Nhảy đến nội dung
 

Thủ tướng: Thông tuyến cao tốc Cao Bằng - Cà Mau vào cuối năm 2025

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 tại phiên khai mạc kỳ họp 9 sáng 5/5, Thủ tướng thông tin các cơ quan đang nỗ lực thực hiện mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào năm 2025.

Các dự án quan trọng, động lực khác đang được đẩy nhanh tiến độ như Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Hòa Liên - Túy Loan, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các cảng khu vực Lạch Huyện sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025, thông xe kỹ thuật cầu Rạch Miễu 2 vào ngày 2/9/2025 và khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu.

Trong lĩnh vực đường sắt, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đồng thời nghiên cứu xây dựng tuyến tàu điện ngầm từ Long Thành đến Tân Sơn Nhất và tuyến đường sắt trên cao từ Văn Cao đi Láng Hòa Lạc.

Thủ tướng cũng cho biết các cơ quan sẽ hoàn thành thủ tục, khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane, cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và cảng Hòn Khoai.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt dự án trọng điểm về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển... đã được ưu tiên phát triển. Cả nước đồng loạt khởi công 80 công trình, dự án hạ tầng chiến lược; đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay tân Sơn Nhất; thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam.

Hướng tới miễn viện phí toàn dân

Theo Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển y tế dự phòng và y tế cơ sở, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chuyển trọng tâm từ khám chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe chủ động cho người dân, với mục tiêu hướng tới miễn viện phí cho tất cả mọi người.

Công tác ứng phó kịp thời và hiệu quả với các dịch bệnh truyền nhiễm được đặc biệt chú trọng. Việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử trên phạm vi cả nước sẽ được thực hiện trước tháng 9/2025. Hai bệnh viện lớn là Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 sẽ khẩn trương hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm nay, góp phần nâng cao năng lực y tế quốc gia.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách thích ứng kịp thời với quá trình già hóa dân số và tận dụng cơ hội từ thời kỳ dân số vàng cũng được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng.

Trong lĩnh vực giáo dục, một chủ trương lớn được Chính phủ đưa ra là bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông ngay từ năm học 2025-2026, thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền học tập cho mọi trẻ em.

Để hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và khuyến khích các ngành học quan trọng, Chính phủ sẽ sớm ban hành chính sách cho vay ưu đãi với lãi suất và hạn mức phù hợp cho các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học cơ bản, văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời, việc huy động các nguồn lực để xây dựng nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số cũng được quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập và sinh sống.

Bên cạnh y tế và giáo dục, Chính phủ cũng triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công và giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Các cơ quan đã thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời gia đình chính sách trong các dịp lễ Tết, đồng thời chi trả sớm lương hưu, trợ cấp tháng 5/2025 sớm và triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hỗ trợ người trẻ, người nghèo mua nhà ở xã hội. Phong trào xóa nhà tạm, dột nát được đẩy mạnh, hướng tới hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội năm 2025, với việc thành lập "Quỹ nhà ở xã hội quốc gia".

Cải cách triệt để quản trị nhà nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ tiến hành cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần quyết liệt, không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để.

Các cơ quan chức năng sẽ hoàn thành việc sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp trước ngày 30/6 nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục, tránh tạo khoảng trống pháp lý. Các luật như Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)... sẽ được rà soát và sửa đổi.

Phương thức lãnh đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc cũng sẽ được đổi mới mạnh mẽ theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại, với phương châm "bộ máy tinh gọn - dữ liệu kết nối - quản trị thông minh". Hàng loạt nghị quyết của Bộ Chính trị sẽ được thể chế hóa và triển khai quyết liệt, bao gồm Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất sửa đổi các điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, khung pháp lý mới thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ được nghiên cứu, cùng với việc tổ chức thử nghiệm các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã sắp xếp bộ máy còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ), đồng thời triển khai quyết liệt việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.

Vũ Tuân