'Tôi tin VinSpeed sẽ mang 'mã gien kỳ tích' của Vingroup'

TS Lê Xuân Nghĩa (ảnh), nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng việc VinSpeed đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và sẵn sàng gánh vác mọi rủi ro thể hiện tinh thần cống hiến của doanh nghiệp Việt.
Nhìn vào những năng lực triển khai của các doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vượng điều hành, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ sự tin tưởng VinSpeed sẽ "mang mã gien kỳ tích" của Vingroup đã được chứng minh qua rất nhiều công trình hạ tầng vừa đạt kỷ lục về tốc độ xây dựng vừa đảm bảo chất lượng.
"Có một DN đứng ra nhận trách nhiệm sống còn là điều đáng mừng và nên được xem xét hết sức nghiêm túc"
Đây có lẽ là lần đầu tiên một doanh nghiệp (DN) tư nhân đề xuất được tham gia thực hiện dự án tầm cỡ đến như vậy, ông nhìn nhận thế nào về việc này?
Đầu tiên phải khẳng định đây là một đề xuất đột phá, có tính cách mạng, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ hai, đề xuất này của DN là rất đáng khích lệ, khi sẵn sàng đứng ra chung vai gánh vác những trọng trách lớn quốc gia, thậm chí là chấp nhận rủi ro.
Theo Nghị quyết của Chính phủ, dự án này phải khởi công trước tháng 12.2026, nhưng hiện tại đang gặp khó trong việc xác định DN làm chủ đầu tư cũng như khai thác, vận hành. Nay lại có 1 DN, lại là tập đoàn hàng đầu VN, đứng ra nhận trách nhiệm sống còn thì đó là điều đáng mừng và nên được xem xét hết sức nghiêm túc.
Liên quan đến đề xuất phát triển đô thị tại nhiều địa phương có tàu cao tốc đi qua, có ý kiến lo ngại DN sẽ ôm "đất vàng" ở nhiều nơi, cá nhân ông có ngại vấn đề này?
Các dự án cao tốc, dù là đường bộ hay đường sắt thường được xây dựng ngoài đô thị, chủ yếu là đi trên đất ruộng, nên chuyện DN ôm "đất vàng" trung tâm là không có.
Còn khi dự án hình thành, việc phát triển đô thị dọc theo tuyến là tất yếu và đó cũng là một trong những giá trị của tuyến đường sắt. Những dự án đó nếu được giao cho DN có kinh nghiệm vượt trội như Vingroup phát triển thì chúng ta sẽ có thêm nhiều đô thị đẳng cấp, hiện đại, thậm chí thay đổi diện mạo của các địa phương. Thực tế chứng minh, bằng việc đầu tư bài bản, Vingroup đã biến nhiều vùng đất hoang vu thành "đất vàng" thay vì nắm giữ "đất vàng" để phát triển dự án.
Là một DN chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC), nhưng VinSpeed đã cam kết hoàn thiện dự án chỉ sau 5 năm, tức là chỉ bằng nửa thời gian so với dự kiến. Theo ông, điều này liệu có khả thi?
Tôi nghĩ hoàn toàn có thể! Tuy là một cái tên mới nhưng đứng sau VinSpeed là tỉ phú Phạm Nhật Vượng với hệ sinh thái đa ngành lớn nhất VN. Trước khi có VinFast, ít người tin rằng người Việt có thể làm ô tô, nhưng giờ họ đã là hãng xe bán chạy nhất thị trường với tỷ lệ nội địa hóa hiện tại gần 70%. Tôi tin VinSpeed cũng mang "mã gien kỳ tích" đó.
Năng lực triển khai của các DN do ông Phạm Nhật Vượng điều hành đã được chứng minh qua rất nhiều công trình hạ tầng vừa đạt kỷ lục về tốc độ xây dựng vừa đảm bảo chất lượng, như Nhà máy ô tô VinFast tại Cát Hải hoàn thành chỉ trong 21 tháng, dự án Vành đai 2 trên cao tại Hà Nội vượt tiến độ 3 tháng, hay tới đây là công trình Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia với thời gian thi công thần tốc - chỉ 10 tháng… Đã có nhiều DN tư nhân VN tiếp thu công nghệ, đổi mới sáng tạo thành công, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.
Cần nói thêm là trong 5 năm, Trung Quốc thậm chí hoàn thành tới 29.000 km ĐSTĐC. Vậy tại sao phải nghi ngờ năng lực và cam kết của VinSpeed? Đặc biệt, việc dự án hoàn thành sớm hơn 5 năm còn giúp tiết kiệm nhiều nguồn lực cho quốc gia.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án cống hiến tiếp theo của tỉ phú Phạm Nhật Vượng
Việc VinSpeed đưa ra một số đề xuất đặc biệt, chẳng hạn như vay ngân sách 80% số vốn với lãi suất 0% và cam kết hoàn trong vòng 35 năm, hay thời gian vận hành dự án lên tới 99 năm có phải là những đòi hỏi vượt ngưỡng không, thưa ông?
Hầu hết các đề xuất của VinSpeed về ưu đãi thuế, phí đều nằm trong Nghị quyết 172 của Quốc hội. Trên thực tế, dù giao cho DN quốc doanh hay DN nào khác làm thì cũng đều phải có các cơ chế đặc thù như thế.
Cũng phải nhắc lại rằng, đây không phải là một dự án bình thường, mà là một công trình thế kỷ với kỳ vọng tạo sức bật mạnh mẽ cho VN trong kỷ nguyên mới. Làm sao có thể tạo ra những điều phi thường nếu vẫn chỉ đi theo những cách làm bình thường, theo thông lệ? Thay vào đó, siêu dự án này cần phải có những cơ chế thực sự ưu việt, mang tính đột phá.
Thông thường, thời gian hoàn vốn quá 10 năm đã là lỗ (nếu không tính lan tỏa lợi ích từ các ngành khác). Đây cũng là thực tế chung của ĐSTĐC ở hầu hết các nước. Vậy thì, thay vì nhà nước làm và phải bù lỗ kéo dài, việc để DN tư nhân như VinSpeed làm và chịu trách nhiệm tất cả rõ ràng vẫn có lợi hơn.
Hơn nữa, với đề xuất của VinSpeed, nhà nước được đảm bảo hoàn vốn sau 35 năm, giúp giảm gánh nặng ngân sách và áp lực nợ công, như vậy chẳng phải rất tốt sao? Tất nhiên, khi để DN tư nhân làm, họ thường sẽ tối ưu được thời gian triển khai, chi phí vận hành nên mức độ lỗ sẽ được giảm thiểu.
Ông có cảm thấy vô lý khi một DN chủ động đứng ra nhận phần thiệt về mình?
Với DN trong hệ sinh thái Vingroup thì điều này không có gì lạ! Vingroup và cá nhân ông Phạm Nhật Vượng từng cống hiến trong lĩnh vực sản xuất ô tô để VN có một thương hiệu ô tô đạt đẳng cấp thế giới. Họ cũng cống hiến trong các lĩnh vực phi lợi nhuận là y tế, giáo dục, các quỹ tài trợ khoa học công nghệ. Và đây sẽ là bước đi tiếp theo trên con đường cống hiến của họ.
ĐSTĐC Bắc - Nam là mong mỏi của hàng triệu người Việt. Chúng ta được lợi gì khi dự án này hoàn thành, thưa ông?
Đây sẽ là công trình tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế. Theo tính toán, hệ số lan tỏa của ĐSTĐC tối thiểu là 1,7 lần, tối đa là 2,3 lần. Tức là 1 đồng vốn bỏ ra để xây dựng sẽ tạo ra cho nền kinh tế từ 1,7 - 2,3 đồng.
Trong quá trình thi công, những ngành như vật liệu, vận tải, xây dựng… sẽ được hưởng lợi. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ thúc đẩy lưu thông người, hàng hóa, chi phí logistics giảm mạnh, thúc đẩy liên kết vùng.
Cùng với đó, dự án sẽ đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa ở 23 nhà ga dọc theo tuyến. Dự án cũng tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người trong suốt vòng đời và giúp VN làm chủ lĩnh vực công nghiệp ĐSTĐC và hệ thống điều khiển thay vì phụ thuộc vào nước ngoài.
Cuối cùng, ĐSTĐC sẽ giúp giảm đáng kể phát thải khí nhà kính. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa cam kết Netzero của VN vào năm 2050.