tôi trở về trạng thái bình thường, thầy thả con ốc đó vào chậu nước. Đó là một màu đen xì lan tỏa trong chậu, nhìn thấy thật đáng sợ.
Mẹ cố gọi tôi dậy, tôi như dần lấy lại ý thức và mở mắt ra. Tôi thấy mẹ khóc, khóc nhiều đến mức sưng cả mắt. Mẹ ôm chầm lấy tôi chặt đến mức tôi không thở nổi, như mẹ sợ ai đó cướp mất con gái của mình. Đến giờ, sau bao nhiêu năm tôi vẫn thầm cảm ơn mẹ và cảm ơn ông thầy đó đã hồi sinh mình một lần nữa. Mẹ không thể hiện tình cảm ra nhưng bất cứ lúc nào tôi có chuyện, mẹ luôn ở bên cạnh lo lắng. Năm tôi ôn thi đại học, mẹ ngày nào cùng chở tôi từ nhà đến chỗ ôn thi khoảng 15-20 km.
Giữa trưa hè nắng nóng oi bức, mẹ vẫn ngồi đợi ngoài sân để đón tôi về. Ngày nào cũng thế, dù trời mưa hay nắng, mẹ vẫn ân cần chở tôi đi. Năm đó, đi thi đại học, hành trang trên đường mẹ chỉ cần mang theo ít tiền cùng mấy nắm gạo, một quả bí xanh để lúc nào cần có thể nấu ăn được. Người tính không bằng trời tính, khi phát sinh mấy việc nên tiêu gần hết tiền, mẹ lo tôi đói, không có sức đi thi nên ra chợ mua mấy lạng thịt ba chỉ về nhờ bác chủ nhà bếp để nấu cơm cho tôi ăn.
>> May mắn có thêm hai người cha mẹ tốt
Mẹ cứ nhìn tôi ăn ngon miệng mà quên cả gắp thức ăn. Tôi liền bảo sao mẹ không ăn thịt mà chỉ ăn mỗi cơm. Mẹ cười và bảo: "Mẹ nhìn con ăn là đủ no rồi. Mẹ mua mấy lạng thịt rang ăn được hai bữa, lát con ăn xong có ít ổi găng mẹ mua cho đó". Tôi vui vì mẹ vẫn nhớ món ổi găng mà tôi thích ăn, nhưng tôi không hề biết tiền cũng sắp hết rồi, mẹ đang cố để nhường cho tôi những thứ tốt nhất. Mẹ có thể nhờ người nhà gửi tiền ra bến xe lấy nhưng không làm thế. Vì mẹ biết theo kinh nghiệm bản thân, mẹ sẽ tự xử lý được mọi tình huống. Đúng là có mẹ luôn cảm thấy được no ấm và an yên.
Ngày mẹ mong nhất cũng đến, con gái dẫn người thương về thăm nhà và ra mắt. Mẹ ưng chàng trai đó, nhìn hiền lành và chỉ mong sao sẽ thay mẹ chăm sóc con gái thật tốt. Ngày hai bên gia đình chuẩn bị gặp nhau, người yêu tôi bị sốt xuất huyết phải nằm viện hai tuần điều trị, hoãn lại buổi gặp mặt. Thời gian cứ thế trôi đi, hai gia đình cũng đợi được đến ngày gặp gỡ để bàn chuyện cưới xin. Ngày 30 tháng 4 năm ấy, có lẽ là ngày đáng nhớ nhất cuộc đời tôi. Buổi tối hôm đó, tôi đang ngồi đọc sách thì có tiếng điện thoại reo từ anh hai tôi: "Em à, mẹ bị tai nạn nặng lắm. Anh đang đưa mẹ ra Hà Nội cấp cứu. Em chuẩn bị sang bệnh viện Việt Đức nhé". Tôi chưa kịp hỏi chuyện gì xảy ra, nước mắt cứ trào dâng. Tôi chỉ biết gọi cho chồng sắp cưới để cùng vào viện gấp với mình.
Trước mắt tôi là hình ảnh một người mẹ luôn mạnh mẽ, kiên cường ngày nào mà giờ áo mẹ nhuốm đầy máu. Mẹ nằm im, không cử động được. Mẹ bị chấn thương sọ não rất nặng do đầu đập phía sau tảng đá khi bị tai nạn xe máy. Bác sĩ phải phẫu thuật chấn thương sọ não. Mẹ hôn mê ba hôm liền, tôi ở bên cạnh túc trực thay đồ và vệ sinh cho mẹ hàng ngày. Tôi chỉ ước mẹ có thể tỉnh lại sau ca phẫu thuật vì mẹ cũng vất vả cả đời rồi. Rồi một buổi sáng tôi tỉnh giấc, đã thấy mẹ ngồi dậy lúc nào và đang ngồi thiền. Bác sĩ đến bảo tôi: "Ý chí của mẹ cháu rất mạnh mẽ, chấn thương của mẹ cháu khá nặng nên khả năng phục hồi sẽ chậm nhưng bác không ngờ nay mẹ cháu đã ngồi dậy thiền được". Có lẽ tâm mẹ luôn hướng đến Phật mỗi ngày.
Mỗi sáng khi còn ở nhà, mẹ thường dậy từ 4-5 giờ sáng để tụng kinh niệm Phật, thấy lòng an yên hơn. Đức Phật từ bi đã nghe thấu lời nguyện cầu của mẹ và tôi chăng. Lúc đó, mẹ nhìn tôi âu yếm và nói: "Thần chết đã không mang mẹ đi vì mẹ phải nhìn con gái mẹ thật hạnh phúc bên người con yêu chứ. Con đã vất vả chờ đợi cuộc hôn nhân này rồi, lần này bị hoãn là bởi mẹ gặp nạn, mẹ phải cố gắng tỉnh dậy phải không nào". Nghe xong, tôi ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở như một đứa trẻ con xa mẹ lâu ngày, rất cần được mẹ chở che.
Người gây ra tai nạn cho mẹ là một cậu bé mới học lớp 9, nhưng có vấn đề tâm lý (đó như là một dạng của bệnh lý tâm thần), cậu bé đó tự ý lấy xe máy đi ra đường và không may tông trúng mẹ tôi. Mặc dù gia đình cậu bé đến xin lỗi và mong hỗ trợ một phần viện phí cho mẹ, nhưng mẹ từ chối nhận tiền vì biết gia đình cậu cũng nghèo lắm. Mẹ lúc nào cũng thế, luôn nghĩ cho người khác. Có khi cuộc đời khắc nghiệt này cứ làm mẹ bị tổn thương bởi nhiều lời nói, sự ghen ghét, đố kỵ nhưng mẹ vẫn vui vẻ để sống vì không muốn tham sân si với đời. Có lẽ vì tấm lòng đó, cậu bé vẫn qua nhà hỏi thăm và chúc Tết mẹ mỗi khi tết đến xuân về.
Đến giờ, tôi vẫn luôn nhớ câu nói của mẹ: "Hãy sống thế nào để khi chết đi thì người khác vẫn nhớ đến mình, là lòng thấy thanh thản lắm rồi con ạ". Cảm ơn đời vẫn giữ lại đôi mắt cho tôi, tuy không rõ như trước nhưng vẫn có thể nhìn được những người thân yêu của mình. Cảm ơn đời vì mẹ luôn ở đây để tôi vẫn là đứa con bé bỏng của mẹ, luôn cần có mẹ ở bên động viên và khích lệ. Viết cho mẹ về những nỗi vất vả sớm hôm, viết cho cảm xúc của tôi về người mẹ mà tôi luôn trân quý và biết ơn.
Hoàng Linh