Nhảy đến nội dung

Thời tiết cực đoan, người trồng sầu riêng Đắk Lắk 'mất ăn mất ngủ'

Mưa trái mùa kèm nắng nóng kéo dài khiến hàng ngàn héc ta sầu riêng tại Đắk Lắk hư hại nặng, nông dân mất ăn mất ngủ lo mất trắng ngay đầu vụ.

Cuối tháng 4, cao điểm chăm sóc sầu riêng đậu trái, nhưng thay vì bám vườn chờ thu hoạch, nhiều nông dân tại Krông Pắk, Cư M'gar… đang lặng người nhìn hoa rụng trắng gốc, trái non rụng hàng loạt.

Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến việc hoa rụng là do mưa sớm, nắng gắt đan xen khiến cây sốc nhiệt, kiệt sức. Nhiều vườn ra đến ba lứa hoa mà không đậu nổi một trái.

Tại xã Ea Kênh (Krông Pắk), ông Nguyễn Công Điềm đứng trước vườn sầu riêng hơn 1ha, không giấu được vẻ thất vọng. "Chưa bao giờ thấy thời tiết thất thường thế này. Mắt cua (giai đoạn đầu tiên của hoa sầu riêng - PV) vừa nhú đã hỏng, hoa ra không đều, gặp mưa là rụng sạch. Cây yếu, nấm bệnh tấn công, xử lý không kịp", ông Điềm xót xa.

Tình trạng tương tự xảy ra ở xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar), nơi nhiều vườn sầu riêng đang rụng trái non ồ ạt vì sốc nhiệt. Anh Phạm Văn Phúc cho hay gia đình đã dùng mọi biện pháp để che mát, tưới nước giữ ẩm nhưng không cứu được. "Vườn rụng gần một nửa trái non, xem như năm nay mất mùa", anh Phúc buồn bã.

Không chỉ mất trái, người trồng còn khốn đốn vì chi phí đội lên. Ông Hướng Viết Lợi (xã Ea Kênh, Krông Pắk) cho biết cây ra hoa 3 đợt, phải theo chăm từng đợt, mỗi lần tốn thêm cả triệu đồng tiền thuốc, phân bón, nhân công nhưng khả năng đậu quả gần như bằng không.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - phó chủ tịch Hội Nông dân TP Buôn Ma Thuột - bày tỏ: "Phải nghiên cứu lại điều kiện tiểu khí hậu Tây Nguyên để có giải pháp căn cơ. Không thể để nông dân tự xoay xở với thời tiết mãi được".

Trước tình hình thời tiết bất thường kéo dài, nhiều hợp tác xã tại huyện Krông Pắk kiến nghị cần được hỗ trợ công nghệ để ứng phó với khí hậu khắc nghiệt. Ông Trần Văn Thắng - chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk - cho rằng không thể trông mãi vào kinh nghiệm và thời tiết thuận lợi.

"Phải có hệ thống tưới thông minh, dự báo thời tiết và thiết bị phun thuốc hiện đại thì mới giữ được vườn", ông Thắng nêu giải pháp.

Ở góc độ chuyên môn, TS Phan Việt Hà - phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên - nhận định: "Cần tập trung xây dựng vườn cây khỏe từ gốc. Dinh dưỡng đúng, kiểm soát sâu bệnh chủ động sẽ giúp cây có sức chống chịu tốt hơn với biến động khí hậu".