Tiền ầm ầm đổ vào cổ phiếu ngân hàng phiên 24/7: Một mã chạm trần, tăng 30% từ đầu tháng 7

Ghi nhận lúc 10h, có tới 25/27 mã tăng giá, 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, HDB của HDBank tăng chạm trần đi cùng thanh khoản tăng vọt.
Ngày 24/7, dòng tiền không ngừng rót vào chứng khoán giúp thị trường nối dài đà tăng và tiệm cận mức đỉnh lịch sử.
Tính đến 10h, sau 60 phút giao dịch chính thức, VN-Index bật tăng gần 10 điểm lên 1.522 điểm và chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 10 điểm, tương đương 0,6%. Thanh khoản giữ ở mức cao với giá trị đạt 9.700 tỷ đồng.
Là trụ cột chính kéo điểm thị trường phiên hôm nay, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nối dài chuỗi phiên giao dịch thăng hoa với nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh. Ghi nhận lúc 10h, có tới 25/27 mã tăng giá, 2 mã đứng giá tham chiếu.
Trong đó, cổ phiếu HDB của HDBank cũng bật tăng trần lên 28.350 đồng đi cùng thanh khoản ở mức cao với 25 triệu đơn vị. Đà tăng của HDB được hỗ trợ bởi lực mua ròng mạnh của khối ngoại với hơn 18 triệu đơn vị - mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Với trợ lực từ khối ngoại, cổ phiếu HDB đã nối dài chuỗi tăng giá tích cực và đưa mức tăng giá kể đầu tháng 7 lên gần 30%.
Cổ phiếu HDB tăng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 2 sắp được công bố và HDBank được kỳ vọng là một trong những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất. Trong báo cáo công bố mới đây, HDBank được Chứng khoán VCBS dự báo triển vọng tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình ngành đến từ mảng cho vay nông nghiệp - nông thôn, sự phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS) và nhận chuyển giao Ngân hàng Đông Á.
VCBS kỳ vọng HDBank duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan với tốc độ tăng trưởng quý II/2025 và năm 2025 lần lượt là 25% và 24%. Chứng khoán MBS cũng kỳ vọng HDBank có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận 26% trong quý II và 28% cho cả năm 2025.
Cùng với HDB, cổ phiếu ABB của ABBank cũng bật tăng mạnh mẽ hơn 4%, sau khi tăng gần 9% trong phiên giao dịch hôm qua.
SHB cũng ghi nhận mức tăng giá mạnh hơn 3% trong phiên sáng với thanh khoản duy trì ở mức cao, hơn 40 triệu đơn vị với hoạt động mua ròng lớn của khối ngoại. Trong thời gian gần đây, SHB liên tục là mã có thanh khoản lớn nhất thị trường với 11 phiên ghi nhận khối lượng giao dịch khớp lệnh trên 100 triệu đơn vị từ đầu năm.
Trong một diễn biến liên quan, Hội đồng Quản trị (HĐQT) SHB mới đây đã thông qua việc triển khai Phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn chia cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo kế hoạch, SHB sẽ phát hành tối đa gần 528,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ phát hành 13% trên tổng số cổ phần đang lưu hành (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được thêm 13 cổ phiếu). Số cổ phiếu phát hành thêm này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Trước đó, SHB đã hoàn thành chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% vào ngày 20/6/2025. Với gần 4,066 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, SHB đã chi 2.033 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Ngoài những mã kể trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng giá tốt trong phiên sáng 24/7 như OCB (3,3%), VIB (2,8%), PGB (2,6%), MBB (2,4%), TPB (2%), ACB (1,5%)… Trong đó, nhiều mã đã tăng hơn chục % kể từ đầu tháng 7 như KLB, TPB, NVB, NAB,...
Cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng giá trong thời gian gần đây, sau khi đón nhận nhiều thông tin tích cực, đặc biệt là tín dụng tăng trưởng bứt phá trong quý II và việc Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6, tín dụng toàn hệ thống đạt 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2022 đến nay.
Tăng trưởng tín dụng tốt được nhận định là nhân tố chủ chốt thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng trong quý 2. Thực tế, nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trên 10% trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận tăng trưởng hai con số như VPBank, TPBank, NamABank, Kienlongbank, PGBank.
Đối với việc luật hoá Nghị quyết 42, Theo Chứng khoán KB, luật hóa giúp chấm dứt tình trạng "thí điểm" như NQ42 (2017–2023), tạo nền tảng pháp lý ổn định, lâu dài. Nâng cao giá trị pháp lý và tính ràng buộc khi được quy định thành luật, áp dụng thống nhất toàn hệ thống (thay vì chỉ áp dụng cho các khoản nợ trước năm 2017). Ngoài ra, việc luật hoá NQ42 được kỳ vọng cũng sẽ khắc phục những xung đột giữa các bộ luật với nhau, thay thế các quy định chồng chéo và tạm thời hiện nay.
Đồng thời, việc Luật hoá Nghị quyết 42 cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động của ngành ngân hàng. Theo đó, ngân hàng có thể tăng tốc độ xử lý nợ xấu khi quy trình xử lý rút ngắn lại, giảm chi phí kiện tụng và dự phòng rủi ro. Thứ hai, tăng khả năng thu hồi nợ do luật mới trao thêm quyền cho các ngân hàng về quyền thu giữ TSBĐ và ưu tiên thanh toán thay vì bị trì hoãn do vướng mắc với các nghĩa vụ khác của KH như trước đây. Thứ ba, chất lượng tài sản toàn hệ thống dự kiến cải thiện nhờ lành mạnh hoá bảng cân đối kế toán, giảm gánh nặng nợ xấu, giải phóng nợ tồn đọng để dòng chảy tín dụng hiệu quả hơn. Hiệu quả xử lý nợ xấu tăng lên đóng góp vào tăng trưởng thu nhập cho các ngân hàng.