Nhảy đến nội dung
 

Thủ tướng: Cải cách bộ máy không nửa vời mà làm đến cùng, triệt để

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thực hiện cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sáng nay (5/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025. 

Sẵn sàng đàm phán với Mỹ với tinh thần “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”

Thủ tướng chia sẻ, trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023, đặc biệt là giữ được “trong ấm, ngoài êm”, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết từ đầu năm đến nay, thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.

"Chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán" - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng đã và đang chỉ đạo sát sao đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Mỹ với tinh thần “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”.

Về kết quả những tháng đầu năm nay, Thủ tướng cho biết tăng trưởng GDP quý 1 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm.

Đồng thời, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ và hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội; đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước; tổ chức chi trả sớm lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5; tích cực triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để cho vay tiêu dùng, mua nhà ở xã hội đối với người trẻ tuổi, người nghèo, người thu nhập thấp; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản, chíp, bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt. 

Thủ tướng nêu rõ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian ngắn đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng được nâng cao.

Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội số lượng luật, nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp (44 dự án luật, nghị quyết). Trong đó, nhiều nội dung quan trọng, có tính “mở đường” như phát triển khoa học, công nghệ; phát triển kinh tế tư nhân; một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực tài chính; nghị quyết về chính sách xây dựng và thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách đặc biệt đối với người làm công tác pháp luật...

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ đã hoàn thành, còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ). Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả. 

Giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính

Về hạn chế và bất cập, Thủ tướng nêu rõ đó là các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. 

Tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Thủ tướng lưu ý cần theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%. 

Thủ tướng cũng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng lưu ý giải pháp chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; khẩn trương ban hành nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ; xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới...

Trong năm 2025, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính.

Việc cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị được triển khai với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”. 

Đồng thời, các bộ, ngành phải rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt “không ngừng, không nghỉ”; phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa...