Tiêu chí bí thư, chủ tịch xã phường mới sau sắp xếp ở Hà Nội

Thành ủy Hà Nội vừa có hướng dẫn về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.
Theo hướng dẫn, việc sắp xếp, bố trí cán bộ sẽ được Hà Nội thực hiện theo 6 nguyên tắc, trong đó cán bộ phải có phẩm chất, năng lực, uy tín, chuyên nghiệp; có tư duy quản trị hiện đại, tinh thần phục vụ cao và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...
Cụ thể:
Chức danh Bí thư phường, xã: Hà Nội hướng dẫn lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Các Thành ủy viên, các bí thư cấp huyện; các phó bí thư cấp huyện và tương đương; các ủy viên ban thường vụ cấp huyện; các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện.
Sau 4 nhóm cán bộ trên, sẽ xem xét đến các cán bộ ủy viên cấp huyện; trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện; bí thư cấp xã. Những cán bộ này phải có thành tích tiêu biểu, có năng lực nổi trội, có sản phẩm chất lượng, hiệu quả, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Phó bí thư phường, xã: là những ứng viên được lựa chọn theo hướng ưu tiên: phó bí thư cấp huyện và tương đương; ủy viên ban thường vụ, ủy viên cấp huyện; phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; trưởng, phó các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện; bí thư cấp xã (ưu tiên cán bộ trẻ, nữ).
Với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, UBND), nếu có dư cán bộ đủ điều kiện sẽ lập danh sách đề xuất để điều phối chung toàn thành phố. Trường hợp thiếu nguồn, có thể đề xuất cán bộ khác đáp ứng cơ bản tiêu chuẩn hoặc bổ sung từ nơi khác theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy.
Ngoài nguồn cán bộ từ quận, huyện, thị xã, Hà Nội sẽ luân chuyển, điều động cán bộ từ các sở, ban, ngành, cơ quan thành phố về cơ sở - ưu tiên những người đang giữ chức giám đốc, phó giám đốc, trưởng/phó ngành.
Tiêu chuẩn chủ tịch UBND xã, phường: Hà Nội áp dụng tiêu chuẩn của phó bí thư cấp ủy, trong đó nhấn mạnh thêm một số tiêu chuẩn như có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý hành chính Nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương và của thành phố.
Độ tuổi cán bộ tham gia cấp ủy, chính quyền
Cụ thể, đối với cán bộ lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội), lần đầu chỉ định, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên.
Những cán bộ được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 48 tháng trở lên.
Cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 36 tháng trở lên.
Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước ngày 1/7, đảm bảo tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp. Cán bộ chủ chốt cấp xã, phường được bố trí đúng vị trí, đúng quy định, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.