Thí sinh lại cãi nhau chuyện xét tuyển vì đề Tiếng Anh khó

![]() |
Thí sinh tranh luận chuyện xét tuyển giữa các tổ hợp môn. Ảnh: Phương Lâm. |
“Những năm về trước A00 thấp điểm hơn, bất lợi hơn, khó hơn D01 và A01 mà vẫn phải xét chung thì năm nay điểm có lệch đừng đòi xét riêng cách vô lý vậy nhé. Tiêu chuẩn kép rồi đó”.
Đây là một bài viết được đăng tải trong một hội nhóm dành cho học sinh, sinh viên, thu hút hơn 3.000 lượt thích và hơn 2.000 bình luận chỉ sau vài ngày. Trong phần bình luận, nhiều người tranh cãi về việc có nên tách riêng từng tổ hợp để xét tuyển hay không.
Những người ủng hộ cho rằng điều này nên làm, bởi môn Toán và Tiếng Anh khó hơn các môn thi khác. Trong khi đó, những người phản đối lập luận điều này không nên vì sẽ gây bất công cho thí sinh các năm trước.
Hoang mang chuyện xét tuyển
Trần Hưng (học sinh tại TP.HCM) thuộc nhóm ủng hộ phương án xét riêng từng tổ hợp khi xét chung một ngành. Năm nay, Hưng thi tự chọn môn Tiếng Anh và Hóa, dự định dùng tổ hợp D01 và D07 để xét tuyển vào đại học. Mục tiêu ban đầu đạt 9 điểm Tiếng Anh, song hiện tại, so với đáp án gợi ý, nam sinh chỉ hy vọng được trên 7 điểm bởi đề Tiếng Anh năm nay “khó hơn nhiều so với em tưởng tượng”.
Trong khi đó, môn Vật lý hay Hóa học lại được các học sinh đánh giá “dễ thở” hơn. Vì vậy, Hưng cho rằng các tổ hợp có môn này sẽ có điểm cao hơn. Còn tổ hợp có Tiếng Anh và Toán có thể thấp hơn tới 1-2 điểm hoặc hơn, gây bất lợi khi xét chung không phân biệt tổ hợp.
“Độ khó đề thi không đồng đều, chênh lệch rất lớn, nên dù thi xong một tuần rồi, em vẫn trằn trọc mãi, không biết các trường có phân chia lại tổ hợp cho phù hợp không”, Hưng nói.
![]() |
Chủ đề tranh luận chuyện xét tuyển thu hút hơn 2.000 bình luận. |
Trong khi đó, không tham gia tranh luận nhưng Lê Ngân, học sinh tại TP.HCM, đã đọc gần hết bình luận trong các bài đăng. Nữ sinh cảm thấy phiền não vì sau khi thi xong, thí sinh không được nghỉ ngơi mà lại bị cuốn vào những nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng đến tâm trạng, thậm chí tác động đến quyết định lựa chọn ngành học.
Dự định đăng ký vào ngành học yêu thích bằng tổ hợp D01 và A01, Ngân khá buồn vì đề thi môn Tiếng Anh năm nay khó, có thể ảnh hưởng đến điểm thi và cơ hội xét tuyển vào đại học.
Dù vậy, nữ sinh vẫn cho rằng việc tách riêng từng khối để xét tuyển là điều không khả thi vì có thể gây rối cho thí sinh và cả các trường đại học. Các năm trước, xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng các khối truyền thống, nhưng năm nay mở rộng nhiều tổ hợp mới, lạ hơn. Việc tách riêng có thể gây phiền phức và nhiễu loạn thông tin.
Thay vì tách riêng từng tổ hợp để áp dụng mức điểm chuẩn riêng, Lê Ngân cho rằng điều cần được quan tâm hơn ở thời điểm hiện tại chính là cách quy đổi điểm xét tuyển. Dù Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn quy đổi, nữ sinh vẫn mông lung vì nhiều chỗ vẫn còn khá khó hiểu. Điều này khiến em lo lắng bản thân sẽ không thể tối ưu hóa điểm thi để nâng cao cơ hội trúng tuyển đại học.
Trước đó, trao đổi với Tri Thức - Znews, nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh cũng dự đoán điểm chuẩn tổ hợp D01 sẽ giảm mạnh.
Các năm trước, nhiều trường đại học chọn dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành, nhưng lại áp dụng một mức điểm chuẩn chung cho tất cả tổ hợp. Theo trưởng phòng Tuyển sinh một trường đại học ở TP.HCM, mọi năm, phổ điểm giữa các tổ hợp không chênh lệch quá nhiều nên việc xét chung không phân biệt tổ hợp vẫn khả thi.
Nhưng nếu trong trường hợp đề thi các môn có sự chênh lệch, phổ điểm giữa các tổ hợp sẽ có biến động lớn. Việc không có sự điều chỉnh sẽ gây thiệt thòi cho các tổ hợp có phổ điểm thấp hơn.
Song vị này nhấn mạnh thời điểm hiện tại, việc nhận xét đề thi, dự báo điểm vẫn chỉ là đánh giá ban đầu. Các trường vẫn phải chờ phổ điểm chính thức rồi mới xem xét điều chỉnh.
Vẫn còn phương án để tối ưu cơ hội vào đại học
Hiểu rõ tâm lý lo lắng của thí sinh, TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của Đại học Gia Định, nhận định điều này là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, ông trấn an thí sinh vì vẫn có nhiều phương án để tối ưu cơ hội vào đại học.
Theo TS Toàn, môn Toán và Tiếng Anh từ lâu đã là những môn quan trọng, thường nằm trong các tổ hợp xét tuyển phổ biến nhất như A01, D01. Năm 2025, đề tiếng Anh được đánh giá có độ phân hóa rõ nét, còn đề Toán dù không quá khác biệt so với năm trước, vẫn có những câu hỏi mang tính phân loại cao. Đây là lý do khiến nhiều thí sinh lo ngại điểm thi sẽ thấp, ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển, đặc biệt là với các ngành ngôn ngữ hoặc kinh tế.
“Độ khó của đề thi năm nay chắc chắn sẽ tác động đến kết quả xét tuyển đại học, nhất là những bạn dùng các tổ hợp truyền thống có Toán và Tiếng Anh. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện tại không phải là lo lắng, mà là lựa chọn giải pháp phù hợp”, TS Toàn nói.
![]() |
Chuyên gia tuyển sinh khuyên các thí sinh nên có chiến thuật thông minh để nâng cao cơ hội trúng tuyển. Ảnh: Phương Lâm. |
Trước đề xuất từ một số thí sinh, cho rằng nên tách riêng từng khối để xét tuyển, TS Mai Đức Toàn nhìn nhận đây chỉ là ý kiến của một nhóm nhỏ và không khả thi ở thời điểm hiện tại.
Bởi việc quyết định ngưỡng trúng tuyển còn phụ thuộc đề án tuyển sinh của trường cũng như quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Hơn nữa, độ khó của đề thi mỗi năm một khác, TS Toàn giả sử nếu năm nay áp dụng việc tách riêng từng khối với lý do đề Toán và Tiếng Anh khó, nhưng năm sau đề hai môn này lại có sự thay đổi, việc tách riêng sẽ không còn phù hợp nữa.
“Phổ điểm mỗi năm mỗi khác nên không thể áp dụng một chính sách cứng nhắc. Thay vào đó, việc mở rộng các tổ hợp xét tuyển như hiện nay là hướng đi linh hoạt hơn. Năm nay, các trường không còn bị giới hạn tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, điều này tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn tổ hợp có điểm cao nhất để xét tuyển”, ông Toàn cho biết.
Do đó, để tăng khả năng trúng tuyển, chuyên gia tuyển sinh khuyến nghị thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn 3 năm gần nhất của các ngành, các trường đang có nguyện vọng đăng ký. Từ đó, các bạn đối chiếu với mức điểm dự kiến của bản thân để chọn tổ hợp và ngành có độ lệch điểm phù hợp. Độ lệch điểm không nên quá thấp, nhưng cũng không nên chọn những ngành có điểm chuẩn quá cao, gây rủi ro.
“Cách an toàn là chọn ngành có điểm chuẩn cao hơn điểm dự kiến khoảng 1,5-2 điểm. Ngoài ra, thí sinh nên xét tuyển bằng nhiều phương thức cùng lúc như xét điểm thi THPT, học bạ, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực… Một ngành có thể xét bằng ba phương thức để tối ưu cơ hội trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1”, TS Toàn tư vấn.
Lưu ý thêm với thí sinh, vị trưởng phòng Tuyển sinh một trường đại học ở TP.HCM nhấn mạnh trong quy trình xét tuyển đại học năm 2025, thí sinh không cần phải đăng ký cụ thể tổ hợp môn nào khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của bộ.
Các trường đại học sẽ tự động truy cập vào dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh và đối chiếu với các tổ hợp môn mà trường sử dụng để xét tuyển. Hệ thống xét tuyển của các trường sẽ tự động chọn ra tổ hợp môn có điểm số cao nhất của thí sinh để xét tuyển cho từng ngành học.
Vì vậy, thí sinh nên tập trung vào việc lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích và năng lực, thay vì quá lo lắng về việc chọn tổ hợp môn.
Ngoài ra, tháng 5/2025, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó hướng dẫn cụ thể quy đổi tương đương điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển.
Đối với khung quy đổi giữa các tổ hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, hệ thống của bộ hỗ trợ tuyển sinh chung duy trì hình thức nhập điểm chênh giữa tổ hợp xét tuyển gốc và các tổ hợp xét tuyển khác cho một ngành của các trường như các năm trước.
Việc xác định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp thông dụng sẽ dựa trên đối sánh phổ điểm do Bộ GD&ĐT công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo từng khoảng điểm trúng tuyển.
Thị trường lao động thay đổi chóng mặt, để tồn tại, con người cần học tập suốt đời. Trong bối cảnh đó, tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Học tập suốt đời của tác giả Michelle R.Weise.
Tác phẩm cung cấp cho độc giả những đánh giá về thị trường lao động tương lai, những giải pháp cho nhu cầu vừa học vừa làm đang ngày một tăng, cùng với đó là đưa ra những cách kết nối để quá trình chuyển đổi “học-làm” diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, tác giả nêu lên vai trò của việc học tập suốt đời.