Nhảy đến nội dung
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Khởi nghiệp cần thần tốc, táo bạo"

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khởi nghiệp là quá trình khó khăn, cần sự kiên trì, bền bỉ, bản lĩnh, ý chí dám làm khác biệt và tinh thần thần tốc, táo bạo.

Ngày 20/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII do Bộ GD&ĐT phối hợp với T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Khởi nghiệp chưa tương xứng với giá trị cốt lõi của thanh niên Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, đổi mới sáng tạo đang làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đòi hỏi quá trình phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số phải nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất và hiệu quả hơn. 

Thời gian qua, Việt Nam đạt được một số thành quả về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của khởi nghiệp.  

Về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 cho thấy Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế tăng 2 bậc so với năm 2023.

Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam cũng tăng 2 bậc từ vị trí 58 lên 56, đứng thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á và thứ 12 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Hà Nội và TPHCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu; hơn 20 trung tâm sáng tạo khởi nghiệp được thành lập trên cả nước; năm 2024, Việt Nam thu hút 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng cũng vui mừng được biết sau 7 năm triển khai Đề án 1165 "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" đến nay 100% các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp, 63/63 Sở GD&ĐT đã có kế hoạch triển khai khởi nghiệp sáng tạo.

Hơn 42.000 dự án khởi nghiệp đã ra đời từ các bạn học sinh, sinh viên. Có hơn 3.500 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 480.000 lượt thanh niên tham gia với gần 23.000 ý tưởng khởi nghiệp…

Nhiều bạn trẻ đã đứng ra tự thành lập doanh nghiệp, kêu gọi được vốn đầu tư, tạo ra việc làm cho chính mình và cho người khác. Hàng ngàn học sinh, sinh viên viết tiếp những câu chuyện khởi nghiệp rất Việt Nam nhưng mang tầm vóc toàn cầu với các sản phẩm ứng dụng công nghệ trong y tế, nông nghiệp sạch, cho đến các giải pháp số…

Tuy hành trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp này có nhiều thành quả nhưng Thủ tướng cho rằng cần nhìn thẳng vào thực tế, khởi nghiệp của chúng ta chưa tương xứng với những tiềm năng và những giá trị, phẩm chất cốt lõi của thanh niên Việt Nam.

Các phẩm chất gồm lòng yêu nước, sự thông minh, sáng tạo, hiếu học, chăm chỉ, chịu khó, vượt qua nghịch cảnh, tương thân tương ái… cần được phát huy tương xứng hơn trong khởi nghiệp. 

Biến cái không thể thành có thể

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, có 2 yếu tố cần phải xác định trong khởi nghiệp, bao gồm đi đúng xu hướng phát triển của thời đại, của thị trường và phù hợp với năng lực, trí tuệ, sở trường của mỗi người. Có như vậy, mới phát huy được hiệu quả, tạo nên sự cộng sinh, cộng hưởng.

Trên hành trình này, mỗi bạn trẻ cần thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán để tạo ra sự đột phá. Các bạn hãy xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và là cơ hội nghề nghiệp; đồng thời còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là quá trình khó khăn, cần sự kiên trì, cần tinh thần bản lĩnh vượt qua khó khăn trở ngại, cần ý chí dám làm khác biệt, dám đương đầu với thử thách, dám vượt qua giới hạn của chính bản thân mình, dám chấp nhận rủi ro để kiến tạo giá trị.

Hành trình này cần sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tất cả cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái, một không gian khởi nghiệp, một hệ giá trị kết nối cộng đồng, cùng nhau thể hiện khát vọng vươn lên, nghĩ sâu làm lớn, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể". 

Những điều này, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần được thực hiện với tinh thần thần tốc, táo bạo, không giới hạn. 

Để tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, sở hữu trí tuệ, kết hợp mô hình công - tư, tạo điều kiện và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên phát triển ý tưởng và đưa sản phẩm ra thị trường; Phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên bằng nguồn xã hội hóa... 

Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường, đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa.

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Phát triển các phòng thí nghiệm hiện đại, hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm, khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ứng dụng... 

"Ba nhà" gồm nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp phải tăng cường kết nối. Các doanh nghiệp  tích cực đặt hàng, đầu tư và đồng hành cùng sinh viên, hỗ trợ thực hành, thực tập và thương mại hóa ý tưởng; cùng nhà trường, truyền cảm hứng, đầu tư và dẫn dắt thế hệ trẻ.

100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi thông tin, đến nay hơn 120 cơ sở giáo dục đại học đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. 100% cơ sở giáo dục đại học đã ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 75% trường đã có không gian sáng tạo, 43% thành lập trung tâm khởi nghiệp và đặc biệt 100% các trường đều có hợp tác với doanh nghiệp và vai trò dẫn dắt của các doanh nhân.

Hơn 65% địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông. Khởi nghiệp sáng tạo đã trở thành một nội dung chính thức, một hoạt động có định hướng, có kế hoạch, có hệ thống trong tất cả các cấp học, từ phổ thông đến đại học.