Thủ tướng: Không để 'dân đang bị chia cắt mà lãnh đạo nói không lên được'

Chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.
Phát biểu khai mạc, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân, gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân, gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 (Hạ Long, Quảng Ninh) và trong cơn bão số 3 những ngày qua.
Thủ tướng cũng chia sẻ nỗi đau, sự mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với nhân dân các xã miền núi tại tỉnh Nghệ An đang hứng chịu đợt lũ lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã chỉ đạo dùng máy bay trực thăng tiếp tế lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu cho nhân dân vùng bị chia cắt tại Nghệ An.
Trước đó, Thủ tướng đã cử Phó Thủ tướng vào Nghệ An, có mặt tại các vùng xung yếu, làm việc, kiểm tra tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó.
Thủ tướng nhắc nhở tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai, đặc biệt không để tình trạng "dân đang bị chia cắt mà lãnh đạo nói không lên được".
"Đang chia cắt mới cần lãnh đạo, cần lực lượng chủ công bằng mọi cách để nắm tình hình, bằng mọi cách để tiếp cận địa bàn bị chia cắt, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo quy định, phòng thủ dân sự bao gồm: Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh… Thủ tướng nêu rõ, phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để bàn về một trong những nội dung rất quan trọng là chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai.
Phòng, chống thiên tai là nội dung phòng thủ đặc biệt vì nước ta có địa hình trải dài, thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai (bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, động đất, nắng hạn, xâm nhập mặn…), "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa".
Theo Thủ tướng, tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định hơn. Năm 2024, bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua; tháng 6 vừa qua, khu vực Trung Bộ xảy ra mưa lớn, ngập lụt giữa mùa khô.
Ngay đêm 22/7, lũ thượng nguồn sông Cả về hồ thủy điện Bản Vẽ tương ứng với tần suất rất nhiều năm xuất hiện 1 lần; vụ lật tàu du lịch tại Hạ Long, Quảng Ninh chiều 19/7 vừa qua khi dông lốc xảy ra đột ngột kèm theo mưa đá, gió xoáy mạnh.
Với cơn bão số 3, các cấp, các ngành, các địa phương đã rất chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động phòng, ngừa, ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, nhưng ảnh hưởng trước bão và hoàn lưu sau bão vẫn gây ra những thiệt hại lớn.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian qua, làm rõ những mặt được, mặt chưa tốt từ lãnh đạo, chỉ đạo đến ứng phó của các ngành, các địa phương và người dân; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm; xác định nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và cả giai đoạn tới.
Cùng với đó, thảo luận, phân công, phân định nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo phòng, chống thiên tai tới đây; phân công trách nhiệm tham mưu chỉ đạo phòng, chống thiên tai.
Thủ tướng đề nghị phân công, phân nhiệm bảo đảm "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả ở cả Trung ương và địa phương.
Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận, đánh giá công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.