Nhảy đến nội dung
 

Thu nhập 58 triệu, đi ăn 1 bữa 3 triệu bị chồng mắng là tiêu hoang: Dân mạng có phản ứng bất ngờ!

“Thực ra người chồng nói cũng có lý mà, chẳng qua là nói chưa khéo thôi” - Một người bình luận.

Vợ chồng bất đồng trong chuyện chi tiêu vốn cũng không phải điều gì quá lạ lẫm. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi câu chuyện, chẳng ai giống ai. Tiền bạc chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, cái khó lớn nhất lại là nên nói sao cho khéo để cả 2 dung hòa khác biệt.

Tâm sự của cô vợ trong câu chuyện dưới đây cũng là một trường hợp vì “chưa đủ khéo” mà thành ra… “chiến tranh lạnh”.

Thu nhập 58 triệu/tháng, đi ăn 1 bữa 3 triệu có phải là tiêu hoang?

Cô cho biết hiện tại vợ chồng cô có 1 em bé gần 2 tuổi. Thu nhập trung bình của cả 2 rơi vào khoảng 58-60 triệu tùy tháng, trong đó lương của cô là 31 triệu cố định. Cuối tuần vừa qua là kỷ niệm ngày cưới, cô đặt bàn tại 1 nhà hàng sushi. Chuyện không có gì cho đến khi chồng cô nhìn thấy hóa đơn bữa ăn 3,1 triệu đồng. Tranh cãi bắt đầu từ đó.

“Trong tuần thì vợ chồng em đều tự nấu, mang cơm đi làm. Cuối tuần có đưa con đi chơi rồi ăn ngoài thì cũng chỉ tầm 300-400k/bữa là đắt nhất. Nói chung em thấy em cũng không chi tiêu gì nhiều, nên kỷ niệm ngày cưới thì em muốn đi ăn ngon. Bữa đó em trả bằng tiền của em, mà cũng đi cùng chồng con chứ không phải đi 1 mình mà chồng em cứ càu nhàu mãi, kêu ăn 1 bữa chẳng có gì đặc biệt mà hơn 3 triệu, quá nửa tiền ăn cả tháng.

Em bảo thi thoảng đi ăn 1 bữa tử tế thì có sao đâu, đâu phải tuần nào tháng nào cũng thế thì chồng em bảo em không biết tính toán, tiêu hoang quá.

Em cũng nói thêm là hàng tháng bọn em phải trả gần 18 triệu tiền vay mua nhà (cả lãi và gốc), ngoài ra tiền ăn thì 6-7 triệu (chủ yếu là mua đồ về nấu, cuối tuần ăn ngoài 1 bữa). Cộng thêm cả tiền đi lại của 2 vợ chồng, tiền bỉm sữa cho con hay mua sắm cho gia đình thì tổng cộng 1 tháng chi hết khoảng 22-25 triệu, vẫn tiết kiệm được 15-18 triệu. Vậy thì đi ăn 1 bữa 3 triệu có phải là tiêu hoang không mọi người chứ vợ chồng em hục hoặc mấy hôm nay không nói gì với nhau rồi” - Cô bày tỏ.

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người cũng chia sẻ những quan điểm… trái chiều. Có người đứng về phía cô vợ, cũng có người đồng tình với người chồng nhưng nhìn chung, phần lớn đều cho rằng cả 2 không ai sai, chỉ là mỗi người đều có những “chỗ chưa được khéo”.

“Tiền ăn cả tháng có 6-7 triệu mà đi ăn 1 bữa 3 triệu, so với ngân sách ăn uống hàng tháng của chính nhà bạn chứ không phải so với mức thu nhập, thì cũng hơi nhiều thật. Chồng thấy tiếc cũng không phải là không hợp lý chỉ là cách góp ý chưa khéo thôi. Có thế đã bảo tiêu hoang thì nặng lời quá” - Một người chia sẻ.

“Không có gì là tiêu hoang cả nhé, chồng bạn mới là người sai. Lâu lâu đi ăn 1 bữa 3 triệu là bình thường, với cả thu nhập cũng khá mà chứ có phải thiếu thốn gì đâu mà thế đã bảo vợ không biết quản lý chi tiêu, lại còn là bữa ăn kỷ niệm ngày cưới nữa chứ” - Một người đứng về phía cô vợ.

“Nghe có vẻ chồng cũng đưa hết lương cho vợ quản lý, có khi nào vợ cho ít tiền tiêu vặt quá mà đi ăn 1 bữa 3 triệu nên mới thành ra khó chịu không?” - Một người khác thắc mắc.

Vợ chồng bất đồng chuyện chi tiêu, phải làm sao?

1 - Đi tìm gốc rễ vấn đề

Không ít cặp vợ chồng tưởng rằng mình cãi nhau vì một khoản chi tiêu nào đó nhưng thực chất, mâu thuẫn về quan điểm xài tiền chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó là sự khác biệt trong giá trị sống, thói quen tài chính, cảm giác bất an về vai trò trong gia đình, hoặc thậm chí là những kỳ vọng chưa được nói ra.

Trước khi tìm cách khắc phục, điều quan trọng nhất có lẽ là cả hai phải nhận diện được gốc rễ của vấn đề. Nếu không, mỗi lần nói về tiền sẽ là một lần mâu thuẫn lặp lại dù con số trong tài khoản có là bao nhiêu đi chăng nữa.

2 - Lập ngân sách chung một cách rõ ràng và minh bạch

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm xung đột tài chính giữa hai vợ chồng là cùng nhau xây dựng một ngân sách chung. Đơn cử là việc xác định rõ mỗi tháng chi bao nhiêu, cho việc gì, khoản nào là thiết yếu, khoản nào dành cho sở thích cá nhân, khoản nào để tiết kiệm và đầu tư,...

Khi mọi thứ đã được thống nhất rõ ràng, những cuộc tranh luận kiểu "tại sao em lại mua cái này?", "lý do gì anh sắm cái kia?",... sẽ giảm đi đáng kể vì mọi chi tiêu đều đã được định hướng từ trước. Ngân sách rõ ràng cũng giúp tạo cảm giác cân bằng trong việc đóng góp tài chính, mỗi người biết mình có trách nhiệm gì, có quyền quyết định ở mức nào. Quan trọng hơn, nó cho thấy rằng vợ chồng đang đồng hành cùng nhau chứ không phải đang ở 2 chiến tuyến đối nghịch.

3 - Thiết lập quỹ chi tiêu cá nhân

Một sai lầm phổ biến khiến vợ chồng mâu thuẫn về tiền là gộp tất cả tài chính vào một mối và kiểm soát lẫn nhau.

Thực tế, bên cạnh tài khoản chung để chi tiêu cho gia đình, mỗi người nên có một khoản riêng, có thể không nhiều nhưng đủ để cảm thấy mình vẫn có quyền tự do cá nhân.

Điều này đặc biệt quan trọng khi một người không đi làm hoặc thu nhập thấp hơn người còn lại. Một chút tự do tài chính lành mạnh sẽ nuôi dưỡng sự tôn trọng và thoải mái trong hôn nhân, hơn là khiến cả hai phải luôn xin phép hoặc báo cáo cho nhau mọi khoản chi tiêu nhỏ.

4 - Trò chuyện để tìm ra giải pháp chứ không đổ lỗi

Những cuộc nói chuyện về tiền bạc rất dễ biến thành cuộc thảo luận xem ai đúng, ai sai, người này đổ lỗi cho người kia, hoặc cố gắng kiểm soát đối phương,... Nhưng nếu nghĩ sâu và nghĩ rộng hơn, việc phân định đúng - sai trong hoàn cảnh này chỉ khiến mâu thuẫn thêm dày, tình cảm vợ chồng càng dễ sứt mẻ.

Thế nên học cách nói với nhau về tiền mà không công kích, không đổ lỗi là một kỹ năng sống còn trong hôn nhân. Phải nhớ cuộc đối thoại về tiền không nên là một cuộc chiến, mà là quá trình cùng nhau tìm tiếng nói chung dù ban đầu có thể mỗi người một quan điểm, một suy nghĩ chẳng giống nhau.

Ngọc Linh

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn