Thủ tướng yêu cầu thực hiện loạt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng sau sắp xếp bộ máy

Để bảo đảm tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời các nghị quyết của Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, Thủ tướng yêu cầu thực hiện một loạt nhiệm vụ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 110 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.
Công điện nêu rõ đây là các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp thiết. Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm, chỉ đạo sát sao, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, đúng tiến độ đề ra, bảo đảm bộ máy hoạt động ổn định, không để khoảng trống pháp lý, kịp thời giải quyết các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Không để ách tắc trong giải quyết thủ tục đất đai
Về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn các tỉnh, thành phố theo đúng quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 4, khoản 2 Điều 5 và khoản 1, khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 190 ngày 19/2 của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 90 ngày 17/6 và Nghị định số 118 của Chính phủ, bảo đảm duy trì và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp cử cán bộ xuống cơ sở nắm tình hình, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến địa chính, giải phóng mặt bằng, xác định chủ quyền đất đai và cấp sổ đỏ…, hoàn thành trước ngày 1/8.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát, chuẩn hóa lại các thủ tục hành chính về đất đai đã công bố, bảo đảm việc thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh tại các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã, hoàn thành trước ngày 20/7; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối, liên thông thông suốt với hệ thống thuế, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã, nhất là các lĩnh vực phát sinh hồ sơ lớn ở cấp xã như: hộ tịch, đất đai, đăng ký hộ kinh doanh, xây dựng... và các lĩnh vực mới được phân cấp, phân định thẩm quyền, bảo đảm việc thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, không để ách tắc, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Việc này hoàn thành trước ngày 20/7.
Xóa các điểm lõm sóng
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống cơ quan hành chính ở Trung ương và địa phương, trong đó có các nhiệm vụ đã phân cấp cho địa phương; báo cáo Thủ tướng các nội dung trên trước thứ 5 hằng tuần.
Về việc phủ sóng công nghệ số, Bộ Tài chính chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và các bên liên quan rà soát, khẩn trương cung cấp điện để xóa các điểm thiếu điện ở các thôn, bản trên cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ theo dõi, đôn đốc tiến độ, bảo đảm hoàn thành việc “xóa các điểm lõm sóng” để các thôn, bản có điều kiện tiếp cận chuyển đổi số. Các việc này hoàn thành trước ngày 1/10.
Về việc nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, thông tin thường xuyên, liên tục, ưu tiên thực hiện kịp thời trong giai đoạn vận hành bộ máy mới theo thứ tự quan trọng, cần thiết, như là thuế, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, tư pháp, y tế, giáo dục... ; xây dựng chương trình và chỉ đạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ, quản lý hành chính hiện đại và kỹ năng giao tiếp hành chính để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cả về chuyên môn và kỹ năng số, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, xã đảo, nơi điều kiện triển khai còn hạn chế. Việc này hoàn thành trước ngày 1/8.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các kế hoạch tăng cường thông tin, tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin chính thống định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân; tăng cường công tác truyền thông chính sách, tạo đồng thuận và sự tham gia của người dân trong tổ chức, hoạt động của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh thông tin đối ngoại hiệu quả, nâng cao uy tín về môi trường thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố thiết lập cơ chế điều phối, giám sát và phản hồi thông tin 2 chiều giữa Trung ương và địa phương, đồng thời bảo đảm cơ chế giám sát chặt chẽ từ cấp trên và sự tham gia của người dân; tiếp tục tập trung cao độ, dành nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật; khẩn trương ban hành, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật để vận hành đồng bộ, hiệu quả mô hình mới.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải cách tài chính công và đổi mới phương thức quản trị địa phương; tăng cường phân cấp cho địa phương để chủ động giải quyết các thủ tục hành chính, điều hành ngân sách, tổ chức bộ máy và quản lý nhân lực.
Ưu tiên ngân sách, cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế
Theo công điện, Bộ GD-ĐT phải khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng dự án đầu tư trường bán trú các xã, phường, đặc khu biên giới trong tháng 7 và Chương trình mục tiêu quốc gia hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2026-2030, trong đó tập trung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, quy mô trường, lớp học ở các cấp học.
Bộ này cũng cần khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng đề án “Xây dựng các trường nội trú, bán trú cho học sinh phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2026-2030”; chủ động rà soát các văn bản pháp lý để mở rộng đối tượng học sinh nội trú, bán trú, không phân biệt người Kinh hay dân tộc thiểu số, bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Bộ Tài chính cần tham mưu, bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương và việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các chương trình và đề án nói trên.
UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu ưu tiên nguồn ngân sách, đất đai, cơ sở vật chất sau sắp xếp để tăng cường cho giáo dục, y tế; có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường ở địa bàn khó khăn, chưa đạt chuẩn tối thiểu cơ sở vật chất, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Các công trình trong các cơ sở giáo dục phải bảo đảm an toàn, kiên cố, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về diện tích. Đặc biệt, địa phương không để thiếu cơ sở thuận lợi khám, chữa bệnh cho người dân; ốm đau phải được chăm sóc sức khỏe kịp thời, hiệu quả.
UBND cấp xã bảo đảm đủ trường, lớp học và cơ sở y tế khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cho mỗi cấp học, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương sau khi sắp xếp.