Thi tốt nghiệp THPT 2025 tác động đến việc chọn môn học lớp 10

Thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 đang trong thời gian đăng ký 4 môn học tự chọn. Đáng chú ý, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vừa qua, các giáo viên cho hay việc lựa chọn cần có chiến lược ở cả học sinh lẫn phụ huynh để phù hợp với chương trình mới.
Ghi nhận tại TP.HCM, từ 3 năm nay, ngay từ khi Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 triển khai ở bậc THPT cho thấy việc tổ chức cho học sinh (HS) đăng ký các môn tự chọn được thực hiện theo 2 hình thức: Nhà trường xây dựng sẵn tổ hợp để HS chọn hoặc HS chủ động chọn môn học cho mình. Theo các giáo viên (GV) có kinh nghiệm, việc chọn tổ hợp môn học lớp 10 là bước khởi đầu quan trọng cho hành trình 3 năm THPT và cả nghề nghiệp sau này. Đây là thời điểm đòi hỏi phải có chiến lược từ cả HS lẫn phụ huynh.
TỐI ĐA HÓA CƠ HỘI XÉT TUYỂN ĐH
Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann, P.Bến Thành (Q.1 cũ), TP.HCM, nói rằng thực tế cho thấy nếu để HS tự do chọn 4 môn học lựa chọn mà không có định hướng rõ ràng sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng chọn không hợp lý, thiếu liên kết với mục tiêu học tập và ngành nghề các em muốn theo đuổi. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc học mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xét tuyển ĐH về sau.
Chính vì vậy, việc xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn cho HS lớp 10 cần dựa trên nguyên tắc khoa học, có định hướng nghề nghiệp và phù hợp với các phương thức xét tuyển vào ĐH hiện nay. Song song đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS ngay từ đầu năm lớp 10. "Việc lựa chọn môn học nên đi từ ngành học, trường đại học, tổ hợp xét tuyển đến môn học phù hợp chứ không nên chọn một cách cảm tính hay theo bạn bè", ông Khương nhấn mạnh.
Theo đó, Trường THPT Ernst Thälmann xây dựng 7 tổ hợp môn học lựa chọn, trong đó mỗi tổ hợp gồm từ 2 - 3 môn học, được thiết kế theo các định hướng nghề nghiệp cụ thể. Chẳng hạn, nhóm tổ hợp thiên về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kết hợp giữa tự nhiên và xã hội hoặc tự nhiên với tin học để phục vụ các ngành học kỹ thuật - công nghệ. Các môn học lựa chọn còn lại sẽ được nhà trường bố trí dựa trên điều kiện thực tế đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, phòng học và sĩ số HS đăng ký.
Ví dụ, nếu một HS chọn tổ hợp tự nhiên (vật lý, hóa học) thì kết hợp với các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ sẽ tạo ra rất nhiều tổ hợp xét tuyển như: Toán, vật lý, hóa học (A00); Toán, vật lý, tiếng Anh (A01); Toán, hóa học, tiếng Anh (D07); Toán, ngữ văn, tiếng Anh (D01)…
ĐỪNG TỰ GIỚI HẠN VÀ TỔ HỢP QUÁ HẸP
Còn ở Trường THPT Nguyễn Tất Thành, P.Bình Phú (Q.6 cũ), TP.HCM, ông Trần Quang Vũ, Hiệu phó nhà trường, cho hay phụ huynh và HS được tư vấn, hướng dẫn chủ động lựa chọn 4 môn học mình yêu thích, có điều kiện để thể hiện hết năng lực, đam mê, phù hợp với định hướng nghề nghiệp, xét tuyển vào ĐH.
Ông Vũ cho biết, với cách tổ chức này, mỗi HS sẽ học theo 2 thời khóa biểu: Lớp cố định với các môn bắt buộc và lớp linh động cho môn học lựa chọn. Mô hình thực sự tạo điều kiện cho HS phát triển tối đa năng lực cá nhân.
Hiệu trưởng các trường THPT nhìn nhận, sự kết hợp như vậy không những giúp HS học tập có định hướng mà còn tối ưu hóa cơ hội xét tuyển ĐH, giảm thiểu rủi ro phải chuyển đổi môn học giữa chừng, vốn không thuận lợi cho việc tích lũy kiến thức và đăng ký thi tốt nghiệp sau này. Với định hướng và tổ chức phù hợp, HS sẽ được trang bị tốt hơn cả về kiến thức lẫn định hướng nghề nghiệp, từ đó phát huy năng lực cá nhân một cách hiệu quả và bền vững.
Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 lần đầu tiên áp dụng Chương trình GDPT 2018, thầy Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền, P.Bình Thới (Q.11 cũ), TP.HCM, khuyên HS đừng tự giới hạn mình trong một tổ hợp quá hẹp bởi không ít trường hợp HS "đặt cược" toàn bộ vào khối B00 (toán, hóa, sinh), không học vật lý. Kết quả làm bài môn sinh học không như kỳ vọng, không có phương án dự phòng khả thi, cơ hội vào ĐH bị thu hẹp nghiêm trọng. Trong khi có những HS chọn tổ hợp bao gồm cả vật lý và hóa học, giúp các em có thể linh hoạt xét tuyển cả khối A00 (toán, lý, hóa) lẫn B00 (toán, hóa, sinh), tạo cho mình cơ hội xét tuyển ĐH rộng hơn.
Từ đó, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền nhấn mạnh: Việc chọn tổ hợp khi vào học lớp 10 là bước đặt nền móng cho chiến lược thi và xét tuyển ĐH của HS lớp 12. Nó đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, có "lộ trình dự phòng", tuyệt đối tránh tư duy "được ăn cả, ngã về không". Hơn nữa, đừng quên bài thi đánh giá năng lực, một tổ hợp đa dạng các môn học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngôn ngữ) không chỉ giúp các em có nền tảng kiến thức toàn diện mà còn là lợi thế vượt trội khi ôn luyện và chinh phục bài thi tổ hợp này - một phương thức xét tuyển ĐH ngày càng phổ biến và quan trọng.
NGUYÊN TẮC CHIẾN LƯỢC KHI CHỌN MÔN HỌC
Thầy Phạm Lê Thanh chỉ ra 2 nguyên tắc trong chiến lược chọn tổ hợp môn tự chọn.
Trước hết cần đảm bảo nguyên tắc an toàn chiến lược với đa dạng hóa cơ hội xét tuyển. Mục tiêu tránh tình huống "không có đường lùi" khi một môn không đạt kết quả như mong muốn dẫn đến mất hết cơ hội. Ưu tiên các tổ hợp "mở" nhiều lối đi, ứng với nhiều khối thi truyền thống và thuận lợi cho xét tuyển, giảm thiểu rủi ro, tối đa hóa sự linh hoạt khi đăng ký nguyện vọng.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh chỉ ra các tổ hợp truyền thống và linh hoạt nhất hiện nay bao gồm: A00 có cơ hội vào ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc; A01 từ công nghệ đến kinh tế, tài chính…; D00 lựa chọn tối ưu cho kinh tế, ngoại ngữ, truyền thông, luật…; D07 khoa học tự nhiên và kinh tế - xã hội…; B00 y dược, môi trường, công nghệ sinh học...
Còn thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành (Q.1 cũ), TP.HCM, chia sẻ, HS hãy ưu tiên những môn học là thế mạnh và yêu thích, tránh chọn theo trào lưu hoặc vì bạn bè, bởi mỗi em có một hành trình riêng biệt.
Đặc biệt, thầy Phú đề cao vai trò đồng hành của phụ huynh học sinh trong giai đoạn này. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, chọn tổ hợp không chỉ là chọn môn thi, mà đó là bước đầu tiên để chọn một hành trình phù hợp, một cánh cửa dẫn tới tương lai. Phụ huynh hãy tin tưởng con mình, lắng nghe điều con muốn và cùng con lựa chọn trong yêu thương, định hướng với sự tỉnh táo.