Thuốc giả, thực phẩm chức năng giả: Nỗi lo "vụn vỡ" niềm tin

(Dân trí) - Đại diện nhiều chuỗi nhà thuốc bày tỏ, những vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái đã gây ra không ít khó khăn và thách thức cho họ, đặc biệt là việc duy trì niềm tin của khách hàng.
Mới đây, hệ thống Nhà thuốc Pharmacity đã thu hồi toàn bộ các sản phẩm liên quan đến Công ty Herbitech (nằm trong vụ sản xuất thực phẩm chức năng giả cho trẻ em) và các công ty liên kết trên hệ thống nhà thuốc, sau khi có thông tin và khuyến cáo từ cơ quan chức năng.
Ngoài ra, Pharmacity đã chủ động triển khai tạm dừng kinh doanh và thu hồi các sản phẩm do Công ty Herbitech sản xuất, bao gồm PMC Hoạt Huyết, PMC Ginkgo Biloba, PMC Joint Care, PMC Liver Support (được Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn đăng ký, công bố và phân phối).
Mặc dù các kết quả báo cáo kiểm định độc lập ghi nhận chất lượng của cả 4 sản phẩm nêu trên đạt tiêu chuẩn theo hồ sơ công bố được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép, cũng như chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, việc tạm ngừng kinh doanh vẫn được Pharmacity chủ động thực hiện.
Đơn vị này cũng cho biết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc thu hồi và hoàn tiền 100% cho tất cả khách hàng đã mua các sản phẩm có liên quan đến Công ty Herbitech.
Khó khăn trong việc xác thực giấy tờ kiểm định chất lượng thuốc
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Pharmacity chia sẻ, những vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái đã gây ra không ít khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc duy trì niềm tin của khách hàng - vốn là nền tảng quan trọng của sự phát triển bền vững.
Đồng thời, những sự việc vừa qua cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và hình ảnh thương hiệu của nhà thuốc.
Với vai trò là đơn vị phân phối bán lẻ, Pharmacity sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong kiểm định toàn diện về chất lượng sản phẩm ngay từ ban đầu, so với các cơ sở sản xuất hoặc cơ quan chuyên môn.
"Quy trình đánh giá năng lực nhà cung cấp và lựa chọn sản phẩm vào Nhà thuốc Pharmacity rất nghiêm ngặt. Chúng tôi cũng đặt niềm tin vào việc nhà cung cấp, nhà sản xuất đáp ứng đầy đủ hồ sơ và giấy tờ hợp lệ đảm bảo hàng hóa đến tay khách hàng là chính hãng, an toàn và hợp pháp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các vụ việc hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, Pharmacity đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xác thực từng giấy kiểm định chất lượng và thông tin công bố theo giấy đăng ký tiếp nhận sản phẩm nhận được từ nhà cung cấp.
Chúng tôi mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Pharmacity đã đầu tư nguồn lực mạnh mẽ vào việc tăng cường kiểm nghiệm độc lập các sản phẩm trong hệ thống bởi các đơn vị kiểm định uy tín do nhà nước cấp phép, để xác thực chất lượng sản phẩm trước khi đến tay khách hàng", phía Pharmacity nói.
Đại diện chuỗi nhà thuốc trên khẳng định, ngoài kiểm soát nghiêm ngặt đầu vào, trong suốt quá trình phân phối, đơn vị luôn chủ động thực hiện các đợt kiểm tra định kỳ để kịp thời loại bỏ, ngừng kinh doanh các sản phẩm có dấu hiệu không đảm bảo. Đồng thời, đơn vị áp dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng là an toàn, chính hãng.
"Là đơn vị phân phối bán lẻ trong lĩnh vực rất nhiều rủi ro này, chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng tăng cường hậu kiểm sau cấp phép để người dân yên tâm chọn lựa các sản phẩm có đầy đủ giấy chứng nhận của các đơn vị quản lý.
Về phía doanh nghiệp, việc hậu kiểm tốt cũng giúp doanh nghiệp củng cố lòng tin khách hàng vào sản phẩm của chúng tôi", đại diện Nhà thuốc Pharmacity đề xuất.
Làm gì để người dân không mất lòng tin?
Đại diện chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu chia sẻ, chuỗi sự việc phát hiện các cơ sở sản xuất TPCN giả vừa qua gây khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống y tế và doanh nghiệp, khi người dân vì lo sợ mà e ngại tiếp cận các sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, kể cả những loại thiết yếu hoặc đã được chứng minh hiệu quả, an toàn.
Điều này dẫn đến xu hướng trì hoãn điều trị, tự ý ngừng sử dụng thuốc hoặc không tìm đến cơ sở y tế và nhà thuốc uy tín để được tư vấn. Việc chậm trễ trong phát hiện và điều trị bệnh khiến tình trạng sức khỏe của nhiều người có nguy cơ diễn tiến nghiêm trọng hơn.
Trước bối cảnh người dùng hoang mang, mất lòng tin vì các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng kém chất lượng bị phát hiện trên thị trường, FPT Long Châu đã chủ động minh bạch nguồn gốc sản phẩm thuốc qua hóa đơn, website và ứng dụng của nhà thuốc. Đơn vị này cũng tích hợp tính năng tra cứu giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của thực phẩm chức năng trên toàn hệ thống.
Đối với các sản phẩm thuốc, người dùng có thể theo dõi nơi sản xuất, số đăng ký thuốc trên trang web, ứng dụng "Nhà thuốc Long Châu" và được hướng dẫn cách tra cứu số đăng ký trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Cục Quản lý Dược (https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc).
Đối với thực phẩm chức năng, hệ thống hiển thị số đăng ký sản phẩm cùng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp - một yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 15.
Bên cạnh đó, các thông tin quan trọng như thành phần, công dụng, khuyến cáo sử dụng, nơi sản xuất và số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có) cũng được cung cấp minh bạch, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp", phía Long Châu lý giải.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng cho rằng, tình hình hiện tại đặt ra yêu cầu cấp thiết cho sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và truyền thông trong việc tăng cường kiểm soát chất lượng, xử lý thông tin sai lệch và chủ động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng.
Khi người dân được cung cấp thông tin đúng đắn và cảm thấy yên tâm, hệ thống y tế cũng như doanh nghiệp sẽ phát huy được vai trò trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân một cách hiệu quả, bền vững.
Tăng cường quản lý chặt chẽ
Bộ Y tế đang phối hợp với Công an Hà Nội xác minh, làm rõ các sản phẩm thực phẩm chức năng giả.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Công an Hà Nội, làm rõ các thực phẩm chức năng giả trong vụ việc Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) - Công an thành phố Hà Nội triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế giả.
Theo đó, các đối tượng khai, đã thành lập 17 công ty trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.
Liên quan đến thông tin đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả này, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an thành phố Hà Nội cung cấp thông tin các sản phẩm công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các công ty nói trên để phục vụ công tác điều tra nhằm xác minh, làm rõ các sản phẩm bị thu giữ.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không mua hoặc sử dụng các sản phẩm liên quan như hình ảnh sản phẩm thông tin báo chí đã đăng nhằm tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thiệt hại về kinh tế.
Cục An toàn thực phẩm sẽ cập nhật thông tin trên website các sản phẩm thực phẩm chức năng giả để người tiêu dùng biết và không sử dụng.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, để tăng cường quản lý chặt chẽ đối với thực phẩm chức năng, hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Mục tiêu của việc sửa đổi là tăng cường chất lượng và an toàn của sản phẩm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả.