Tôi không bắt con vào đại học khi chưa biết rõ đam mê

Trong lần trở về Việt Nam gần đây, nhiều người quen biết tôi từng giảng dạy ở nhiều nơi trong và ngoài nước đã tìm đến nhờ tư vấn: Nên cho con học ngành gì? Học trong nước hay du học? Chọn ngành dễ xin việc, dễ thành đạt hay dễ định cư?
Mỗi câu hỏi đều chất chứa một nỗi lo, một kỳ vọng, một lựa chọn khó khăn. Thật lòng mà nói, tôi không có câu trả lời cụ thể. Bởi ngay với con gái mình, tôi và con cũng từng trải qua một hành trình đầy trăn trở để tìm hướng đi phù hợp.
Khi vừa tốt nghiệp phổ thông ở New Zealand, con gái tôi phân vân giữa nhiều lựa chọn: học ngành gì, học ở đâu, bắt đầu ngay hay tạm dừng một năm (gap year)...? Con đứng giữa nhiều luồng ý kiến: người khuyên chọn ngành "dễ kiếm việc", người đề cao đam mê cá nhân. Có người ủng hộ học đại học ngay, người khác lại khuyên nên đi làm hoặc đi du lịch để "trưởng thành hơn". Trong bối rối, con muốn tạm dừng lại để hiểu rõ bản thân, để tự tìm tiếng nói riêng giữa muôn vàn kỳ vọng.
Thế hệ chúng tôi trước đây bước vào đại học theo một lộ trình gần như định sẵn. Với nguồn lực hạn chế, thi đỗ đại học, bất kể ngành nào, gần như là con đường duy nhất dẫn đến một công việc ổn định. Ngày nay, điều kiện sống tốt hơn, cơ hội đa dạng hơn, nhưng đồng nghĩa với nhiều áp lực hơn: chọn ngành nào, trường nào, học trong nước, chương trình quốc tế hay du học? Làm sao chọn ngành phù hợp năng lực và bảo đảm tương lai?
Nghiên cứu tại Đại học Stanford cho thấy, sinh viên Mỹ thường cảm thấy quá tải khi phải chọn ngành học từ sớm, và không ít người phải thay đổi ngành giữa chừng. Tại Australia, đến 40% sinh viên đại học không chắc chắn về lựa chọn ngành của mình, dù xuất thân từ những gia đình có nền tảng học vấn cao. Rõ ràng, áp lực chọn ngành không chỉ là câu chuyện của Việt Nam, mà là bài toán toàn cầu.
>> Hành trình sang Mỹ tìm đam mê của một đứa trẻ không có ước mơ
Làm cha mẹ, ai cũng mong con có tương lai ổn định và hạnh phúc. Không có gì lạ khi nhiều phụ huynh hướng con đến những ngành "an toàn" như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, lập trình viên... Đây là những nghề được xã hội coi trọng và có thu nhập ổn định. Nhưng liệu đó có phải điều con thực sự mong muốn?
Nhiều học sinh tuổi 18 chưa đủ trải nghiệm để hiểu rõ bản thân. Trong khi đó, cha mẹ, với thiện chí, thường muốn "chọn giúp con". Một số phụ huynh tin rằng với trải nghiệm và hiểu biết của mình, lời khuyên của họ là đáng tin cậy. Điều này không sai, nếu được trao đi bằng sự thấu hiểu và tôn trọng. Nhưng nếu lời khuyên trở thành sự áp đặt, hậu quả có thể là sự miễn cưỡng, học tập không đam mê, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tâm lý.
Điều cần thiết là tìm ra điểm cân bằng: kết hợp mong muốn và cá tính của con với kinh nghiệm và tầm nhìn của cha mẹ. Việc chọn ngành học không nên chỉ vì "hot" hay "dễ định cư", mà cần xuất phát từ năng lực thật sự và giá trị sống của người học. Khi đó, việc học mới trở thành hành trình khám phá và phát triển, thay vì cuộc chạy đua theo kỳ vọng.
Du học mở ra nhiều cơ hội: trải nghiệm quốc tế, tư duy độc lập, khả năng thích nghi trong môi trường toàn cầu. Nhiều bạn trẻ du học đã thành công, có công việc tốt, thu nhập cao, cuộc sống viên mãn. Tuy nhiên, cũng có không ít câu chuyện ít được kể: sốc văn hóa, cô đơn, trầm cảm, không thích nghi được, và phải về nước trong tiếc nuối.
Tôi từng giảng dạy một sinh viên trở về từ nước ngoài. Em chia sẻ rằng, áp lực học tập và môi trường xa lạ khiến em rơi vào khủng hoảng. Trở về học ở Việt Nam giúp em như được "tái sinh", sống vui vẻ hơn và cảm thấy được là chính mình.
Một người bạn làm nhân sự trong tập đoàn quốc tế từng nói với tôi: "Ứng viên học đại học quốc tế thường gây ấn tượng ở vòng đầu, nhưng trong các vòng phỏng vấn sâu, nhiều sinh viên tốt nghiệp trong nước lại thể hiện tư duy và nền tảng kiến thức vững vàng hơn". Cuối cùng, điều quyết định không phải là học ở đâu, mà là bản lĩnh, thái độ và khả năng thích nghi.
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp. Một kế hoạch rõ ràng, sự chuẩn bị chu đáo sẽ tạo nền tảng vững chắc. Nhưng cuộc sống không chỉ vận hành bằng lý trí, mà còn là tổng hòa của những điều bất định.
Nhìn lại chính mình, tôi và nhiều người đang làm những công việc không liên quan đến ngành từng học. Có thể đó là một cơ hội bất ngờ, một lời giới thiệu đúng lúc, hoặc đơn giản là sự can đảm thử điều chưa từng nghĩ tới. Một nghiên cứu của Harvard Business Review cho thấy "serendipity" (những cơ hội may mắn tình cờ) có ảnh hưởng lớn đến thành công trong sự nghiệp, không thua gì sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vì vậy, hãy định hướng, nhưng luôn để ngỏ khả năng điều chỉnh. Hãy để con có quyền thử và cả quyền sai. Biết đâu, cái "sai" hôm nay lại là bước ngoặt dẫn đến điều đúng vào ngày mai. Tuổi 18 là cánh cửa mở ra tương lai nhưng nó không chỉ có một lối đi. Miễn là cả gia đình cùng nhau vượt qua những ngã rẽ ấy bằng sự tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương, thì dù đường đời có quanh co, mỗi bước chân vẫn có thể trở nên vững vàng và đầy ý nghĩa.
Phạm Hòa Hiệp