Nhảy đến nội dung
 

Thị trường trái phiếu sẽ cởi mở nhưng không còn dễ dãi?

Từ tháng 7-2025, công ty chưa đại chúng muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ phải tuân thủ quy định mới là tổng nợ phải trả, bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành, không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này thể hiện bước đi cởi mở nhưng thận trọng, góp phần giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hiệu quả hơn, đồng thời tăng tính minh bạch và quản lý rủi ro tốt hơn cho nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển bền vững.

Khơi thông dòng vốn

Bà Nguyễn Ngọc Anh - tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) - cho biết quy định mới nhằm tăng cường sàng lọc vấn đề năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành, từ đó giảm thiểu rủi ro vỡ nợ của trái phiếu doanh nghiệp. 

Theo bà Ngọc Anh, tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thông thường sẽ khoảng 3 lần, tùy từng ngành nghề và đặc thù doanh nghiệp. Do đó, việc cho phép tối đa 5 lần, bao gồm cả trái phiếu dự kiến phát hành, sẽ không siết chặt thị trường như một số lo ngại.

Theo bà Ngọc Anh, điểm tích cực của quy định là đã loại trừ các ngành có nhu cầu vốn lớn và đặc thù như bất động sản và các công ty đại chúng vốn đã và đang chịu sự giám sát minh bạch. 

Ngoài ra, quy định mới cũng không áp dụng với tổ chức phát hành là doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Dữ liệu của Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) về toàn bộ các công ty không đại chúng ở Việt Nam trong 3 năm gần đây cho thấy có khoảng 25% các công ty có tỉ lệ nợ phải trả vượt quá 5 lần hoặc là vốn chủ sở hữu âm.

Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, giám đốc - chuyên gia phân tích cao cấp của VIS Rating - cho biết quy định mới về giới hạn tỉ lệ đòn bẩy tài chính áp dụng đối với các công ty không đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ. 

Tuy tỉ lệ đòn bẩy cao là một rủi ro tín dụng quan trọng đối với các tổ chức phát hành có xếp hạng tín nhiệm thấp, hãng đánh giá trong 182 doanh nghiệp đã chậm trả trái phiếu nguyên nhân chính dẫn đến chậm trả trái phiếu không phải là đòn bẩy cao, mà là dòng tiền yếu và quản lý thanh khoản yếu kém.

"Đáng lưu ý chưa đến 25% trong số chậm trả nêu trên có tỉ lệ đòn bẩy vượt quá 5 lần hoặc vốn chủ sở hữu âm, trong khi tỉ lệ trung bình của 3/4 còn lại chỉ là 2,8 lần, bằng xấp xỉ mức bình quân của các tổ chức phát hành khác không bị chậm trả trái phiếu", chuyên gia của VIS Rating phân tích.

Điều này cho thấy đánh giá rủi ro tín dụng của một doanh nghiệp không chỉ dựa vào một chỉ số tài chính đơn lẻ như tỉ lệ đòn bẩy, mà còn phải chú trọng đến các yếu tố vận hành và quản lý tài chính như dòng tiền và thanh khoản.

"Chìa khóa" bảo vệ nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, vấn đề hiện nay của thị trường là tập trung vào việc minh bạch thông tin. Cụ thể, với các trái phiếu do doanh nghiệp có tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao, có thể yêu cầu bản cáo bạch cần ghi rõ đây là "trái phiếu rủi ro cao", kèm theo xếp hạng tín nhiệm bắt buộc từ các tổ chức uy tín để nhà đầu tư có thể đánh giá đầy đủ.

Việc phân loại nhà đầu tư cũng quan trọng. Theo đó, quy định hiện đã yêu cầu trái phiếu riêng lẻ chỉ phát hành cho "nhà đầu tư chuyên nghiệp", giúp bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, vốn ít thông tin hơn, khỏi các sản phẩm tài chính phức tạp, nhiều rủi ro. 

Tuy nhiên, theo CEO của SSIAM, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để đổi lấy lợi suất hấp dẫn, tiếp cận các sản phẩm này một khi họ đã hiểu rõ bản chất rủi ro.

Chuyên gia Nguyễn Đình Duy cho rằng phần lớn nhà đầu tư xem xét nhiều thứ hơn là đơn thuần nhìn vào đòn bẩy tài chính khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Nhà đầu tư phải đánh giá không chỉ rủi ro tín dụng ở cấp tổ chức phát hành mà còn cả các rủi ro cụ thể trong từng công cụ nợ. Những yếu tố này bao gồm thứ tự ưu tiên thanh toán, chất lượng tài sản bảo đảm và các cam kết pháp lý.

Cũng theo chuyên gia này, khác với xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp thường phản ánh tổng thể năng lực tín dụng, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu phản ánh các điều khoản cụ thể của từng trái phiếu, cung cấp đánh giá chính xác hơn về rủi ro tín dụng. Đánh giá chi tiết như vậy giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt hơn, phù hợp với mức độ rủi ro của từng trái phiếu.

Ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch FiinGroup, cho rằng dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam vào khoảng 136% tính đến cuối năm 2024. Đây là mức rất cao so với các nước trong khu vực, đồng thời thể hiện sự lệ thuộc quá lớn, tạo ra những thách thức và rủi ro cho hệ thống tài chính.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục cải cách thị trường vốn. Theo ông Thuân, trước hết cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để các doanh nghiệp quy mô lớn có thể đa dạng hóa nguồn vốn và có điều kiện kéo dài kỳ hạn nợ do các ngân hàng thương mại khó có điều kiện đáp ứng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn