Thị trường xe điện hai bánh Trung Quốc phát triển ra sao - Báo VnExpress

Sống tại Bắc Kinh, ông Yi có xe hơi, 4 chiếc xe máy nhưng thích đi làm bằng xe điện hai bánh. "Tôi sống ngoài vành đai 4 và làm việc ở đại lộ Trường An. Mỗi sáng đi ôtô mất 1 tiếng, tàu điện ngầm mất 80 phút, nhưng xe máy điện chỉ mất 30 phút", ông nói với CGTN.
Không chỉ tại thủ đô Trung Quốc, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp xe điện chạy bon bon trên đường, đậu kín vỉa hè, dừng trước cổng chợ, nhà ga metro hay trung tâm thương mại tại hàng trăm đô thị khác. Từ đi làm hàng ngày, đưa con đi học cho đến các hoạt động thường nhật, chúng được người dùng dân trìu mến gọi là "chú lừa điện nhỏ", dán đầy các decal cá nhân hóa để chủ xe dễ nhận ra.
Tại Thượng Hải, số lượng xe máy điện đã đạt 10 triệu chiếc vào 2023, tức cứ 2,5 người dân thì có 1 người sở hữu. Phần lớn các xe này có hình dáng giống Vespa, được thiết kế để không vượt quá 25 km/h và khi sạc đầy có thể đi được 40–60 km.
Joseph Constanty, Giám đốc cấp cao về chiến lược toàn cầu và tăng trưởng của NIU - thương hiệu xe điện hai bánh Trung Quốc niêm yết trên sàn Nasdaq ước tính mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 45 triệu chiếc xe hai bánh điện. Trên cả nước, đến cuối 2023, có khoảng 400 triệu xe điện hai bánh (chủ yếu là xe máy điện) đang lưu thông, theo Xinhua, so với 20,4 triệu ôtô điện.
Xe điện hai bánh bắt đầu xuất hiện trên đường phố Trung Quốc cách đây khoảng 20 năm và hiện phổ biến khắp nơi nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố, từ chính sách giảm phát thải giao thông đến nguồn cung dồi dào, trợ giá mua sắm.
Về chính sách, xe máy chạy xăng bị cấm hoặc hạn chế mạnh tại nhiều khu vực của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 21, với lý do an toàn giao thông. Cùng thời điểm, nhiều thành phố lớn cũng cấm hàng chục triệu xe máy xăng để giảm ô nhiễm không khí.
Từ đó, doanh số xe điện hai bánh bùng nổ, với hơn 32 triệu xe bán ra mỗi năm trong suốt thập niên 2010, theo báo cáo của Deloitte. Tăng trưởng càng tăng tốc từ năm 2019 sau khi chính phủ sửa đổi tiêu chuẩn an toàn và cấp trợ giá.
Hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence ước tính quy mô thị trường xe hai bánh chạy điện Trung Quốc hơn 11 tỷ USD năm nay và dự kiến đạt 12,39 tỷ USD vào năm 2029. "Cam kết của chính phủ đối với giao thông bền vững đã tạo ra các chính sách toàn diện nhằm thúc đẩy công nghệ xanh và giải pháp di chuyển thông minh", báo cáo của công ty nhận định.
Từ phía nguồn cung, ngành công nghiệp xe điện có một số điểm tương đồng với ngành ôtô điện, bao gồm năng lực sản xuất lớn, nhiều đổi mới sáng tạo nhưng cũng cạnh tranh khốc liệt về giá, vì có nhiều doanh nghiệp tham gia, ước cung cấp ra thị trường hàng trăm thương hiệu khác nhau.
Năm ngoái, nhà sản xuất xe điện hai bánh lớn nhất thế giới Yadea báo cáo doanh thu đạt 28,24 tỷ nhân dân tệ (3,91 tỷ USD). Là "anh hai" trong ngành, Emma Technology kiếm được 21,6 tỷ nhân dân tệ (hơn 3 tỷ USD). Các thương hiệu trẻ hơn và sáng tạo cũng ăn nên làm ra và tăng trưởng nhanh.
Ví dụ, doanh thu Nine Company đạt 14,196 tỷ nhân dân tệ (gần 2 tỷ USD) vào 2024, tăng 38,87% so với 2023, lợi nhuận sau thuế tăng gần 160%, hơn 1 tỷ nhân dân tệ (gần 150 triệu USD). Đóng góp một nửa doanh thu của hãng này là sản phẩm xe điện thông minh.
Hay Mavric Electric - thương hiệu được định vị ở phân khúc cao cấp và thông minh, mệnh danh là "Tesla hai bánh" hay "Hermès ngành xe điện" ghi nhận doanh thu 3,288 tỷ nhân dân tệ (hơn 460 triệu USD), tăng 24% so với 2023.
Sự phát triển của công nghệ pin là yếu tố then chốt định hình thị trường. Các nhà sản xuất đang đầu tư mạnh vào R&D để nâng cao hiệu suất và giảm chi phí pin, với pin giảm 5,75% trong năm 2022 so với 2021. Thị trường đang chuyển dịch nhanh sang pin lithium-ion, với nhu cầu nội địa dự kiến đạt 740 GWh vào 2030. Cùng với đó là những đổi mới trong cơ sở hạ tầng sạc và hệ thống quản lý pin, giúp tăng phạm vi di chuyển và giảm thời gian nạp điện.
Không chỉ được khuyến khích và tính thuận tiện, giá cả của xe điện hai bánh dễ tiếp cận với số đông, khiến nó trở thành phương thức di chuyển phổ biến thứ ba tại Trung Quốc, theo một khảo sát năm 2022 của Meiqi. Theo Mordor Intelligence, một chiếc xe điện hai bánh có giá chỉ từ 1.500–3.000 nhân dân tệ (khoảng 180–360 USD), bằng một phần rất nhỏ so với chi phí sở hữu ôtô.
Tại cửa hàng ở phía bắc Thượng Hải, một mẫu xe đạp điện màu kẹo của thương hiệu Aima bá với giá 2.399 nhân dân tệ (336 USD), bằng khoảng 20% thu nhập trung bình hàng tháng của người dân thành phố. "Hầu hết mẫu xe chúng tôi có đều dưới 4.000 nhân dân tệ (560 USD)", chủ cửa hàng nói với nền tảng tin tức Semafor (Mỹ) vào tháng 8/2024.
Xe điện hai bánh còn được trợ giá theo chương trình đổi xe cũ lấy xe mới của chính phủ triển khai từ tháng 9/2024. Trong năm ngoái, 1,38 triệu xe được đổi, với kinh phí trợ cấp trên 600 triệu nhân dân tệ (83,67 triệu USD), tương đương mỗi xe được hỗ trợ hơn 430 nhân dân tệ (hơn 60 USD).
Trong quá trình này, xe cũ sẽ được thu gom theo giá phế liệu địa phương và tháo dỡ. Mục tiêu của chính sách là loại bỏ các xe cũ lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, chương trình còn giúp thúc đẩy doanh số bán hàng toàn thị trường khoảng 3,74 tỷ nhân dân tệ (hơn 520 triệu USD).
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, từ đầu năm 2025, nước này phân bổ tiếp một tỷ nhân dân tệ (140 triệu USD) tiền trợ cấp cho chương trình. Tính đến giữa tháng 3, đã có hơn 1,66 triệu xe mới được bán ra theo chương trình này, tạo ra doanh thu 4,51 tỷ nhân dân tệ (630 triệu USD) cho khoảng 47.000 cửa hàng bán lẻ.
Do hiệu suất an toàn cao hơn và phù hợp nhiều mục đích sử dụng hơn, Trung Quốc sẽ tăng trợ cấp cho người tiêu dùng đổi xe dùng pin lithium cũ sang xe sử dụng pin axít chì, theo thông báo của Bộ.
Phiên An (tổng hợp)