Nhảy đến nội dung

Tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ không còn đứng bên lề kinh tế số

Tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ từng bị coi đứng "bên lề" nền kinh tế số nhưng tình hình đang dần thay đổi nhờ làn sóng ứng dụng số, nhất là khi đối mặt với áp lực minh bạch thuế.

Từ ngày 1-6-2025, nghị định 70 yêu cầu các hộ có doanh thu mỗi năm trên 1 tỉ đồng phải xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền sau mỗi giao dịch. Những yêu cầu này buộc tiểu thương phải minh bạch hơn, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ để quản lý hiệu quả và tiếp cận vốn vay chính thống.

Điện thoại thông minh giúp bớt chạy loanh quanh

Trước đây, tiểu thương thường quản lý bằng cách truyền thống: chạy quanh cửa hàng tìm sản phẩm còn hay hết, ghi chép sổ sách để tính lời lỗ cuối ngày. Thói quen này tiềm ẩn nhiều rủi ro như thất lạc sổ sách, ghi chép sai lệch và khó kiểm soát hàng hóa, dễ nhầm lẫn.

Nhưng công nghệ đang thay đổi điều đó và chiếc điện thoại thông minh giờ đây không chỉ để nghe gọi, mà còn là công cụ quản lý cả một sạp hàng.

Anh Nguyễn Toàn, chủ cửa hàng tạp hóa Hòa Tâm ven quốc lộ 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam, là một ví dụ điển hình.

Cách đây hai năm, anh chuyển sang dùng phần mềm quản lý bán hàng trên điện thoại, thay vì chỉ dựa vào "tay ghi, đầu nhớ". Ứng dụng này giúp anh nhập - xuất hàng hóa dễ dàng, tránh thiếu hàng hay tồn kho quá nhiều.

"Tôi biết ngay mặt hàng nào bán chạy để nhập thêm, mặt hàng nào ế để khuyến mãi kịp thời. Mọi thứ rõ ràng", anh Toàn chia sẻ.

Còn tại thành phố lớn như TP.HCM, nơi mức độ chấp nhận công nghệ cao, chị Linh (30 tuổi), chủ quán ốc trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, đã áp dụng phần mềm quản lý bán hàng từ hơn sáu tháng nay.

Trước đây, vào dịp Tết, quán thường phải thuê thêm nhân viên thời vụ để phục vụ lượng khách đông. Từ khi sử dụng phần mềm, việc ghi món tại bàn và gửi thông báo đến quầy bếp chỉ mất vài giây, giúp quán phục vụ lượng khách tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước mà không xảy ra nhầm món.

Theo chị Linh, riêng chi phí nhân viên đã giảm khoảng 1/3 nhờ ứng dụng phần mềm này.

Xu hướng số hóa mạnh mẽ của tiểu thương và các đơn vị kinh doanh đã làm sôi động thị trường cung cấp giải pháp quản lý bán hàng. Nhiều nhà cung cấp tham gia, mang đến các dịch vụ đa dạng và phương thức hỗ trợ linh hoạt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Trong lĩnh vực phần mềm quản lý bán hàng, KiotViet, Sapo và Sổ Bán Hàng nổi bật với các giải pháp phù hợp cho nhiều phân khúc khách hàng và ngành hàng.

Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, VNPT và Misa tận dụng hạ tầng công nghệ vượt trội, tích hợp các dịch vụ như hóa đơn điện tử, cung cấp giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp.

Nhờ đó, không chỉ ở các cửa hàng lớn, công nghệ còn len lỏi vào những góc chợ nhỏ nhất.

Phần mềm = lợi nhuận

Theo các công ty cung cấp phần mềm, việc sử dụng phần mềm giúp tiểu thương tiết kiệm đến 80% thời gian vận hành so với phương pháp thủ công. Các tính năng nổi bật bao gồm quản lý tồn kho, sổ kho, đơn nhập/xuất, in tem/mã vạch, giúp giải quyết hiệu quả các thách thức trong quản lý.

Theo CEO Sổ Bán Hàng, khách hàng của công ty thường tăng trưởng doanh thu online từ 15 - 30%, đồng thời 60 - 70% khách hàng có thể tính toán lãi lỗ chính xác hơn, thay vì ước lượng thủ công vào cuối ngày.

Đặc biệt, dữ liệu từ hoạt động như dòng tiền mỗi ngày, hóa đơn xuất nhập đang dần trở thành "chỉ số tín nhiệm" mới, thay cho tài sản thế chấp hay quan hệ cá nhân. Nhờ đó, các nền tảng quản lý bán hàng nắm rõ dòng vốn "chảy" trong từng hộ kinh doanh có thêm cơ hội kinh doanh mới, ở vai trò cầu nối giữa tiểu thương và tổ chức tài chính.

Đơn cử như KiotViet đã hỗ trợ khoảng 3.000 hộ kinh doanh tiếp cận các gói vay từ MB, VPBank, Vietcredit, với tổng vốn giải ngân được kỳ vọng "sớm đạt cột mốc hơn 2.000 tỉ đồng/năm".

Ông Đỗ Tuấn Anh, phó tổng giám đốc KiotViet, cho rằng khi rào cản tâm lý và chi phí được tháo gỡ, hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ sẽ là nhóm bứt phá nhanh nhất trong làn sóng số hóa.

Ông Bùi Hải Nam, CEO Sổ Bán Hàng, cũng cho rằng khi đã chứng minh được năng lực tài chính, tiểu thương có thể vay vốn chính thống để mở rộng quy mô, điều này đặc biệt quan trọng với các hộ kinh doanh nhỏ, thường phải xoay vòng vốn bằng vay nóng lãi suất cao.

Theo một số chuyên gia, dù còn gặp rào cản về chi phí và tâm lý ngại thay đổi, cần sự hỗ trợ từ phần mềm và cơ quan chức năng để đưa các ứng dụng số vào giao dịch hằng ngày. Quá trình này không chỉ giúp họ tiến gần hơn vào nền kinh tế chính thức, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, mà còn góp phần nâng cao sự minh bạch trong nền kinh tế.

Bà Lý Kim Chi, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chủ tịch Hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng để thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể.

Một trong những đề xuất là miễn hoặc giảm thuế trong hai năm đầu tiên sau khi chuyển đổi, đồng thời cần có hướng dẫn rõ ràng về thuế, kế toán và đảm bảo đơn giản hóa thủ tục đăng ký, giúp quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn.