Nhảy đến nội dung
 

Thiết kế nhà chống nắng nóng: 6 giải pháp giúp không gian luôn thoáng mát

Nắng nóng kéo dài khiến nhà ở ngột ngạt, khó chịu? Kiến trúc sư gợi ý 6 giải pháp thiết kế nhà chống nắng nóng, tăng thông thoáng cho ngôi nhà của bạn.

Tại sao phải "chống nóng" cho ngôi nhà

Lãnh thổ Việt Nam với hình dáng hẹp và kéo dài trên gần 15 độ vĩ tuyến, có đường bờ biển dài nên nền khí hậu chung là khí hậu nhiệt đới ẩm. Sự khác biệt rõ rệt trong điều kiện khí hậu vùng phía bắc mùa đông lạnh và ẩm, mùa hè nóng và ẩm; phía nam mùa hè nóng, có 6 tháng mưa.

Tuy nhiên với biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, nên thời tiết có phần biến chuyển mưa nắng thất thường, nhất là nền nhiệt vào mùa nóng tăng cao rõ rệt.

Từ dữ liệu thời tiết như vậy, để thiết kế kiến trúc, xây dựng và chủ đầu tư cần có những nhận thức rõ rệt để có những giải pháp thiết thực hơn cho ngôi nhà của mình.

Ngoài yếu tố tự nhiên tác động lên con người, và gây ra các cảm giác khác nhau. Cơ thể mỗi người cũng có khả năng cân bằng ở nhiệt độ trung bình từ 36 - 37,5oC. Và để giữ được sự cân bằng nhiệt lượng của cơ thể, lượng nhiệt tỏa ra trong các hoạt động sống cần phải được truyền vào môi trường xung quanh.

Chính vì vậy, lượng nhiệt cơ thể sản sinh ra và lượng nhiệt mất đi nếu không được cân bằng, thì trong cơ thể sẽ tích tụ nhiệt hoặc hao nhiệt dẫn đến việc cảm thấy nóng do tăng thân nhiệt hoặc lạnh do thân nhiệt giảm.

Với các điều kiện trên, thì các yếu tố vi khí hậu trong một ngôi nhà phải đảm bảo cho con người không cảm thấy lạnh hoặc quá nóng.

Do đó, việc chống nóng cho ngôi nhà được kiến trúc sư Đặng Cao Quốc Việt, Giám đốc công ty TNHH Tư vấn thiết kế kiến trúc và xây dựng UTA.A, ví như sự hài hòa của khí hậu trong nhà để tạo nên điều kiện sống lý tưởng trong mức cho phép cho con người.

Làm gì để ngôi nhà "biết thở"

Ông Quốc Việt cho biết, ngôi nhà "biết thở" là một trạng thái hòa hợp với bối cảnh tự nhiên nơi tạo ra một điều kiện vi khí hậu giúp con người có điều kiện sống tốt, còn "chống nóng" như là một giải pháp tạm thời khi mọi thứ đã được hoàn tất. Dĩ nhiên "biết thở" sẽ bao hàm cả "chống nóng" nếu chúng ta làm tốt ngay từ đầu.

Với bối cảnh khí hậu hiện nay, ngôi nhà "biết thở" cần mang những đặc điểm và giải quyết được các yếu tố như: thông gió tự nhiên (thông gió một chiều, thông gió chéo, thông gió đứng…) để đảm bảo thông thoáng và gia tăng trao đổi nhiệt, hạn chế độ ẩm; điều tiết được chiếu sáng tự nhiên, giúp nhà thoáng sáng cũng như hạn chế được độ ẩm; hạn chế bức xạ nhiệt và trung hòa không khí nóng; có thiết kế chắn nắng, che mưa, chống mưa tạt và gió bão, cũng như chống được gió lạnh vào mùa đông.

Với ngôi nhà có thông gió tự nhiên tốt, gió sẽ mang đi nhiệt lượng tỏa ra từ kết cấu cũng như không khí, giúp điều tiết nhiệt độ, cũng như gia tăng sự bốc hơi của mồ hôi trên cơ thể, từ đó giúp cho chúng ta thấy mát mẻ hơn.

Các thiết kế che nắng, chắn nắng, làm giảm đi nhiệt lượng truyền trực tiếp vào kết cấu, hạn chế được sự tỏa nhiệt vào không khí từ kết cấu do tích lũy nhiệt cũng như tạo ra nhiều bóng râm hơn trong nhà.

Giải pháp cho ngôi nhà của bạn

KTS Việt, ngoài việc trang bị những thông tin cần thiết giúp ích cho những ai có ý định xây nhà thì cũng đưa những giải pháp đơn giản, có thể áp dụng ngay cho căn nhà hiện tại của bạn.

Đầu tiên, với những ngôi nhà xây mới và phạm vi lớn, là nhà phố với một mặt tiền chiếm đa số so với các loại nhà khác sẽ mang nhiều yếu tố có lợi và dễ xử lý hơn.

Gia chủ nên tạo những khoảng trống có tính toán, xuyên suốt ngôi nhà (có thể là giữa nhà, cuối nhà, các khoảng trống phối hợp và có sự liên kết chặt chẽ với nhau). Thiết kế các vị trí cửa sổ và cửa đi hợp lý. Tạo ra chênh lệch áp suất, để từ đó thúc đẩy thông gió ngang hoặc thông gió chéo cho toàn ngôi nhà cũng như lấy sáng hợp lý.

Tiếp theo hãy gia tăng cây xanh cho ngôi nhà. Các nghiên cứu cho thấy rằng về mặt tổng thể nhiệt độ có cây xanh thấp hơn từ 6 - 8oC so với khu xây dựng, do tổng hợp các tác dụng bay hơi, phản xạ, che bóng và tích lũy mạnh. Chỉ cần tăng 25% diện tích lớp phủ thực vật, thì sẽ giảm được từ 17 - 57% năng lượng làm mát (phối hợp nhiều yếu tố thiết kế với điều kiện khác nhau, con số thường không tuyệt đối tuy nhiên hiệu quả là rõ rệt).

KTS Việt nói thêm, hệ cây xanh ở ban công và sân thượng sẽ giúp cản bớt nhiệt từ ánh nắng mặt trời, gia tăng hiệu quả che bóng. Từ đó, tạo thêm lớp bao che thứ 2 cho ngôi nhà. "Ví dụ như các hệ lam có thể đóng mở linh hoạt, hoặc lam cố định, các hệ cửa chớp, các loại gạch lấy gió có khả năng chống nắng và mưa tạt, các loại vật liệu bao che có tính đặc rỗng phối hợp… tùy vào thiết kế, bối cảnh mà phối hợp sao cho hài hòa hợp lý. Hiệu quả của việc sử dụng lớp bao che thứ 2 là giảm được nhiệt tác động trực tiếp vào nhà, mà vẫn lấy được ánh sáng, thông gió và tạo thêm hiệu quả về che bóng", ông phân tích.

Bên cạnh đó nếu phối hợp với hệ cây xanh để tạo ra hành lang che nắng thì hiệu quả càng cao. Thiết kế ô văng (là phần kết cấu nhô ra khỏi tường, thường nằm trên cửa sổ và cửa đi, thường thấy ở kiến trúc nhiệt đới) hợp lý, cần tính toán đến góc chiếu của mặt trời tại vị trí khu đất, để hạn chế nắng chiếu trực diện vào không gian sống.

Ưu tiên bố trí không gian sinh hoạt về phía có hướng gió tốt và hướng có ít ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, về kết cấu không nên dùng tường quá dày vì sẽ dễ gia tăng hiệu ứng tích nhiệt vào ban ngày và tỏa ra vào ban đêm. Về mái nên có cấu tạo 2 lớp sẽ mang lại hiệu quả cách nhiệt cao hơn.

Nếu gia chủ có một khoảng sân rộng, không nên đổ hết bê tông, mà hãy phối hợp lối đi, sân, cỏ và mặt nước, điều này cũng giảm hấp thu nhiệt đáng kể.

Với những ngôi nhà hiện trạng với hiệu quả chống nắng chưa tốt thì theo kiến trúc sư Việt gia chủ nên cải tạo lại để đảm bảo được môi trường sống tốt nhất.

Đó là trồng một vài loại cây tại ban công và sân thượng. Nếu việc hệ thống cấp và thoát nước không có sẵn gia chủ có thể trồng cây trong chậu, chọn một vài loại cây có lá lớn, dễ sống, chịu nắng.

Nếu không có nhiều kinh phí, cũng như không muốn ảnh hưởng đến mặt tiền ngôi nhà, gia chủ có thể sử dụng một số loại rèm chớp tại ban công. Khi ánh nắng quá gay gắt, sẽ thả xuống để hạn chế bớt nắng.

Ngoài ra nếu gia chủ có kinh phí, cũng có thể lắp thêm hệ lam di động cho phần mặt đứng của ngôi nhà. Nên mở các cửa phòng khi cần thiết để gia tăng hiệu quả thông gió, nên tạo thêm khoảng trống tại vị trí bao che cầu thang cao nhất, điều này cũng giúp cho ngôi nhà được thông thoáng hơn.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn