Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ

Bà Paetongtarn Shinawatra bị đình chỉ chức Thủ tướng do phát ngôn gây tranh cãi trong cuộc gọi với Hun Sen, trong đó bà gọi chỉ huy quân đội là “phe đối lập” giữa lúc căng thẳng biên giới giữa hai nước.
|
Bà Paetongtarn Shinawatra trong cuộc họp nội các Thái Lan ngày 1/7. Ảnh: Reuters. |
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 đã ra phán quyết tạm đình chỉ bà Paetongtarn Shinawatra khỏi cương vị Thủ tướng để chờ xem xét tư cách pháp lý, sau khi xuất hiện đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa bà với cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen gây tranh cãi. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Văn hóa trong nội các mới, tờ Nation của Thái Lan đưa tin.
Quyết định được đưa ra sau khi cả 9 thẩm phán Tòa Hiến pháp nhất trí chấp nhận đơn kiến nghị của 36 thượng nghị sĩ do Chủ tịch Thượng viện Mongkol Surasajja đệ trình, yêu cầu xem xét tư cách của bà Paetongtarn liên quan đến đoạn ghi âm bị rò rỉ.
Sau đó, các thẩm phán bỏ phiếu với tỷ lệ 7-2 để tạm đình chỉ bà khỏi vai trò Thủ tướng trong thời gian chờ kết luận chính thức.
Tuy vậy, bà Paetongtarn vẫn có thể tiếp tục điều hành Bộ Văn hóa - vị trí do chính bà tự đề cử trong nội các mới, vừa được Quốc vương phê chuẩn và công bố trên Công báo Hoàng gia trước khi Tòa Hiến pháp đưa ra quyết định.
Nhóm thượng nghị sĩ lập luận rằng bà Paetongtarn cần bị cách chức theo các điều khoản trong Hiến pháp do có dấu hiệu "kích động chống phá", ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia.
Trong đoạn ghi âm, bà được cho là đã gọi chỉ huy Quân khu 2 - đơn vị phụ trách khu vực biên giới đông bắc là “phe đối lập”, trong cuộc trò chuyện với ông Hun Sen.
Đoạn hội thoại này sau đó bị rò rỉ trên mạng xã hội, khiến bà Paetongtarn đối mặt làn sóng chỉ trích dữ dội. Dư luận cho rằng bà đã cố làm vừa lòng nhà lãnh đạo Campuchia giữa lúc quan hệ hai nước căng thẳng vì vấn đề biên giới, trong khi Quân khu 2 đang cố thể hiện lập trường cứng rắn để bảo vệ lãnh thổ Thái Lan.
Các thượng nghị sĩ dẫn Điều 82 và Điều 170(3) của Hiến pháp Thái Lan làm căn cứ yêu cầu Tòa Hiến pháp xem xét tư cách Thủ tướng của bà Paetongtarn, đồng thời đề xuất bãi nhiệm bà dựa trên các quy định tại Điều 170(4) cùng Điều 160(4) và (5).
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.