Tín hữu Công giáo kêu gọi phong Thánh cho cố Giáo hoàng Francis

Tín hữu Công giáo trên khắp thế giới đang đồng lòng kêu gọi phong Thánh cho cố Giáo hoàng Francis - 'người cha' nhân lành của những phận đời bé mọn.
Tại Thánh lễ an táng cố Giáo hoàng Francis vào cuối tuần qua, những tiếng hô vang "Santo Subito" ("Hãy phong Thánh ngay lập tức") đã vang lên khắp quảng trường Thánh Peter, gợi nhớ lại hình ảnh cảm động tương tự trong tang lễ của cố Giáo hoàng John Paul II năm 2005.
Đối với rất nhiều người, Giáo hoàng Francis đã từ lâu được coi như một vị Thánh bởi thuở sinh thời, Ngài nổi tiếng với đời sống khiêm nhường, giản dị và lòng yêu thương vô bờ đối với mọi người, đặc biệt là người nghèo, người bị bỏ rơi, tù nhân và người đồng tính.
Tuy nhiên theo quy định của Giáo hội, tiến trình phong Thánh cho cố Giáo hoàng người Argentina sẽ mất rất nhiều năm, ngoại trừ trường hợp Giáo hoàng đương nhiệm cho phép rút ngắn.
Vào tháng 4-2005, cố Giáo hoàng Benedict XVI đã chấp thuận miễn chuẩn quy định chờ 5 năm sau khi qua đời mới có thể mở án phong chân phước và tuyên Thánh cho cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhưng tiến trình phong Thánh cho Ngài cũng kéo dài đến chín năm.
Một hành trình dài đến ngày phong Thánh
Thông thường, ít nhất năm năm sau khi một người qua đời, giáo phận nơi người đó từ trần sẽ gửi hồ sơ tường trình về đời sống và nhân đức của họ lên Vatican để xin phép mở “án phong Thánh” (The Cause for Canonization).
Nếu hồ sơ được chấp thuận, Bộ Phong Thánh (Dicastery for the Causes of Saints) của Vatican sẽ ban hành sắc lệnh "Nihil Obstat”, nghĩa là không có gì ngăn trở, và cho phép giáo phận địa phương chính thức mở án phong Thánh.
Ở giai đoạn đầu, người quá cố được phong danh hiệu "Tôi Tớ Chúa" (Servant of God).
Tiếp đó, giáo phận sẽ tiến hành điều tra sâu rộng về đời sống, các nhân đức và sự hy sinh của họ cho cộng đồng, cũng như đức tin trước khi gửi kết quả về Vatican.
Nếu các bằng chứng được xác thực, Vatican sẽ tuyên phong họ là "Đấng Đáng Kính" (Venerable). Để tiến tới bước kế tiếp, một phép lạ phải được xác nhận. Phép lạ này có thể là một sự chữa lành kỳ diệu, không thể giải thích bằng y học hoặc khoa học.
Sau khi phép lạ được công nhận, Giáo hoàng đương nhiệm sẽ tuyên phong ứng viên thành Chân Phước (Blessed). Để được phong Thánh, Chân Phước cần có thêm một phép lạ thứ hai được Giáo hội chính thức công nhận.
Dù tiến trình phong Thánh cần thời gian dài và nhiều bước xét duyệt chặt chẽ nhưng trong trái tim của hàng triệu người, cố Giáo hoàng Francis đã là một vị Thánh - vị Thánh của lòng nhân ái, của sự đơn sơ, giản dị và của những mảnh đời bé nhỏ giữa thế giới rộng lớn.
Các vị Giáo hoàng được phong Thánh trong lịch sử
Trong giai đoạn sơ khai của Giáo hội Công giáo, bắt đầu từ Thánh Peter - vị Giáo hoàng đầu tiên, hầu hết các Giáo hoàng đều được phong Thánh sau khi qua đời. Trong 50 vị Giáo hoàng đầu tiên, có đến 48 vị được tôn phong, phần lớn vì đã tử đạo, hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin Công giáo.
Tuy nhiên, từ thời Trung cổ trở đi, việc phong Thánh cho các Giáo hoàng trở nên hiếm hoi hơn do những biến động chính trị và các tranh cãi nội bộ trong Giáo hội.
Cho đến nay, trong tổng số 266 Giáo hoàng, chỉ có 83 vị được tuyên Thánh.
Những Giáo hoàng gần đây được phong Thánh là cố giáo hoàng John XXIII và cố giáo hoàng John Paul II, đều được phong Thánh vào năm 2014.