Tiếp tục tính việc bỏ lương cơ sở, trả lương công chức theo hướng cải cách

(Dân trí) - Sau tổng kết 1 năm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ có bước báo cáo các cấp có thẩm quyền để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 27 trong năm tới.
Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương 3 văn bản, đề án, trình Quốc hội thông qua 2 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV và ban hành 5 nghị quyết.
Đồng thời, Bộ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 4 nghị định; 11 nghị quyết; 7 quyết định. Bộ trưởng xem xét, ban hành 8 thông tư.
Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ 1/7/2024.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội bảo đảm đồng bộ, thống nhất các nội dung về tiền lương trong khu vực công và khu vực tư.
Thông tin tại họp báo của Bộ Nội vụ, Phó cục trưởng Cục Tiền lương và bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết 142 về một số nội dung cải cách tiền lương từ 1/7/2024, mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công đã được điều chỉnh.
Theo ông Nam, cũng tại nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện việc cải cách tiền lương từ 1/7/2024 tại kỳ họp thứ 9 tới đây.
"Theo kế hoạch, trong năm 2026, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục báo cáo ban chỉ đạo và các cấp có thẩm quyền là bước tiếp theo để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 27 như bỏ mức lương cơ sở, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm...", ông Nam thông tin.
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, lương cơ sở đã được điều chỉnh lên mức 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP.
Như vậy, so với năm 2018 (trước khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương) thì mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng thêm 68,3%) cao hơn 43,5% so với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, từ 1/7 năm ngoái, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.
Đối tượng nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995, sau khi điều chỉnh theo mức điều chỉnh chung nêu trên, những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/tháng; Những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng thời điểm điều chỉnh lương đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cũng lên mức 2,789 triệu đồng, tăng 35,7%.
Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung có mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/1 người/1 lần. Trong đó điều chỉnh cơ cấu nội dung chi bao gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; tham quan...
Mức chuẩn trợ giúp xã hội là 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9%.