Tìm chiến lược giữ vững thị trường Mỹ

Ngoài mở rộng thị trường trong 17 FTA mà Việt Nam tham gia, cần tìm giải pháp giữ kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ bởi việc tìm kiếm thị trường mới luôn khó hơn duy trì thị trường có sẵn.
Khuyến nghị được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 18-4.
Tìm cơ hội trong rủi ro
Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế - nhận định thuế đối ứng của Mỹ không chỉ có rủi ro mà còn có cơ hội. "Việt Nam có FTA với 17 nước nhưng không có với Mỹ, chỉ có BTA, BTA+ với Mỹ.
Hợp tác hai bên vẫn dừng ở mức song phương thông thường. Vì vậy, cần đẩy nhanh đàm phán để ứng xử với hàng hóa Mỹ như một nước có FTA với Việt Nam từ hàng rào thuế đến phi thuế quan.
Trong quá trình đàm phán cần kết hợp được giá trị nhập khẩu dịch vụ với nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Ngoài ra cần tăng mạnh tỉ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ. Tích cực phát triển công nghiệp phụ trợ để đưa Việt Nam khỏi phận gia công, trước khi vươn lên ngưỡng phát triển cao hơn", bà Lan khuyến nghị.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý việc chuyển thị trường mới bao giờ cũng khó hơn giữ thị trường cũ, chi phí mở thị trường mới gấp 3 lần giữ thị trường Mỹ.
Vì thế, cần có giải pháp để giữ thị trường Mỹ, kết hợp với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường nhập khẩu hàng hóa cũng cần đa dạng hơn hiện nay.
Và để đáp ứng yêu cầu khắt khe về xuất xứ hàng hóa, bà Lan khuyến nghị doanh nghiệp nên đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, cần khéo léo vì cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Bàn giải pháp ứng phó với thuế đối ứng từ Mỹ, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng cần sớm đáp ứng các băn khoăn, vướng mắc mà phía Mỹ nêu ra với hàng hóa Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ đã nêu ra 24 rào cản, vướng mắc, trong đó có 14 lĩnh vực. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt gỡ vướng, điều này tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới
Ông Phạm Tấn Công, chủ tịch VCCI, cho biết VCCI đã có văn bản kiến nghị giải pháp ứng phó với thuế đối ứng từ Mỹ gửi Chính phủ. Đồng thời, VCCI đã gửi thư cho bộ trưởng thương mại Mỹ, Phòng Thương mại Mỹ, lãnh đạo các bang có tiếng nói từ Mỹ để nêu quan điểm của Việt Nam về thuế đối ứng.
Hiện Việt Nam có 17 FTA nhưng các doanh nghiệp chưa chủ động khai thác hết thị trường, vì thế VCCI kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các thị trường mới mà Việt Nam đã ký kết FTA để tận dụng tối đa các lợi thế xuất khẩu.
Các thị trường ngoài Mỹ sẽ là lối thoát cho doanh nghiệp xuất khẩu trong trường hợp Mỹ áp mức thuế đối ứng cao.
Trong bối cảnh hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng bị ảnh hưởng là rất quan trọng.
Theo TS Lực, cần tập trung kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, cần rõ ràng tỉ lệ nội địa hóa.
Đồng thời cần tận dụng tốt các FTA đang có, hiện chúng ta mới tận dụng được 31% ưu đãi trong các FTA, 69% chưa khai thác được, dư địa còn rất nhiều.