Tìm lại nhịp đập cảm xúc cho thành phố hiện đại

Những bức tường bê tông vẫn từng ngày chia nhỏ thành phố theo từng mét đất, trong khi chiều sâu tâm hồn con người lại nằm ngoài thước đo quy hoạch.
![]() |
Bữa tối được giao đến. Trên bàn, bên cạnh đồ ăn là màn hình điện thoại hiển thị trang mạng xã hội - nơi duy nhất Ngân (TP.HCM) cảm thấy kết nối sau ngày dài.
Dòng trạng thái của KTS Đồng Lâm Thanh Tùng khiến Ngân ngừng lướt màn hình: "Một thành phố văn minh thực sự phải đo bằng chất lượng cuộc chuyện trò, không bị màn hình điện thoại phân tâm, chứ không phải chiều cao những tòa nhà”.
Đọc xong dòng chữ, Ngân tắt ứng dụng và hướng mắt ra bên ngoài. Từ ô cửa kính tầng 20 nhìn xuống, xe cộ hối hả như dòng sông không ngừng chảy, đối lập hoàn toàn với sự yên tĩnh bên trong.
Tưởng chừng con người gần nhau hơn khi nhà kế bên nhà, nhưng khi đô thị càng nén chặt, chiều sâu cảm xúc càng vơi đi. Giữa những bộn bề, làm sao để mỗi người tìm được nơi chốn thuộc về và nuôi dưỡng kết nối ý nghĩa?
Vết nứt cảm xúc trong lòng thành phố
Là tiến trình tất yếu của xã hội hiện đại, đô thị hoá đan xen cả cơ hội lẫn thách thức. Không đơn thuần là sự gia tăng số lượng và quy mô thành phố, khái niệm đô thị còn trở thành cuộc chuyển dịch sâu sắc về lối sống, cấu trúc gia đình và mối quan hệ xã hội. Tiến trình này được thúc đẩy khi sáp nhập địa giới giữa các tỉnh thành, quận huyện. Bên cạnh việc tinh gọn bộ máy, văn hoá sinh hoạt cộng đồng dần “đồng bộ” với nhịp sống đô thị.
Một trong những đặc trưng của đô thị là mật độ dân số cao. Tại Việt Nam, mật độ dân số trung bình năm 2024 là 305 người/km2. Trên thực tế, đô thị lớn có mật độ cao hơn, từ 1.000 đến trên 3.500 người/km2, tùy phân loại. Theo thống kê, từ năm 2010, dân số đô thị Việt Nam tăng trưởng khoảng 3% mỗi năm, cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á. Đến năm 2024, tỷ lệ dân số đô thị đạt 38,2% - tương đương gần 38,6 triệu người. Sự tập trung dày đặc của đô thị là môi trường xã hội đặc thù, cho cảm giác vô danh phát triển.
Lý giải thêm về cảm giác này trong công trình "Đô thị lớn và đời sống tinh thần", nhà xã hội học Georg Simmel chỉ ra tương tác xã hội ở đô thị chỉ mang tính chức năng, lý trí và phi cá nhân, dẫn đến cá nhân ít được nhận diện hoặc ghi nhớ giữa đám đông. Nhà nhân học Marc Augé gọi những không gian như sân bay, siêu thị, cao tốc là "không gian phi địa điểm" (non-places), bởi sự thiếu vắng trầm trọng các mối liên hệ cá nhân, lịch sử hay bản sắc.
![]() |
Vết nứt tưởng vô hình nhưng khiến “cơn mưa cảm xúc” âm ỉ thấm qua bức tường đô thị. Ảnh: Trật tự lạnh lẽo, KTS Đồng Lâm Thanh Tùng. |
Chia sẻ về vấn đề này, KTS Đồng Lâm Thanh Tùng đưa ra góc nhìn sâu sắc. Anh cảnh báo đô thị thiếu khoảng lặng cần thiết có nguy cơ biến thành "cỗ máy khổng lồ" - nơi những con đường chỉ để đi, không để dừng lại, không gian chỉ còn là điểm đến mà không phải nơi chốn.
“Cỗ máy’ ấy sẽ trở nên vô hồn, do đó không có tình cảm”, KTS Thanh Tùng nhấn mạnh.
Theo anh, hệ lụy lớn nhất của lối quy hoạch vô cảm này không phải là thiếu không gian, mà là thiếu đất để gieo hạt “kết nối”. Đó là nghịch lý đô thị hiện đại: Chúng ta có thể xây nhiều nhà hơn, đường rộng hơn, nhưng thiếu đi không gian thực sự nuôi dưỡng tâm hồn.
![]() |
Kiến trúc sư, Nhiếp ảnh gia Đồng Lâm Thanh Tùng - Thạc sĩ Human Settlements tại KU Leuven (Bỉ), đồng sáng lập Cam Cam - dự án về di sản Chợ Lớn. Anh tổ chức nhiều triển lãm ảnh cá nhân và tham gia chương trình truyền hình chuyên đề kiến trúc. |
Tìm lại "DNA" cho đô thị
Nhìn vào các đô thị lớn, hầu hết chỉ số như cơ sở hạ tầng, tiện ích có thể đo lường và thấy rõ. Tuy nhiên, chỉ số hạnh phúc và sức khỏe tinh thần con người, mức gắn kết cộng đồng, cảm giác thân thuộc, cảm xúc tích cực với nơi sống… gần như vắng bóng.
![]() |
KTS Đồng Lâm Thanh Tùng cho rằng “xa nhau giữa đám đông” là hệ quả của nhịp sống nhanh khiến ta không dám chậm lại để dành thời gian cho sự quan sát, quan tâm và nhạt nhòa dần quan hệ. |
Chia sẻ về tầm quan trọng của cảm xúc con người trong phát triển đô thị, KTS Thanh Tùng cho biết đô thị sôi động nhất không phải ở tiếng còi xe, mà ở nhịp đập rộn ràng của những trái tim biết rung cảm trước nhau.
"Để những trái tim ấy có không gian và môi trường thực sự rung cảm, việc kiến tạo đô thị cần bắt rễ sâu sắc từ bản sắc và nhu cầu của cộng đồng”, anh nói.
Trong đó, bản sắc đô thị là "DNA" độc đáo kết tinh từ lịch sử, văn hóa, kiến trúc và lối sống, giúp kết nối con người với nơi chốn và tạo nên sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh cho thành phố. Để gìn giữ và tạo lập bản sắc bền vững, điều cốt lõi là lắng nghe tiếng nói cộng đồng; tôn trọng, phát huy giá trị bản địa thay vì chạy theo giải pháp hàng loạt.
Sưởi ấm đô thị bằng cảm giác thuộc về
Để hiện thực hóa triết lý đó, việc ưu tiên phát triển không gian cộng đồng chất lượng cao là yếu tố then chốt. Thay vì tận dụng mọi khoảng trống cho công trình bê tông, đô thị cần dành quỹ đất cho công viên cây xanh, quảng trường công cộng - nơi mọi người có thể gặp gỡ giao lưu, với sân chơi an toàn và sáng tạo cho trẻ em, đặc biệt là mở rộng mạng lưới đường đi bộ, làn đường xe đạp thân thiện. Những không gian này là lá phổi xanh và "trái tim xã hội" - nơi nuôi dưỡng sự tương tác và sức sống cộng đồng.
![]() |
Thay vì tận dụng mọi khoảng trống cho công trình bê tông, khu dân cư cần dành quỹ đất cho công viên cây xanh, quảng trường công cộng - nơi mọi người có thể gặp gỡ giao lưu. |
Song song đó, chúng ta cần hướng đến thiết kế các khu dân cư toàn diện và bền vững. Không chỉ là khối nhà ở đơn lẻ, các khu dân cư mới cần được quy hoạch như "làng đô thị" thu nhỏ, tích hợp đầy đủ tiện ích thiết yếu như trường học, chợ, cơ sở y tế, không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao… trong phạm vi đi bộ hoặc dễ tiếp cận. Thiết kế này không chỉ nâng cao chất lượng sống mà còn tạo ra cơ hội để cư dân tình cờ gặp gỡ, làm quen và xây dựng tình làng nghĩa xóm trong bối cảnh hiện đại.
Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh tính hiệu quả của cách tiếp cận này. Copenhagen (Đan Mạch) từ lâu đã là hình mẫu về đô thị thân thiện với người đi bộ và xe đạp. Vienna (Áo) liên tục dẫn đầu thế giới về chất lượng sống nhờ chiến lược phát triển nhà ở xã hội gắn liền không gian công cộng đa dạng, chất lượng. Tại châu Á, Singapore - dù đối mặt áp lực đất đai khổng lồ, vẫn không ngừng nỗ lực tích hợp mảng xanh, mặt nước và tiện ích cộng đồng vào mọi dự án phát triển, tạo nên môi trường sống đáng mơ ước.
KTS Thanh Tùng cùng nhiều chuyên gia kỳ vọng đô thị Việt Nam phát triển theo hướng tương tự: Thành phố hiện đại, thông minh kết hợp đầy đủ yếu tố hạ tầng, cảnh quan và tạo được cảm giác gắn bó cho cư dân.