Nhảy đến nội dung
 

Thủ tướng: Chấp nhận sự mất mát, coi đó là học phí

Giải quyết các dự án tồn đọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ "chúng ta phải chấp nhận đây là căn bệnh, mà đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn, mất tiền".

Quốc hội sáng nay thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết "chúng ta đã bắt được bệnh” và Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng về vấn đề này, "chúng ta đang hoàn thiện thể chế để chữa bệnh".

Từ khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 9, Chính phủ có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội. Trong đó, những dự án tồn đọng, kéo dài nhiều nhiệm kỳ gây lãng phí, điển hình là dự án điện gió, điện mặt trời.

“Rõ ràng chính sách của ta không tốt nên dẫn đến tiêu cực, ồ ạt xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời không đúng quy hoạch và thủ tục, không đúng quy định của Đảng, Nhà nước nên phải xử lý” - Thủ tướng nhận định.

Theo thống kê các địa phương gửi lên, Thủ tướng cho biết có hơn 2.200 dự án tồn đọng, nếu tháo gỡ sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng 50% tổng GDP của cả nước.

"Chúng tôi đang xây dựng cơ chế chính sách để trình cấp có thẩm quyền để xử lý. Chúng ta không hợp thức hóa cái sai nhưng phải có giải pháp để xử lý về thể chế, tổ chức và người làm sai” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết khi tình hình thay đổi thì cơ chế chính sách phải thay đổi, "chúng ta phải chấp nhận đây là căn bệnh, mà đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn, mất tiền".

Thủ tướng nêu quan điểm: “Không thể thu về 100% mà phải chấp nhận mất mát, đau đớn và có những cái cắt bỏ. Việc này cho chúng ta bài học, kinh nghiệm mới để tránh sau này. Và chúng ta không thể không làm, đã làm thì phải giải quyết dứt điểm, tạo ra động lực khai thác hết tiềm năng. Sự mất mát được coi là học phí...” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nêu rõ đất lâm trường, nông trường là vấn đề nhức nhối. Trước đây, việc quản lý, thành lập nông lâm trường rất cần thiết cho quá trình phát triển. Nhưng khi tiến hành kinh tế thị trường, việc quản lý lại bị buông lỏng, không có chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả nên bây giờ phải giải quyết hậu quả về cả pháp lý và thực tiễn. 

“Chúng ta phải đưa ra cơ chế, chính sách để giải quyết dứt điểm. Khi đã đổ vỡ rồi thì không thể hàn gắn nguyên si như ban đầu, nhưng phải làm sao để khắc phục tối ưu nhất” - Thủ tướng nhắc lại quan điểm.

Liên quan đến tiết kiệm, theo Thủ tướng là có nhiều vấn đề. Ông lưu ý việc sử dụng trụ sở làm việc dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính với tinh thần quan trọng nhất là "không để lãng phí".

Thủ tướng đề nghị các địa phương vận dụng sáng tạo tùy vào thực tế, bởi luật pháp không thể bao phủ hết khía cạnh cuộc sống.

"Tuy nhiên không cầu toàn, không nóng vội, nhất là với những vấn đề mới thì phải bình tĩnh. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, miễn là đừng tiêu cực, lãng phí hay tham nhũng. Làm việc này cần sự vô tư, trong sáng, tìm cách giải quyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".

"Người nào, cấp nào gần dân nhất, làm tốt nhất thì phân cấp"

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông cần giảm thủ tục hành chính, tạo không gian phát triển và điều kiện kết nối thuận lợi.

“Chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép thì hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin - cho” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông đề cập chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực.

“Chúng ta cứ nói phân cấp, phân quyền nhưng không phân bổ nguồn lực thì làm sao làm được? Quốc hội phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, Chính phủ lại phân xuống cho bộ, ngành, địa phương chứ chúng tôi chẳng giữ làm gì. Bởi vì, nếu giữ khư khư nguồn lực thì không làm được gì, cái gì cũng phải đi xin” - Thủ tướng chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải giảm bớt thủ tục hành chính, không để lãng phí cơ hội, lãng phí thời gian, "bởi nếu quá nhiều thủ tục thì có khi làm xong, cơ hội cũng trôi qua mất".

Theo Thủ tướng, tinh thần là ủng hộ cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; người nào, cấp nào gần dân nhất, làm tốt nhất thì phân cấp.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn