Thường vụ Quốc hội quy định việc đặt tên tỉnh, xã, phường sau sáp nhập

Với xã, phường thành lập sau sáp nhập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 76 ngày 14.4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15.4, quy định về việc sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và sắp xếp xã, phường, thị trấn trong năm 2025.
Các nghị quyết sáp nhập tỉnh, xã có hiệu lực từ 1.7
Về tiêu chuẩn, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, tỉnh hình thành sau sắp xếp đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính tương ứng theo quy định.
Trường hợp sắp xếp tỉnh đã được định hướng thành thành phố trực thuộc T.Ư thì tỉnh hình thành sau sắp xếp cần cơ bản đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc T.Ư.
Đối với cấp xã, xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng tại quy định hiện hành.
Xã hình thành sau sắp xếp không thuộc điểm a và điểm d khoản này có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng tại quy định hiện hành.
Phường hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km2 trở lên. Đối với phường thuộc thành phố trực thuộc T.Ư có quy mô dân số đạt từ 45.000 người trở lên. Phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số đạt từ 15.000 người trở lên. Các phường còn lại có quy mô dân số đạt từ 21.000 người trở lên.
Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với đơn vị hành chính cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.
Hồ sơ đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30.6 để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ 1.7.
Số lượng cấp phó sau sáp nhập có thể nhiều hơn
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp, không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã.
Tại thời điểm sắp xếp, số lượng phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn số lượng so với quy định. Chậm nhất là 5 năm từ khi sắp xếp, số lượng và việc bố trí lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp phải thực hiện theo quy định.
Việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Về kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, Nghị quyết 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính do ngân sách địa phương bảo đảm.
Ngân sách T.Ư hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỉ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2025.