Tìm thuốc trị bệnh vốn ảo, vốn 'nổ'

Căn bệnh vốn ảo, vốn "nổ" có từ khi Nhà nước tạo thông thoáng thủ tục cho người lập doanh nghiệp hoặc công ty khi tăng vốn điều lệ.
Trước thực trạng doanh nghiệp kê khai vốn ảo, vốn "nổ" lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng, Bộ Tài chính kiến nghị tăng hậu kiểm của cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương, xử phạt nặng vi phạm để ngăn chặn từ xa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Việc này vẫn đảm bảo tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp khi tham gia thị trường nhưng cũng giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Căn bệnh vốn ảo, vốn "nổ" có từ khi Nhà nước tạo thông thoáng thủ tục cho người lập doanh nghiệp hoặc công ty khi tăng vốn điều lệ.
Theo đó chỉ cần đăng ký, còn việc có góp vốn thật, tài sản thật vào công ty dành cho... hậu kiểm. Nhưng việc hậu kiểm này chưa đảm bảo rằng đó là những đồng vốn thật.
Mở công ty với vốn "nổ" trăm ngàn tỉ
Tháng 1-2020, giới đầu tư kinh doanh phía Bắc "giật mình" khi Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC đăng ký thành lập mới với số vốn lên đến 144.000 tỉ đồng.
Chỉ vài ngày sau, tất cả "té ngửa" khi báo chí ghi nhận trụ sở công ty là nhà dân nằm sâu trong con ngõ nhỏ thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Ba cổ đông góp vốn vào công ty này cũng thừa nhận không đủ khả năng góp đủ số vốn khủng đã đăng ký.
Phòng đăng ký kinh doanh TP Hà Nội phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp này chỉ tồn tại trên thị trường chưa đầy một tháng.
Tháng 1-2022, một cá nhân khác đã đăng ký hai doanh nghiệp vốn ảo, vốn "nổ" tại TP.HCM với quy mô vốn điều lệ lên tới 525.000 tỉ đồng.
Đó là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư công nghệ tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng và Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động toàn cầu (GAB Group) có vốn 25.000 tỉ đồng.
Sự thật thì chủ hai doanh nghiệp "trăm ngàn tỉ" này dù sống trong căn nhà cấp 4 nhưng vẫn "nổ" với báo chí rằng "tiền này với tụi tôi chả là gì". Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp vốn ảo bị phát hiện.
Nói về tình trạng này, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã khuyến nghị cơ quan đăng ký kinh doanh nên tăng cường hậu kiểm với hoạt động đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt đối với những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đăng ký thành lập doanh nghiệp vốn "khủng", cao bất thường, tránh việc lợi dụng vốn ảo để trục lợi.
Vốn "nổ" làm méo mó môi trường kinh doanh
Bà Lê Hải Liễu, chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành, cho hay cũng có giai đoạn bà từng ngưỡng mộ những doanh nghiệp công bố có vốn điều lệ hàng ngàn tỉ đồng nhưng sau này khi hiểu rõ hơn bản chất sự việc, bà thấy mọi thứ không rõ ràng, trắng đen lẫn lộn.
"Việc nhiều doanh nghiệp kê khai vốn điều lệ cao hơn thực tế có thể xuất phát từ nhiều lý do như muốn tạo hình ảnh, gây ấn tượng với đối tác hoặc để dễ huy động vốn. Tuy nhiên cách làm này đang tạo ra sự méo mó môi trường kinh doanh" - bà Liễu nói.
Bà Liễu nói thêm môi trường kinh doanh hiện nay vẫn chưa được quản lý đủ chặt và cũng chưa có công cụ nào đánh giá được tác động thực sự của tình trạng kê khai vốn ảo đối với thị trường chung.
Còn theo ông Nguyễn Phước Hưng - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, không cần thiết bắt buộc doanh nghiệp phải chứng minh nguồn vốn khi đăng ký thành lập trừ một số ngành nghề.
"Có khai vốn điều lệ 100 tỉ mà không có uy tín, không có thực lực, không hoạt động gì trong ngành thì cũng chẳng ai tìm đến hợp tác" - ông Hưng nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - nguyên trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng đăng ký thành lập doanh nghiệp với vốn điều lệ bao nhiêu là quyền của người kinh doanh. Nhưng kiểm tra ảo hay thật không khéo lại gây phiền toái.
Ông Huỳnh phân tích giả sử luật bổ sung quy định phải thẩm định vốn đăng ký khi lập doanh nghiệp, khi đó người ta sẽ đối phó bằng cách vay vốn ngân hàng, mượn bạn bè, người thân nhằm qua mặt cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp chứng nhận kinh doanh.
Mỗi ngày cả nước có hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nên sẽ không có cơ quan nào kiểm tra hết được.
Tuy nhiên khi quy định thủ tục thông thoáng thì chủ doanh nghiệp cũng có nghĩa vụ, trách nhiệm trong kê khai trung thực việc tăng, giảm vốn điều lệ để không ảnh hưởng đến người khác.
Tăng hậu kiểm, chế tài nặng khi khai vốn ảo
Để ngăn chặn vốn ảo, vốn "nổ" khi lập doanh nghiệp, ông Huỳnh đề nghị phạt thật nặng người vi phạm.
Quyền tự đăng ký vốn phải đi kèm với trách nhiệm khi làm ảnh hưởng tới người khác, lừa dối cơ quan quản lý nhà nước. Giống như nghị định 168 về giao thông, quyền được bảo vệ là đi đúng đường, nếu đi trái đường gây nguy hiểm cho người khác phải phạt thật nặng để răn đe.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Minh Thảo - Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Ban Chính sách và chiến lược trung ương) - nhấn mạnh giải pháp là tăng hậu kiểm để kiểm soát bệnh tăng vốn ảo.
Luật hiện hành quy định trong 90 ngày cá nhân đăng ký kinh doanh phải góp đủ vốn đã đăng ký, nếu không buộc phải điều chỉnh về mức vốn hiện có. Nếu chủ doanh nghiệp không góp đủ vốn thì cơ quan quản lý phải yêu cầu họ điều chỉnh cho phù hợp.
"Điều đáng tiếc hiện nay là cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa phương không thực hiện hậu kiểm sau đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tình trạng này có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, thậm chí cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương không có đủ nhân lực để thực hiện hậu kiểm.
Hơn nữa, quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh cũng chưa xây dựng được các tiêu chí để đánh giá rủi ro không tuân thủ, người đi đăng ký doanh nghiệp kê khai vốn ảo.
Vì vậy cần sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong kê khai vốn doanh nghiệp khi thành lập để lựa chọn các trường hợp có dấu hiệu vi phạm kê khai vốn ảo để kiểm tra, xử lý", bà Thảo khuyến nghị.
Thu thập thông tin về chủ doanh nghiệp để chống rửa tiền
Để thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sẽ quy định việc thu thập, cập nhật thông tin về chủ doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều 8 Luật Doanh nghiệp theo hướng quy định việc thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và trách nhiệm trong kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi.
Chủ doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và các báo cáo, trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm đăng ký thành lập.
Trường hợp doanh nghiệp không có chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm thành lập thì doanh nghiệp phải thông báo kịp thời thông tin trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm phát sinh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
Đồng thời sửa đổi điều 11 theo hướng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong điều lệ công ty. Thông tin về tất cả các chủ sở hữu hưởng lợi phải được lưu trữ trong suốt quá trình hoạt động.
Trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, cá nhân là người đại diện theo pháp luật phải có trách nhiệm lưu trữ các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi ít nhất 5 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giải thể, phá sản chấm dứt hoạt động doanh nghiệp.
Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong việc thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc là chủ sở hữu hưởng lợi, có cổ phần, phần vốn góp theo quy định.
Cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
Quy định rõ việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thực thi pháp luật có quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được lưu giữ trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ công tác về phòng, chống tội phạm.