Thủ tướng: Hàng trăm tấn hàng giả do không còn ý chí hay bị mua chuộc?

Thủ tướng đặt câu hỏi với các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 5 gồm đề nghị xây dựng luật Giám định tư pháp (sửa đổi); đề nghị xây dựng luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), chiều tối 19.5.
Đáng chú ý, về đề nghị xây dựng luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn thực phẩm liên quan tới sức khỏe, tính mạng người dân. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, nhất là các vụ việc liên quan thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả, thực phẩm bẩn… đang được người dân, xã hội rất quan tâm.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết. Trong khi để làm việc này thì phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển, thì chỉ có 2 khả năng: một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực; cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm.
Do đó, ông yêu cầu thiết kế các chính sách để xử lý được các vấn đề cấp bách hiện nay mà thực tế đang đặt ra. Quy định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm chính và xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan trong quản lý an toàn thực phẩm.
Việc quản lý giữa các bộ không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý nhà nước; khẩn trương xây dựng dự án luật để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm.
Trước đó, Báo Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử. Hàng giả tràn lan trên sàn thương mại điện tử không chỉ đe dọa sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp chân chính điêu đứng khi sản phẩm bị làm giả trắng trợn, bán công khai giữa "chợ mạng". Trong khi đó, quá trình khiếu nại với các sàn lại đầy gian nan, kéo dài, thậm chí bị thờ ơ.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), 3 tháng đầu năm, các nền tảng sàn thương mại điện tử đã thực hiện gỡ bỏ 33.122 sản phẩm và ngăn chặn 11.544 gian hàng vi phạm hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định khi được yêu cầu.