Thủ tướng: 'Thiệt hại về người trong thiên tai là nỗi đau lớn nhất'

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để xảy ra thiệt hại về con người là nỗi đau lớn nhất và yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai phải chủ động phòng ngừa, bảo vệ sự sống của người dân là trên hết, trước hết.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, diễn ra chiều 24.7 tại Văn phòng Chính phủ, có kết nối trực tuyến với 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.
Dự báo chính xác để giảm thiệt hại
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thiên tai trong năm 2024 làm 519 người chết, mất tích, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và gấp 2,5 lần trung bình 10 năm giai đoạn 2014 - 2023; gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế khoảng 91.622 tỉ đồng, gấp hơn 9,8 lần so với năm 2023 và 4,3 lần trung bình 10 năm 2014 - 2023.
7 tháng năm nay, dù chưa chính thức vào mùa mưa bão nhưng thiên tai xảy ra trên cả nước làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại kinh tế hơn 553 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, những tháng cuối năm nay, thiên tai diễn biến rất phức tạp, khó lường. Dự báo Biển Đông sẽ có 8 - 11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong có 3 - 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đất liền nước ta.
Trong cuối tháng 7 - tháng 9, Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây nguyên xuất hiện nhiều đợt mưa lớn. Miền Trung mưa lớn tập trung từ tháng 10 - tháng 12 ở trùng với mùa bão, áp thấp thấp nhiệt đới nên đề phòng nguy cơ lũ chồng lũ, ngập lụt trên diện rộng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, một trong những giải pháp phòng, chống thiên tai đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung triển khai là chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét...
"Dự báo chính xác tốt nhất là trước khoảng 2 - 3 tiếng để có thể thông báo trực tiếp đến người dân, chính quyền ở nơi có khả năng xảy ra thiên tai, phải cảnh báo sớm hơn để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại", ông Hiệp nói.
Cương quyết bảo vệ tính mạng người dân trong thiên tai
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quy định phòng thủ dân sự bao gồm phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh…nhưng phòng, chống thiên tai là nội dung phòng thủ đặc biệt. Địa hình nước ta trải dài, thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai: bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, động đất, nắng hạn, xâm nhập mặn...
Nhắc lại thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, dù các cấp, các ngành, địa phương rất cố gắng nhưng vẫn để xảy ra nhiều thiệt hại về con người là nỗi đau lớn nhất, đây là điểm tồn tại, hạn chế phải tiếp tục khắc phục.
Để phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải làm tốt công tác dự báo, cảnh báo. Khi ứng phó thiên tai phải bình tĩnh, bám sát thực tiễn, phân tích, đánh giá, quyết định rất thận trọng và hành động cương quyết, coi trọng bảo vệ tính mạng, sự sống của người dân là trên hết, trước hết.
"Người dân vẫn còn chủ quan, nên trong tình huống cụ thể có thể phải kiên quyết cưỡng chế để bảo vệ tính mạng đồng bào", Thủ tướng nói.
Thủ tướng lưu ý, diễn biến thiên tai từ nay đến cuối năm 2025 hết sức phức tạp khi thời tiết không theo quy luật, rất khó dự báo, yêu cầu công tác ứng phó thiên tai chuyển đổi tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; ứng phó linh hoạt, kịp thời, lấy con người làm trung tâm; xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài phòng chống thiên tai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong hoạt động phòng thủ dân sự phòng, chống thiên tai phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời phù hợp, an toàn và hiệu quả; trong khắc phục thiên tai phải chung tay, toàn dân, toàn diện và toàn phần.