Nhảy đến nội dung

Tiền điện tăng 4,8% từ ngày mai 10.5

Từ ngày mai 10.5, mỗi kWh điện tăng 4,8%, lên hơn 2.204,7 đồng áp dụng theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 599/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 10.5.2025. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 1279 ngày 9.5.2025 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện. 

Giá điện được xét thay đổi 3 tháng một lần, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên, theo Nghị định 72 của Chính phủ. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Gần nhất giá điện được điều chỉnh vào 11.10.2024, duy trì từ đó cho đến nay. Như vậy, sau 8 tháng giá mới được thay đổi và đây là lần tăng đầu tiên trong năm nay.

Theo EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

EVN dự báo, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến khoảng 12,2%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 tăng thêm khoảng 33,6 tỉ kWh so với năm 2024.

Về cơ cấu nguồn điện năm 2025, thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo... Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.