Thỏa thuận đột phá của Mỹ và Ukraine

Mỹ và Ukraine cuối cùng cũng đi đến một thỏa thuận khai thác khoáng sản sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng.
Đạt thỏa thuận khoáng sản
Sáng qua (1.5, theo giờ VN), Mỹ và Ukraine ký kết thỏa thuận cho phép Washington tiếp cận nguồn khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên quan trọng của Kyiv. Hãng Reuters đưa tin theo thỏa thuận, hai nước sẽ thành lập "Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine". Washington và Kyiv sẽ quản lý quỹ trên cơ sở 50 - 50, tức sẽ có quyền biểu quyết ngang nhau.
Hai bên chỉ đưa ra những thông tin cơ bản về cấu trúc của thỏa thuận trên. Điều khoản được xem là có lợi cho Ukraine bao gồm nước này sẽ giữ toàn quyền kiểm soát với khoáng sản, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên, được quyết định sẽ khai thác khi nào và ở đâu. Ngoài ra, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói Kyiv cũng không phải trả bất kỳ khoản nợ nào cho hàng tỉ USD mà Mỹ đã viện trợ Ukraine trong hơn 3 năm xung đột Nga - Ukraine. Các khoản đóng góp cho quỹ sẽ không bị tính thuế ở cả Mỹ và Ukraine. Ông Shmyhal nhấn mạnh đây là một thỏa thuận tốt, bình đẳng và có lợi, nêu thêm lợi nhuận của quỹ sẽ được tái đầu tư độc quyền vào Ukraine.
Giới chức Mỹ không cung cấp nhiều chi tiết sau khi hai bên ký thỏa thuận khoáng sản. Phát biểu trên Đài NewsNation hôm 30.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng thỏa thuận trên sẽ giúp Mỹ thu về số tiền nhiều hơn 350 tỉ USD mà Washington đã viện trợ Ukraine, dù một số tổ chức đã thống kê cho rằng thực tế con số Mỹ tài trợ Ukraine thấp hơn nhiều. Ông Trump cũng nhấn mạnh Mỹ muốn thúc đẩy Nga và Ukraine sớm ký thỏa thuận hòa bình kéo dài, nhằm ngăn quân và dân hai bên tiếp tục đổ máu.
Trước đó, thỏa thuận tưởng chừng như tiếp tục bị gián đoạn, khi giới chức Mỹ nói rằng phía Ukraine đột ngột thay đổi điều khoản vào giờ chót. Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, đây có thể được xem là bước đột phá của Ukraine trong quan hệ với Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh thỏa thuận khoáng sản là một cách để Kyiv trả tiền cho Washington sau khi liên tục nhận viện trợ. Các mỏ tài nguyên tại Ukraine từ lâu đã lọt vào mắt xanh của những đối tác phương Tây. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết hiện Ukraine có 22 trong số 50 mỏ khoáng sản được xếp loại tài nguyên quan trọng.
Kyiv tạm "thở phào" ?
Giới quan sát đánh giá việc chốt được thỏa thuận khoáng sản giúp Ukraine tạo được một sợi dây liên kết với Mỹ, trong bối cảnh Kyiv cần tranh thủ sự ủng hộ của Washington trong cuộc đối đầu với Nga. Phát biểu sau khi ký thỏa thuận, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng đã thể hiện lập trường ủng hộ Kyiv. Ông Bessent nhấn mạnh: "Thỏa thuận này là thông điệp rõ ràng đến Nga rằng chính quyền Tổng thống Trump cam kết theo đuổi tiến trình hòa bình hướng đến một nước Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng lâu dài".
Tuy nhiên, thực tế thỏa thuận vẫn mang đến sự không chắc chắn cho Kyiv. Báo The New York Times dẫn các nguồn thạo tin với tiến trình thương thảo cho biết Mỹ không gán điều khoản hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong tương lai.
Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ) dẫn lời ông Ed Verona, thuộc Trung tâm Á - Âu của tổ chức này, nhận định các thỏa thuận khoáng sản thường mất rất nhiều thời gian để phát triển dự án và mang lại tác động rõ rệt. Ngoài ra, thỏa thuận trên vẫn cần quốc hội Ukraine phê duyệt. Theo ông Verona, dù Ukraine có một số điều khoản tốt hơn lần đàm phán đầu tiên, thỏa thuận vẫn có thể vấp phải sự phản đối từ giới lập pháp tại Kyiv.