Thủ tướng Carney nhắm mục tiêu thách thức tầm ảnh hưởng của ông Trump
Vượt phe qua đối thủ theo chủ nghĩa dân túy, Thủ tướng Mark Carney không chỉ cứu vãn vị thế phe trung tả tại Canada mà còn sẵn sàng thách thức tầm ảnh hưởng của ông Trump toàn cầu.
Sau chiến thắng bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử ngày 28/4, tân Thủ tướng Canada Mark Carney không chỉ khôi phục quyền lực cho Đảng Tự do mà còn nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế như một biểu tượng đối lập với chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Với tư cách là người đầu tiên từng lãnh đạo hai ngân hàng trung ương thuộc nhóm G7 - Ngân hàng Trung ương Canada và Ngân hàng Anh - ông Carney sở hữu nền tảng kinh nghiệm giúp ông ngay lập tức chiếm được lòng tin từ các nhà lãnh đạo toàn cầu, theo Reuters.
|
Tân Thủ tướng Canada Mark Carney. Ảnh: Reuters. |
Những tuyên bố mạnh mẽ của ông về ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
"Canada sẵn sàng dẫn dắt một liên minh gồm các quốc gia cùng chí hướng, những nước cùng chia sẻ giá trị về tự do, hợp tác và thương mại toàn cầu", ông Carney tuyên bố ngày 3/4 tại Ottawa. “Nếu Mỹ không còn muốn lãnh đạo thế giới, Canada sẽ bước lên”.
Chiến thắng của Carney được cho là một phần do cử tri quay lưng với chính sách “Canada First” đầy sắc thái dân túy của lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre - khẩu hiệu bị so sánh với thông điệp "America First" của ông Trump.
Việc ông Trump bất ngờ áp thuế và đe dọa sáp nhập Canada trong những tuần cuối cùng trước bầu cử đã khiến làn sóng phản đối Mỹ gia tăng, từ tẩy chay hàng hóa cho đến hủy bỏ các chuyến du lịch sang phía Nam biên giới.
Tuy giành chiến thắng, Đảng Tự do của Carney chỉ nắm giữ thiểu số ghế tại Hạ viện, buộc ông phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng nhỏ để duy trì chính phủ.
Tại Australia - nơi tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 3/5 - các đảng lớn đang theo dõi sát sao làn sóng ủng hộ Carney. Các chiến lược gia chính trị Australia nhận định mối lo ngại về hệ lụy toàn cầu từ các chính sách của ông Trump cũng đang khiến cử tri nước này nghiêng về phía Công đảng trung tả.
Ông Colin Robertson - cựu nhà ngoại giao Canada và là người từng làm việc với Carney tại Bộ Tài chính - khẳng định: “Carney là vị Thủ tướng được chuẩn bị tốt nhất kể từ thập niên 1960. Ông có sổ tay liên lạc đáng gờm và được quốc tế đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức hiện nay đều xoay quanh kinh tế”.
Theo ông Robertson, ưu tiên trước mắt của Carney là mở rộng thương mại với châu Âu, Australia và các nền dân chủ châu Á như Nhật Bản, nhằm bù đắp thiệt hại từ các mức thuế mới của Mỹ đánh vào ô tô, thép và nhôm của Canada.
Cân bằng "trên dây" giữa lúc giông bão
Tăng cường nội lực kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh các dự án hạ tầng nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ, nơi tiêu thụ tới 90% lượng dầu xuất khẩu của Canada, sẽ là ưu tiên hàng đầu của Carney trong những tháng tới.
Tuy nhiên, theo ông Roland Paris - cựu cố vấn của cựu Thủ tướng Justin Trudeau và hiện là giáo sư tại Đại học Ottawa - Carney sẽ phải “đi dây” khéo léo giữa việc xây dựng liên minh quốc tế và tránh khiêu khích ông Trump.
“Ông ấy cần phối hợp với các nước cùng chí hướng mà không biến Canada thành ‘trung tâm đối đầu’. Không nên biến quốc gia thành mục tiêu”, ông Paris nhận định.
Lợi thế lớn của Carney là phong thái điềm tĩnh và uy tín tài chính quốc tế - điều có thể khiến ông Trump phản ứng tích cực hơn so với cách ông từng coi thường Trudeau, gọi ông là “thống đốc bang”.
|
Thái độ điềm tĩnh và hồ sơ tài chính ấn tượng của Carney có thể giúp ông nhận được phản ứng mềm mỏng hơn từ Trump. Ảnh: Reuters. |
Ông Robertson tin rằng Carney sẽ tìm cách hợp tác với ông Trump, có thể bắt đầu từ Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tháng 6 tại Alberta - nơi ông có thể sắp xếp cuộc gặp thương mại với Trump và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum.
Carney cũng cam kết đẩy nhanh ngân sách quốc phòng, giảm lệ thuộc vào Mỹ trong mua sắm quân sự, đồng thời hợp tác với quỹ quốc phòng 800 tỷ euro mà EU đề xuất.
Dẫu vậy, theo ông Chris Hernandez-Roy - Phó giám đốc Chương trình Châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - Carney khó có thể đạt được tầm ảnh hưởng như cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron do Canada vẫn còn nhiều hạn chế về ngân sách quốc phòng và quy mô kinh tế.
Song, việc Canada giữ vai trò chủ tịch G7 năm nay mang lại cho Carney cơ hội hiếm có để củng cố tầm ảnh hưởng quốc tế.
Ông Trump - “quả bóng phá hủy” phe bảo thủ
Chiến thắng của Carney không chỉ là cú hích tinh thần cho các chính khách trung tả toàn cầu, mà còn là lời cảnh báo đối với các đảng bảo thủ đang chịu ảnh hưởng từ “chủ nghĩa Trump”.
Tại Australia, ông Peter Dutton - lãnh đạo phe đối lập trung hữu - từng có tỷ lệ ủng hộ sát nút với Công đảng nhưng nay đang bị tụt lại. Các nhà phân tích cho rằng hình ảnh ông Trump đang làm tổn hại liên minh bảo thủ tại Australia và nhiều nơi khác.
|
Việc công chúng ngày càng ác cảm với Trump đang gây bất lợi cho lãnh đạo phe đối lập cánh hữu Peter Dutton. Ảnh: Reuters. |
“Ông Trump giống như một quả bóng tàn phá toàn bộ phong trào bảo thủ, cả ở Australia lẫn toàn cầu. Cách ông ấy thực thi chính sách ở Washington đã làm lung lay nền tảng của phe cánh hữu”, ông Andrew Carswell - cựu thư ký báo chí của cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison - nhận định.
Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban, một đồng minh công khai của ông Trump, cũng đang đối mặt với làn sóng phản đối lớn nhất trong nhiều năm, trong bối cảnh nền kinh tế lao đao và rủi ro càng tăng do các chính sách thương mại cứng rắn từ Washington.
Tại Anh, Thủ tướng Keir Starmer - người từng được Carney ủng hộ năm 2023 - cố gắng giữ thái độ ôn hòa với Trump, nhưng vẫn không thể cải thiện hình ảnh cá nhân trước công chúng.
“Người dân Anh không ưa Trump. Thuế quan, chiến tranh thương mại, lập trường về Ukraine - tất cả đều khiến ông ấy bị đánh giá thấp”, ông Patrick English, Giám đốc phân tích chính trị tại YouGov nhận định. “Nếu Công đảng muốn lấy lại lòng tin cử tri, có lẽ nên cứng rắn hơn với Trump”.
Theo giáo sư Richard Johnston (Đại học British Columbia), bài học từ chiến thắng của Carney có lẽ đáng lưu tâm hơn đối với các đảng bảo thủ: “Hãy tránh xa bất kỳ dấu hiệu nào của phong trào MAGA”.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.