Thị trường đua 'xả hàng': Nhiều ô tô hút khách cũng phải giảm giá

Không riêng nhóm xe kén khách, những mẫu ô tô có doanh số dẫn đầu thị trường cũng đang được các hãng và đại lý giảm giá "tất tay" để kích cầu, khi áp lực "xả hàng" tồn kho ngày càng lớn.
Thị trường ô tô Việt Nam đã bước sang tháng 5, tức đã đi hết hơn 1/3 chặng đường của năm 2025. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, bức tranh tổng thể nhìn chung vẫn chưa có nhiều mảng sáng, khi sức mua dù hồi phục nhưng vẫn không đáng kể.
Thống kê về sản lượng xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu với doanh số ô tô mới tiêu thụ cho thấy, thực tế lượng ô tô tồn kho đang rất cao. Đây là nguyên nhân chính khiến các hãng và hệ thống đại lý phân phối vẫn phải "cắn răng" triển khai, thậm chí liên tục duy trì nhiều chương trình khuyến mãi đến tận thời điểm hiện tại.
Xe 'hot' cũng giảm giá
"Sức nóng" của cuộc đua giảm giá trên thị trường ô tô Việt Nam thể hiện rõ nhất ở quy mô, khi hầu hết thương hiệu đều góp mặt. Thậm chí, từ đầu tháng 5.2025, ngay cả những mẫu xe có doanh số dẫn đầu cũng đồng loạt được đại lý áp dụng các chính sách kích cầu.
Ở phân khúc sedan hạng B, Toyota Vios và Hyundai Accent đang là hai mẫu xe dẫn đầu với lượng xe bán ra áp đảo các đối thủ. Tuy nhiên nhiều tháng qua, bộ đôi này vẫn được phía hãng chủ động giảm giá để duy trì sức cạnh tranh. Theo đó, Toyota Vios đều đặn áp dụng chương trình ưu đãi hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, mức quy đổi tương đương từ 23 - 27 triệu đồng cho khách hàng mua các phiên bản Toyota Vios G, Vios E CVT và Vios MT. Hyundai Accent thậm chí còn "tất tay" hơn khi được đơn vị phân phối áp dụng chính sách hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho cả 4 phiên bản. Với mức giá niêm yết 439 - 569 triệu đồng, khách mua Accent sẽ được giảm 43,9 - 56,9 triệu đồng.
Ở phân khúc xe gia đình 7 chỗ, Mitsubishi Xpander - mẫu xe bán chạy nhất của Mitsubishi lẫn toàn thị trường cũng được hãng triển khai ưu đãi 50% lệ phí trước bạ. Quy đổi theo giá bán niêm yết (560 - 698 triệu đồng), khách mua Xpander hiện tại có thể tiết kiệm khoảng 28 - 35 triệu đồng.
Tương tự là trường hợp của Mazda CX-5. Trước sức ép cạnh tranh cùng áp lực hàng tồn cao, nhiều tháng qua, mẫu ô tô "quốc dân" này cũng được các đại lý phân phối giảm giá khá mạnh, lên đến vài chục triệu đồng. Thời điểm hiện tại, giá bán khởi điểm thực tế của Mazda CX-5 chỉ loanh quanh ở mức 700 triệu đồng, thấp kỷ lục kể từ khi mẫu xe này xuất hiện tại Việt Nam.
Ở nhóm SUV đô thị, Mitsubishi Xforce và Toyota Yaris Cross cũng đang đua giá "sát ván", dù doanh số cả hai mẫu xe đang rất tích cực. Cụ thể, trong tháng 5, bộ đôi này đều được phía hãng áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho khách mua. Với Xforce, mức giảm tương đương 32 - 35 triệu đồng, còn Toyota Yaris Cross giảm 33 - 38 triệu đồng
Nhóm xe bán tải cũng chứng kiến tình trạng tương tự, khi Ford Ranger - mẫu xe nắm đến gần 80% thị phần phân khúc cũng gia nhập cuộc đua giảm giá. Hiện tại, khách mua phiên bản Ranger Wildtrak được đại lý hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ (tương đương khoảng 59 triệu đồng), bản Ranger Sport được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ (tương đương 26 triệu đồng). Riêng biến thể Ranger Raptor, đại lý giảm tiền mặt trị giá 10 triệu đồng hoặc tặng 1 năm bảo hiểm vật chất.
Chưa biết đâu là "đáy"
Dù các hãng xe và hệ thống đại lý đã liên tục "hy sinh" bớt lợi nhuận, thậm chí chịu lỗ để mạnh tay áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi từ đầu năm 2025 đến nay; tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn giữ quan điểm mở khi cho rằng, giá ô tô có thể vẫn chưa tìm thấy "đáy".
Lý do là bởi, đa số hãng vẫn chưa thể giải quyết triệt để "bài toán" hàng tồn kho. Trước đó, các số liệu thống kê cho thấy, thị trường ô tô trong nước bước vào năm 2025 với tình trạng thừa cung rất cao, lên đến hơn 110.000 xe. Trong khi, lượng tiêu thụ ô tô của toàn thị trường 4 tháng đầu năm (tính gộp cả xe sản xuất năm 2025 và xe tồn có số VIN 2023, 2024) cũng chỉ loanh quanh ngưỡng 150.000 xe.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Tấn Công - nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trước đó đã dự báo, hiện tượng "domino giảm giá" trên thị trường ô tô Việt Nam là diễn biến tất yếu và đã được dự báo trước. Theo chuyên gia này, những tác động từ suy thoái kinh tế những năm qua đang dần "bào mòn" sức mua của người dùng. Đồng thời gián tiếp đẩy các hãng và đại lý kinh doanh ô tô vào thế "việt vị" trong khâu dự báo và lên kế hoạch bán hàng, dẫn đến tồn kho cao. Trong khi, xe có số VIN cũ (sản xuất năm 2024) nếu càng lưu kho lâu sẽ càng khó bán.
Giám đốc bán hàng tại Việt Nam của một hãng xe xe Trung Quốc cũng thừa nhận, với tình trạng sức mua vẫn khá "yếu" như hiện tại, việc dự báo giá xe giai đoạn này thực sự rất khó. Nhưng vị này khẳng định, trước mắt các hãng xe và đại lý chỉ có thể tiếp tục áp dụng các giải pháp khuyến mãi sâu để kích cầu.
Đó là chưa kể, một số chuyên gia còn lo ngại, cuộc đua giảm giá kéo dài nhiều tháng qua đang hình thành tâm lý chờ đợi "bắt đáy" của nhiều khách hàng. Nếu điều này là sự thật, các hãng xe và đại lý ô tô có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới. Bởi khi đó, có thể giá xe sẽ lại giảm mạnh.