Nhảy đến nội dung
 

Tiết đọc sách đang được triển khai như thế nào?

Tiết đọc sách được triển khai rộng rãi trong trường học các cấp, nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, bố trí thời gian.

Học sinh các cấp được tham gia hoạt động đọc sách trong và ngoài trường. Ảnh: Phòng GD&ĐT Hoàn Kiếm.

"Cô ơi, chiều nay mình có đọc sách không ạ?"

"Con mong đến tiết đọc sách quá!".

Cứ chiều thứ tư hàng tuần, học sinh lớp 3, trường Tiểu học Đại Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lại háo hức chờ đến tiết đọc sách.

“Sau giờ học hoặc giờ ra chơi, nhiều em thường chạy đến góc thư viện lớp để ngắm nghía, chọn lựa cuốn sách sẽ đọc trong tiết. Thậm chí, có em đọc xong nhanh còn đổi sách khác để đọc tiếp”, cô Nguyễn Thị Hồng Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp, chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Phát triển văn hóa đọc cho học sinh

Cô Hồng Hà cho biết để phát triển văn hóa đọc cho học sinh, từ đầu năm, nhà trường đã lên kế hoạch và xây dựng chương trình học, trong đó, mỗi tuần sẽ có 1 tiết đọc sách thư viện vào buổi chiều.

Để tiết đọc sách trở nên hiệu quả và vui vẻ, cô giáo thường lên kế hoạch trước, tìm những quyển sách có cùng chủ đề trong mỗi tuần để học sinh lựa chọn đọc. Như vậy, các em sẽ tập trung vào chủ đề nhất định và giáo viên cũng dễ triển khai hơn.

“Tôi sẽ hỏi học sinh những câu hỏi đã chuẩn bị liên quan đến chủ đề ngày hôm đó. Các em sẽ trả lời và đoán chủ đề. Sau đó, học sinh sẽ chia thành các nhóm nhỏ, tự lựa chọn cuốn sách yêu thích để đọc và tìm hiểu”, cô Hà chia sẻ.

binh dan hoc vu so anh 1

Học sinh lớp cô Hồng Hà trong một tiết đọc sách ngoài trời. Ảnh: NVCC.

Theo cô giáo, có nhiều hình thức đọc đa dạng trong tiết đọc sách. Các em có thể đọc đơn, đọc đôi và giáo viên sẽ hỗ trợ các em trong quá trình đọc. Sau đó, tùy vào mỗi chủ đề, giáo viên sẽ lựa chọn hình thức chia sẻ, khuyến khích học sinh lắng nghe và đặt câu hỏi cho bạn.

Ngoài ra, cô giáo tổ chức thêm hoạt động sáng tạo như vẽ tranh, viết cảm nhận, sắm vai để thể hiện lại điều trẻ ấn tượng trong câu chuyện. Để học sinh hứng thú, cô Hà còn tạo “góc đọc sách di động”.

Thay vì chỉ đọc trên bàn học, cô dùng những chiếc thảm nhỏ, gối ôm mini hoặc thậm chí là những chiếc hộp các tông lớn được trang trí để học sinh có thể ngồi thoải mái. Các em được phép chọn góc đọc yêu thích trong lớp, miễn là không làm phiền bạn.

Một góc cuối lớp cũng được dành riêng để dán bìa sách đẹp, những câu trích dẫn hay hoặc tranh vẽ của học sinh về sách.

“Mỗi tuần, tôi sẽ thay đổi chủ đề hoặc trưng bày những tác phẩm mới, tạo sự tò mò cho các em”, cô giáo chia sẻ.

Trong khi đó, hoạt động đọc sách tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) được triển khai dưới nhiều hình thức linh hoạt và nhẹ nhàng, giúp học sinh từng bước hình thành thói quen đọc trong thời đại kỹ thuật số.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, thầy Phạm Thanh Yên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết hiện nay, việc khuyến khích học sinh đọc sách không gói gọn trong một tiết học chính khóa cố định mà trải dài ở nhiều hoạt động chuyên môn của các tổ bộ môn và câu lạc bộ.

“Trường có thư viện mở để học sinh tự do lên đọc sách trong giờ ra chơi. Bên cạnh đó, tổ Ngữ văn, tổ Ngoại ngữ thường xuyên tổ chức hoạt động đọc và thuyết trình sách, lồng ghép trong các tiết học hoặc thành dự án giữa các lớp”, thầy Yên thông tin.

Tiết đọc sách không còn là giờ "trả bài”

Tuy chưa phải là một hoạt động chính khóa có kiểm tra, đánh giá cụ thể, trường THPT Trần Đại Nghĩa luôn đặt mục tiêu rõ ràng khi triển khai, cụ thể là xây dựng văn hóa đọc bền vững trong học sinh.

Trong các buổi sinh hoạt, học sinh được khuyến khích thuyết trình nội dung sách, các tác phẩm đã đọc. Thậm chí, nhiều nhóm còn thuyết trình cả bằng tiếng Anh - điều mà theo thầy Yên là “sự đầu tư rất đáng ghi nhận”.

“Chúng tôi muốn các em xa dần điện thoại, game, dành thời gian đó để đọc sách, thậm chí là đọc sách cùng gia đình. Bởi sách là kho tàng tri thức, và chỉ khi biết đọc, thích đọc, các em mới có thể tập tư duy và mở rộng hiểu biết,” thầy nói.

Tương tự, tại trường Tiểu học Đại Yên, cô Hà kể ban đầu, nhiều em còn rụt rè, nhưng dần dần, các em tự tin hơn khi chia sẻ về cuốn sách mình đọc. Các em biết cách kể tóm tắt, bày tỏ cảm xúc, và thậm chí là tranh luận về nhân vật hay tình tiết.

“Mặc dù là hoạt động tự chọn, nhưng khi được ‘chìm đắm’ vào thế giới sách, nhiều em thể hiện sự tập trung đáng kinh ngạc, ít bị xao nhãng hơn so với các tiết học khác”, cô giáo nhận thấy qua những buổi chia sẻ, các em sử dụng từ ngữ phong phú hơn, đồng thời có thêm kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau từ những cuốn sách đã đọc.

Bên cạnh đó, hoạt động đọc đôi, đọc nhóm hay thảo luận giúp các em tương tác nhiều hơn, chia sẻ sở thích và học hỏi lẫn nhau.

binh dan hoc vu so anh 2

Dù lịch học dày đặc, học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vẫn dành thời gian cho các hoạt động đọc sách. Ảnh: TĐN Photography Club - Specture.

Vẫn còn khó khăn

Theo cô Hồng Hà, sự háo hức tự nhiên của trẻ có lẽ là thuận lợi lớn nhất của giáo viên trong quá trình triển khai tiết đọc sách.

Cô nhìn nhận trẻ em có một trí tưởng tượng phong phú và bản năng tò mò rất cao. Khi được tiếp xúc với thế giới sách đầy màu sắc, nhiều em bộc lộ niềm yêu thích rõ rệt. Việc được tự do lựa chọn sách, được đọc trong không gian thoải mái thay vì ngồi thẳng thớm nghe giảng đã tạo ra sự hứng thú đặc biệt cho các em.

Dù vậy, vẫn còn một số khó khăn như không phải tất cả học sinh đều ngay lập tức yêu thích tiết đọc sách. Một số em đọc còn chậm, khó khăn với từ vựng, dễ nản chí và chỉ nhìn tranh, không thực sự đọc nội dung.

Ngược lại, có những em đọc quá nhanh và dễ bị "chán" vì không tìm được sách đủ thách thức. Theo cô, thư viện trường có thể chưa đủ sách cho tất cả học sinh mượn đồng thời, hoặc số lượng đầu sách cho một lứa tuổi còn ít.

Nhiều cuốn sách trong thư viện đã cũ, hình ảnh không còn bắt mắt, hoặc nội dung chưa thực sự thu hút được học sinh hiện đại. Việc thiếu sách mới, cập nhật theo xu hướng cũng là một thách thức.

Bên cạnh đó, sách chủ yếu tập trung vào truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, thiếu các thể loại khác như sách khoa học thường thức, sách lịch sử, truyện tranh giáo dục, hoặc sách kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi tiểu học.

Cô Hà cũng nhìn nhận nhiều trường, lớp học chưa có một không gian đọc sách riêng biệt, ấm cúng và thoải mái. Việc đọc sách trên bàn học có thể khiến các em nhanh chán và không cảm thấy hứng thú.

“Việc xây dựng và duy trì một thư viện lớp (với giá sách, thảm, gối,...) đòi hỏi kinh phí và sự chung tay, mà không phải lớp nào cũng có thể thực hiện đầy đủ”, cô Hà nói.

Ngoài ra, việc triển khai tiết đọc sách có thể gặp khó khăn từ phía phụ huynh. Cụ thể, cô Hà từng gặp một số phụ huynh chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, ít khuyến khích con đọc ở nhà hoặc ít tham gia vào các hoạt động gây quỹ, đóng góp sách cho thư viện lớp.

“Có phụ huynh quá tập trung vào việc học các môn chính như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh mà xem nhẹ vai trò của việc đọc sách giải trí, phát triển tâm hồn”, cô giáo nói.

Cuối cùng, mặc dù có một tiết đọc sách riêng, nhưng đôi khi, các hoạt động khác của trường hoặc áp lực hoàn thành chương trình khiến thời gian dành cho việc đọc sách bị rút ngắn hoặc không được duy trì đều đặn như mong muốn.

Tương tự, dù đã triển khai hoạt động một thời gian, khó khăn lớn nhất đối với trường chuyên Trần Đại Nghĩa chính là lịch học dày đặc và thói quen đọc sách chưa hình thành ở nhiều học sinh. Thêm vào đó, nếu phụ huynh chưa làm gương, vẫn cắm cúi vào điện thoại, việc xây dựng thói quen đọc ở trẻ cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Tuy vậy, nhà trường vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực như các dự án sách được học sinh đầu tư nghiêm túc, mô hình trình bày sáng tạo, khả năng ngôn ngữ và tư duy phản biện được cải thiện rõ rệt.

“Những buổi thuyết trình đa ngôn ngữ cho thấy các em không chỉ đọc mà còn hiểu, và biến sách thành công cụ thể hiện bản thân”, thầy Yên cho hay.

Khi được hỏi liệu nhà trường có ý định đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa hay không, thầy Yên cho biết đây là một hướng đi cần thiết, nhưng vẫn phải chờ sự hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chuyên môn.

“Chúng tôi sẽ định hướng dần, nhưng phải phù hợp với chương trình học và đảm bảo không tạo thêm áp lực cho học sinh”, thầy nhấn mạnh.

Thực tế, Thông tư 16/2022 của Bộ GD&ĐT đã có quy định về thực hiện tiết đọc thư viện, do giáo viên hoặc nhân viên thư viện được tập huấn thực hiện. Cách tổ chức tiết đọc thư viện liên quan đến các môn học như Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Toán học, Ngoại ngữ. Ở đó có các hoạt động đọc chính và các hoạt động đọc mở rộng, có thể được tổ chức tại thư viện hoặc tại lớp học.

Có thể thấy, tiết đọc thư viện trong môn học không chỉ giúp học sinh làm phong phú thêm kiến thức bài học mà còn phát triển thêm kỹ năng tìm kiếm thông tin và phân tích tài liệu.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn