Toàn cảnh vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long: Cơn giông ập đến, bi kịch xảy ra trong chớp mắt

Lời kể đứt quãng của anh Vũ Anh Tú thuyền viên duy nhất còn sống trong vụ tai nạn khiến ai chứng kiến cũng nghẹn lòng. Đó là buổi chiều 19.7 định mệnh, khi cơn giông bất ngờ trút xuống vịnh Hạ Long, cuốn phăng đi sinh mạng của 35 người và để lại nỗi đau xé lòng cho hàng chục gia đình.
Anh Tú (25 tuổi, trú tại P.Hà An, Quảng Ninh) vẫn chưa thể tin mình là người sống sót hiếm hoi từ đáy con tàu lật úp. Anh kể, khi bắt đầu chuyến hành trình, ai cũng vui vẻ, rộn ràng chuẩn bị khám phá vịnh. Thuyền trưởng Đoàn Văn Trình – người anh kính trọng như người thân là người dày dạn kinh nghiệm, từng cùng anh qua bao chuyến tàu an toàn. Nhưng định mệnh đã không buông tha.
Giữa dòng nước lạnh buốt và bóng tối dày đặc, anh bị va đập mạnh, cánh tay rách toạc. Trong vô thức, anh lần theo ánh sáng le lói trên mặt biển, cố gắng ngoi lên để thở. May mắn thay, một chiếc ghế gỗ nổi trên mặt nước đã trở thành phao cứu sinh. Anh bám chặt, run rẩy chờ được cứu. "Tôi không biết vì sao mình còn sống. Có lẽ là quá may mắn… nhưng những gì đã chứng kiến, tôi sẽ mang theo đến hết cuộc đời."
Không chỉ là sự sống sót kỳ diệu, trong giây phút sinh tử còn bừng lên ánh sáng của tình yêu, lòng quả cảm và tình người. Đó là câu chuyện của anh Đinh Đức Hiệp (35 tuổi, trú tại Quảng Ninh), người đàn ông đã cứu sống mẹ và nhiều hành khách giữa hoảng loạn, lạnh giá và bóng tối.
Gia đình anh Hiệp có 8 người cùng đi trên chuyến tàu định mệnh. Khi con tàu bị đánh lật, nước biển ào vào khoang, mẹ anh bà cụ đã có tuổi thều thào: "Con tìm cách thoát đi… mẹ sắp không thở được nữa rồi…". Nhưng anh không đi.
Trong khoảnh khắc ranh giới giữa sống - chết mỏng manh, anh Hiệp chọn ở lại. Anh dìu mẹ lên khỏi làn nước, vừa trấn an vừa hướng dẫn bà giữ hơi thở. Rồi anh lặn xuống, lần lượt kéo một người phụ nữ ra ngoài. Anh cứ ngoi lên lặn xuống giữa làn sóng cuộn, vừa tìm người, vừa gào to: "Ai còn thở thì theo hướng này ra! Chân đạp về bên phải sẽ gặp cửa! Có người đứng ngoài kéo lên!"
Tiếng gọi của anh trong cơn giông gào thét đã trở thành sợi dây cứu sinh của nhiều người.
Anh Hiệp đã cứu được mẹ, một người đàn ông và hai phụ nữ. Nhưng với một nạn nhân nam bị thương nặng, anh không thể làm gì hơn. Trong nỗi đau dằn xé, anh buộc thi thể người ấy vào mạn tàu để tránh trôi dạt rồi tiếp tục lặn xuống lần nữa, lần này để tìm bạn gái.
"Khoảng 10 - 15 phút sau tôi mới chạm được chân cô ấy. Tôi kéo lên, cố hô hấp nhân tạo. Nhưng… không kịp. Cô ấy đã uống nhiều nước, cả xăng… đã ngạt thở rồi…", anh Hiệp bật khóc, đôi bàn tay vẫn còn siết chặt chiếc chăn bệnh viện.
Tại Hà Nội vào trưa cùng ngày nhiều gia đình có nạn nhân xấu số trên chuyến tàu đã nhận được thi thể và đưa về quê nhà làm lễ an táng. Trong đó, nhiều gia đình mất 4 người trên chuyến tàu định mệnh.
Tại thôn Vĩnh Ninh, xã Đại Thanh gia đình đã làm tang lễ cho vợ chồng anh N.H.T cùng 2 người con gái, là những người thiệt mạng trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vào chiều 19.7.
Anh T. là nhân viên lái xe buýt, vợ anh đang mắc ung thư giai đoạn 3. Nhân dịp con trai vừa thi xong tốt nghiệp THPT, cả gia đình 5 người lần đầu tiên tổ chức đi du lịch. Sau khi gặp nạn, đêm 19.7, người thân trong gia đình anh T. có mặt tại Quảng Ninh và được cơ quan chức năng đưa đi nhận diện. Giây phút nhận diện, mọi người chết lặng khi cả 4 người, gồm anh T. (52 tuổi), chị Ng. (51 tuổi) và 2 con là H. (23 tuổi), Th (8 tuổi) đã tử vong. Người sống sót duy nhất là cháu P. (18 tuổi).
Trong khi đó, xã Hồng Vân là địa phương có 6 nạn nhân thiệt mạng và mất tích trong vụ lật tàu. 6 người thuộc 2 gia đình, trong đó một gia đình tất cả 4 người tử vong; một gia đình chồng tử vong, vợ vẫn còn mất tích.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, thông tin địa phương có 6 người thiệt mạng trong vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, đó là gia đình anh Lê V.A (4 người) và gia đình ông Từ Bá T. (2 người).
Ngay trong sáng 20.7, chính quyền xã đã phối hợp với các đoàn thể, thôn đội và nhà trường đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân. UBND xã Hồng Vân hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong 10 triệu đồng.
Một trong những người được anh Hiệp cứu sống là chị T.T.H, người phụ nữ đã mất chồng và con trong vụ tai nạn. Ôm chặt lấy ân nhân, chị H. nghẹn ngào trong nước mắt: "Nếu không có em ấy, tôi đã không thể sống sót, nhưng chồng và con tôi không còn nữa. Tôi đau đớn lắm."
Những con người may mắn trở về từ cõi chết ấy, trong ánh mắt còn in dấu nỗi kinh hoàng, đã không chỉ sống sót, họ còn trở thành nhân chứng của lòng can đảm, của tình thân và sự hy sinh giữa biển giông.
Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 là một thảm kịch quá lớn, nhưng trong tang thương ấy vẫn có những điều đẹp đẽ – là tiếng gọi cứu người giữa hoang mang, là bàn tay không buông nhau giữa giông tố. Và chính những con người như Hiệp, như Tú… đã khiến chúng ta tin rằng, giữa hiểm họa tàn khốc nhất, tình người vẫn là ngọn lửa không bao giờ tắt.
Tại buổi họp báo chiều 20.7, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh và các sở, ban ngành đã công bố rõ quy trình tiếp nhận tín hiệu tàu bị nạn, lý do lựa chọn phương án hỗ trợ bằng tàu thay vì trực thăng, cũng như những khó khăn do mặt biển rộng, thiếu tín hiệu liên lạc.
Một số nạn nhân sống sót phản ánh rằng sau hơn 3 giờ mới được cứu. Tuy nhiên, theo đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, do mưa đá và giông lốc kéo dài đến khoảng 15 giờ nên thông tin tai nạn bị báo chậm, nhưng chỉ 10 phút sau khi nhận được tin báo, tàu cứu hộ đã có mặt tại hiện trường.
Về quy chuẩn kỹ thuật, tàu Vịnh Xanh 58 được đóng năm 2015, đã được đăng kiểm đầy đủ, còn hiệu lực đến hết năm 2026. Tàu có khả năng chở 48 hành khách và đáp ứng quy chuẩn an toàn vượt mức quốc gia.
Theo ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, tàu Vịnh Xanh 58 đạt hệ số an toàn ổn định 2,3 cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn đăng kiểm là 1,0.
Ông Minh cũng cho biết, theo quy định, du khách không bắt buộc mặc áo phao khi tàu đang di chuyển bình thường. Nhiều nạn nhân được phát hiện mặc áo phao, cho thấy có thể thuyền trưởng đã kịp cảnh báo trước khi tàu bị lật.
Tuy nhiên, buổi họp báo cũng thừa nhận việc dự báo giông lốc chưa kịp thời. Các bản tin lúc 6 giờ 30 và 10 giờ sáng của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quảng Ninh không cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến lúc 12 giờ 45, đến 13 giờ 30 mới có bản tin cập nhật cảnh báo giông lốc.
Trả lời về công tác dự báo thời tiết, ông Minh cho hay cảng vụ có hợp đồng với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn để nhận 3 bản tin mỗi ngày. Sáng và trưa 19.7, các bản tin không cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Tuy nhiên, đến 13 giờ 30, trung tâm mới gửi bản tin bổ sung cảnh báo có giông lốc, khi tàu đã rời cảng.
Ngay khi nhận được cảnh báo mới, cảng vụ đã lập tức ngừng cấp lệnh xuất bến và thông báo tới các chủ tàu. Nhưng lúc đó, tàu Vịnh Xanh 58 đã đi sâu vào vịnh và gặp nạn.
Liên quan đến đề xuất điều trực thăng cứu hộ, đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho rằng, khu vực tàu bị nạn cách đất liền chỉ khoảng 3 km, cách Tuần Châu khoảng 1 km. Trong điều kiện giông lốc mạnh, việc sử dụng máy bay trực thăng vừa không khả thi về thời gian triển khai, vừa tiềm ẩn rủi ro lớn.
"Thực tế chỉ sau 10 phút khi nhận tin báo, các tàu của lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường. Chúng tôi không chờ chỉ đạo mà lập tức điều tàu đi cứu dân", ông Thuyết nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công cũng lý giải, trực thăng không phải lựa chọn phù hợp trong tình huống này do điều kiện thời tiết và khoảng cách quá gần.
"Từ bờ ra đến vị trí tàu bị nạn chỉ mất 15 - 20 phút đi tàu cao tốc. Nếu dùng trực thăng, vừa mất thời gian xin phép, vừa không đảm bảo an toàn do mưa bão", ông Công nói.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khẳng định cơn mưa giông xảy ra là do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc bộ, không phải do ảnh hưởng của bão số 3.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các nghiên cứu của Mỹ về giông, lốc sét trong bão cho thấy chỉ quan sát được số lượng rất ít các tia chớp ở lõi trong của bão, áp thấp nhiệt đới. Nhân tố quyết định sự phát triển giông sét là sự tương tác giữa các tinh thể băng có trong nước lỏng. Do đó, thường xuất hiện sấm, chớp hay các ổ giông lốc ở bên ngoài khu vực tâm bão (trên 100 km) do có sự kết hợp với các dải mưa đối lưu mạnh.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia không cảnh báo kịp thời hiện tượng thời tiết này?
Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai rất có uy tín sau những dự báo và phân tích chính xác đăng trên trang cá nhân, cho biết việc cảnh báo mưa giông là tương đối, khó dự báo xa và khó dự báo cấp gió.
Trong cả 2 mô hình dự báo rất mạnh gồm GFS của Mỹ và ECMWF của châu Âu, theo TS Huy, đều không dự báo có giông lốc trên vịnh Hạ Long vào khung giờ từ 12 giờ đến 14 giờ ngày 19.7. Mô hình GFS dự báo cấp gió 17 hải lý/giờ vào thời điểm 12 giờ - 15 giờ, cấp gió 27 hải lý/giờ vào khung giờ 18 giờ. Trong khi đó, mô hình ECMWF dự báo cấp gió 11 hải lý/giờ.
"Tất cả các dự báo này cho thấy các mô hình dự báo không hề phát hiện thấy giông lốc", ông Huy khẳng định. Cho rằng nếu theo dõi sớm và liên tục cũng có thể dự đoán được xu hướng phát triển của cơn giông, nhưng TS Huy phân tích, khu vực thuyền bị nạn có tốc độ phát triển giông rất nhanh và rất khó phát cảnh báo sớm nếu không có mặt tại đó quan sát. Việc theo dõi qua ảnh radar quét mây cũng giống như ảnh vệ tinh, là ảnh thời gian thực, nên khi phát hiện cũng đồng nghĩa là cơn giông đã xuất hiện.
"Cơn giông chiều 19.7 là một siêu mây giông hiếm gặp, quét mạnh từ Bắc vào Nam do không khí lạnh đới cao có hướng Bắc - Nam gặp phải không khí nóng ẩm từ biển vào kết hợp mây đối lưu tại chỗ. Đó là một tình huống hiếm gặp trong khí tượng. Tình huống chìm tàu cũng là một tình huống hy hữu và có thể có lốc xoáy tại chỗ khi mây giông xảy ra. Gặp lốc xoáy thì dù thuyền hiện đại và thuyền trưởng có kinh nghiệm cũng không xử lý được", TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định.
Anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng của Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, một tổ chức tình nguyện chuyên hỗ trợ sơ cứu cho người gặp tai nạn trên các tuyến đường cho hay, kỹ năng thoát nạn hiện nay là thứ chúng ta còn thiếu kiến thức và chưa được coi trọng đúng tầm.
Theo anh Việt, người dân đi biển cần trang bị các kỹ năng thiết yếu như bơi lội và sinh tồn dưới nước (bơi thành thạo, thả nổi, giữ ấm), sơ cứu và cấp cứu cơ bản (xử lý vết thương, hô hấp nhân tạo cho người đuối nước) và sử dụng thiết bị an toàn (áo phao, phao cứu sinh, pháo hiệu, bộ đàm, la bàn).
Đồng thời, họ cũng cần nắm vững kỹ năng sinh tồn trên biển (tạo tín hiệu, thu thập nước, tìm thức ăn, xây nơi trú ẩn) và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó sự cố (kiểm tra tàu thuyền, nắm quy tắc an toàn hàng hải, lập kế hoạch chuyến đi, ứng phó cháy nổ). Việc trang bị những kỹ năng này giúp họ tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ người khác khi gặp tình huống khẩn cấp trên biển.
Để duy trì thân nhiệt và tránh sốc lạnh khi rơi xuống biển, điều cốt yếu là hạn chế cử động tối đa bằng cách áp dụng tư thế HELP (co gối lên ngực, ôm chặt) nếu đơn độc hoặc tư thế Huddle (ôm sát vào nhau) nếu có nhiều người. Hãy luôn giữ phần đầu và cổ trên mặt nước, mặc càng nhiều quần áo càng tốt (kể cả khi ướt) vì chúng tạo ra lớp cách nhiệt.
Tuyệt đối tránh uống nước biển và cố gắng giữ bình tĩnh, kiểm soát hơi thở để không tiêu hao năng lượng. Hạn chế tối đa vùng da tiếp xúc với nước và tận dụng mọi thiết bị nổi có sẵn để tiết kiệm sức lực. Nếu có thể, hãy tìm kiếm nơi trú ẩn hoặc bám vào vật thể lớn.
Anh Việt cho rằng, để thoát hiểm an toàn khi tàu thuyền bị chìm, điều cốt yếu là phải giữ bình tĩnh và mặc áo phao ngay lập tức. Nhanh chóng tìm lối thoát gần nhất, ưu tiên các thiết bị an toàn như phao cứu sinh hay bè cứu sinh, và tuyệt đối không quay lại lấy đồ đạc cá nhân.
Khi rời tàu, hãy nhảy xuống nước an toàn (chân xuống trước, cách xa tàu để tránh bị hút vào) và nhanh chóng bơi ra xa tàu khoảng 100 - 200 mét. Sau đó, hãy cố gắng tập hợp với những người sống sót khác và áp dụng các tư thế sinh tồn (HELP hoặc Huddle) để giữ ấm, đồng thời phát tín hiệu cầu cứu. Luôn nhớ không uống nước biển và không bơi vô định để bảo toàn năng lượng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công cho biết, tỉnh sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Đối với trẻ em mồ côi sau vụ tai nạn, tỉnh Quảng Ninh sẽ có chính sách đỡ đầu lâu dài nhằm đảm bảo điều kiện học tập, phát triển và trưởng thành.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành rà soát toàn diện quy trình dự báo giông lốc, cảnh báo nguy cơ đối với du lịch đường thủy; xây dựng hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng cũng như các đơn vị đăng kiểm và cấp phép hoạt động.
Bi kịch trên vịnh Hạ Long là một cú sốc lớn đối với du lịch Việt Nam. Nhưng hơn hết, đó là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về tính mạng con người và sự an toàn trong du lịch đường thủy, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng khó lường.