Nhảy đến nội dung
 

Thuế thu nhập cá nhân: Cần công bằng và hợp lý hơn

Sau gần 20 năm áp dụng, thuế thu nhập cá nhân đã trở thành một sắc thuế quen thuộc với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, càng vận hành lâu, hệ thống thuế này càng bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều người không đóng thuế vì "giàu", mà chỉ vì… lạm phát.

Theo đó, người sống ở thành phố lớn với chi phí sinh hoạt đắt đỏ lại chịu mức giảm trừ như người ở nông thôn. Có người thu nhập chưa đủ sống đã phải nộp thuế, trong khi các chi phí thiết yếu như học phí, viện phí, hay chăm sóc người già lại không được khấu trừ. Những nghịch lý này cho thấy, đã đến lúc cần một cuộc cải cách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) toàn diện vượt ra ngoài chuyện "cò kè bớt một thêm hai" của mức giảm trừ gia cảnh.

Tăng mức giảm trừ thôi chưa đủ

Mỗi khi bàn đến sửa đổi thuế TNCN, đề xuất quen thuộc nhất vẫn là "tăng mức giảm trừ gia cảnh". Tăng thì đúng rồi nhưng chỉ như vậy thì vẫn chưa đủ. Bởi nếu chỉ tăng giảm trừ mà không điều chỉnh biểu thuế, tức các bậc thuế và ngưỡng thu nhập tương ứng thì sẽ thiếu toàn diện. Như lần điều chỉnh trước đây, mức giảm trừ gia cảnh đã tăng 20% từ 9 triệu lên 11 triệu, song lại "quên" điều chỉnh các ngưỡng thu nhập tương ứng trong các bậc thuế lũy tiến.

Trong bối cảnh lạm phát đều đặn 3 - 4% mỗi năm, thu nhập danh nghĩa tăng lên nhưng sức mua thực tế không đổi, thậm chí giảm nếu thu nhập tăng chậm hơn lạm phát. Việc giữ nguyên ngưỡng thuế khiến nhiều người vô tình bị đẩy vào bậc thuế cao hơn, nộp thuế nhiều hơn dù mức sống không thay đổi. Do đó, cùng với mức giảm trừ gia cảnh, cần xây dựng cơ chế điều chỉnh ngưỡng thuế định kỳ, tự động gắn với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc một chỉ số phản ánh sát hơn mức sống chứ không nên tiếp tục cơ chế bị động, chỉ điều chỉnh khi CPI tích lũy vượt 20%, vì như vậy người nộp thuế vẫn là bên chịu thiệt và không sòng phẳng.

Không thể đánh đồng mức sống giữa vùng núi và đô thị

Một điểm thiếu công bằng khác là mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được áp dụng đồng đều trên toàn quốc, bất chấp sự khác biệt lớn về chi phí sinh hoạt giữa các vùng miền. Mặc dù gọi là "giảm trừ gia cảnh" nhưng thực tế không phản ánh đúng gia cảnh. Trong khi chính sách tiền lương đã phân chia mức lương tối thiểu theo 4 vùng, thì thuế TNCN vẫn đang cào bằng.

Người ở TP.HCM hay Hà Nội, nơi giá nhà, học phí, thực phẩm đều cao thì cũng chỉ được giảm trừ y hệt như người ở vùng sâu, vùng xa. Điều này khiến thuế TNCN trở nên méo mó, thiếu tính thực tế. Do đó, cần thay đổi cách điều chỉnh mức giảm trừ theo vùng, dựa trên hệ số lương tối thiểu hoặc chi phí sinh hoạt thực tế.

Cần cho phép khấu trừ chi tiêu "hàng khuyến dụng" và gia cảnh đúng nghĩa

Một trong những lạc hậu nữa của thuế TNCN hiện hành là không cho phép khấu trừ các khoản tiêu dùng cho những mặt hàng "khuyến dụng" như học phí, bảo hiểm tự nguyện hay các khoản chi tiêu "gia cảnh" như phụ nữ mang thai, sinh con, chăm sóc người già đau ốm…

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã cho phép khấu trừ các khoản chi này, bởi chúng phản ánh đúng năng lực tài chính thực sự sau khi người dân trang trải những chi phí thiết yếu hoặc cần được khuyến khích (như giáo dục, bảo hiểm). Ví dụ: một người thu nhập 20 triệu đồng/tháng nhưng phải chi 8 triệu cho học phí mầm non và viện phí cho mẹ già thì phần còn lại để chi tiêu thực tế chỉ tương đương với người thu nhập 12 triệu. Nếu không khấu trừ các chi phí như vậy, hệ thống thuế vô tình "đánh thuế" vào cả khoản chi sinh tồn, điều này vừa không hợp lý, vừa thiếu nhân văn.

Chính phủ có thể quy định một mức trần, chẳng hạn tối đa 30% thu nhập chịu thuế để người dân khấu trừ những khoản chi thiết yếu, đồng thời đảm bảo quản lý được rủi ro thất thu ngân sách.

Hỗ trợ người có thu nhập dưới ngưỡng nộp thuế

Hiện nay, người có thu nhập dưới mức giảm trừ gia cảnh không phải nộp thuế, nhưng cũng không được nhận bất kỳ hỗ trợ nào. Nếu coi mức giảm trừ là chuẩn sống tối thiểu, thì việc không thu thuế thôi là chưa đủ, nhà nước cần chủ động "trả ngược" một khoản hỗ trợ cho nhóm dưới ngưỡng, như một hình thức "thuế âm".

Cách tiếp cận này thể hiện tinh thần công bằng xã hội theo quan điểm của John Rawls - triết gia chính trị người Mỹ, nổi tiếng với lý thuyết "công lý như công bằng". Ông cho rằng, một xã hội chỉ thực sự công bằng khi các chính sách được thiết kế sao cho người yếu thế nhất cũng được hưởng lợi từ hệ thống đó.

Áp dụng vào chính sách thuế, điều này có nghĩa là không chỉ thu đúng với người thu nhập cao, mà còn cần hỗ trợ ngược lại cho người thu nhập thấp. Ví dụ, một người chỉ kiếm được 6 triệu đồng/tháng, thấp hơn chuẩn sống tối thiểu 11 triệu thì nên được nhà nước hỗ trợ một phần khoản thiếu hụt, ví dụ 5 - 10%, tương đương 250.000 - 500.000 đồng/tháng. Khoản này không lớn so với tổng chi ngân sách (vì thực tế được tái phân phối từ thuế lũy tiến của nhóm giàu), nhưng mang giá trị biểu tượng và thực tiễn sâu sắc. Nó thể hiện sự chia sẻ của xã hội với những người dễ bị tổn thương như lao động phi chính thức, người thất nghiệp hay người già neo đơn.

Phân cấp cho địa phương trong chính sách thuế

Hiện thuế TNCN là nguồn thu chia sẻ giữa trung ương và địa phương, nhưng các tỉnh, thành phố không có vai trò nào trong việc xác định mức giảm trừ, biểu thuế hay khấu trừ chi phí dù họ có đặc thù rất riêng về thu nhập, mức sống và cơ cấu lao động.

Theo định hướng tăng cường phân cấp ngân sách, Chính phủ nên cân nhắc phân cấp một phần quyền thiết kế chính sách thuế TNCN cho địa phương trong một khuôn khổ pháp lý chung do Quốc hội hoặc Chính phủ quy định. Những đô thị đặc thù như TP.HCM hay Hà Nội có thể được phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hoặc khấu trừ chi phí sống theo thực tế địa phương. Điều này không chỉ giúp chính sách trở nên linh hoạt và sát thực tế hơn mà còn tạo động lực để địa phương chủ động điều tiết và phân bổ nguồn lực tài khóa hiệu quả.

Tất nhiên, kèm theo quyền hạn là trách nhiệm giải trình cao hơn. Nếu địa phương tăng thuế quá mức, người dân có thể "bỏ phiếu bằng chân", chuyển sang nơi có mức sống và thuế suất hợp lý hơn. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương về chính sách thuế sẽ tạo ra điểm cân bằng về tài khóa, giúp đạt được cả mục tiêu công bằng, hiệu quả và khả thi của hệ thống thuế.

Cần một tư duy mới về cải cách thuế TNCN

Cải cách thuế TNCN không thể chỉ xoay quanh vài con số giảm trừ. Cần một cách tiếp cận mới, toàn diện hơn, tính đến sự khác biệt vùng miền, thay đổi theo thời gian, đặc thù chi tiêu và vai trò ngày càng quan trọng của chính quyền địa phương.

Một hệ thống thuế tốt không chỉ thu đúng mà còn hỗ trợ đúng, khuyến khích đúng và điều tiết đúng. Nếu lần cải cách này được thực hiện đến nơi đến chốn, thuế TNCN không chỉ mang lại công bằng thực chất cho người dân mà còn là một bước tiến lớn trong việc nâng cao tiềm lực tài khóa quốc gia.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn