Nhảy đến nội dung

Thêm tàu cổ chở gốm sứ, nồi gang Trung Quốc bị đắm dưới đáy biển Hội An?

Báo cáo sơ bộ kết quả điều tra tàu gỗ nghi tàu cổ nổi lên ở biển Hội An, các nhà khoa học cho rằng còn có một tàu khác giống vậy đang nằm dưới mặt biển. Thông tin này đang gây tò mò.

Ngày 7-5, UBND TP Hội An cho biết đang giao Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp các nhà khoa học, các đơn vị tiếp tục xác minh thông tin liên quan đến con tàu đắm nằm trên bãi biển Cẩm An.

Ngư dân nói tìm thấy nhiều sành sứ, mả vôi dưới biển Hội An

Đáng chú ý, trong báo cáo khoa học, các chuyên gia cho biết có cơ sở tin cậy để xác định đang có một con tàu đắm khác nằm cách bờ biển khoảng 1km, ở độ sâu 14-15m.

Ông Nguyễn Tấn Thành (ngư dân tổ 3 khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An) cho biết ở độ sâu khoảng 15m cách bờ biển một đoạn hiện đang có ba mả vôi có vòng thành bao quanh.

Trong một lần đi đánh cá, ông Thành bị vướng lưới dưới đáy. Khi lặn xuống thì phát hiện có mả vôi, dấu vết nền nhà, bậc cấp và sân vườn, chén đĩa, chảo gang...

Tương tự, ông Trần Thìn (ngư dân ở tổ 1 khối Thịnh) cũng cho biết năm 2017 ông tình cờ lặn xuống đáy biển cách bờ một đoạn và phát hiện một mả vôi, nhiều nền nhà.

Khi lặn xuôi về phía nam (hướng biển Cửa Đại) ông phát hiện thêm một con tàu với nhiều cột bị cháy, một hộc chén sứ và rất nhiều chén bát bằng sứ, nhiều chảo gang kích thước rất lớn xếp chồng lên nhau.

Tò mò, ông đã vớt về một số mẫu vật. Khi các nhà khoa học xuống tìm hiểu về con tàu gỗ nổi lên ở Cẩm An, ông Thành cung cấp cho đoàn nhiều mảnh vỡ loại hình tô bát, đĩa sứ hoa lam, sứ men trắng, sành nâu, hiện vật đá.

"Có cơ sở khẳng định về tàu đắm dưới biển Hội An"

Nói về những thông tin kèm mẫu vật mà ngư dân Hội An cung cấp, các chuyên gia khảo cổ học cho biết loại gốm sứ ở nhà ông Trần Thìn chủ yếu là gốm sứ Chương Châu (Zhangzhou ware) được sản xuất ở phía nam tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).

Dòng gốm này còn được gọi là "Chương Châu sa túc" (Chương Châu đế cát). Một số hiện vật còn có nước men sần sùi, đục và lấm chấm những vết rỗ nám trên mặt men.

Các hiện vật của ông Trần Thìn cho thấy tính thống nhất cao không chỉ về nguồn gốc mà các di vật này còn có khung niên đại tập trung vào khoảng 1560 đến những năm 1630 vào cuối thời nhà Minh.

Việc ngư dân tìm thấy nhiều chảo gang dưới đáy biển Hội An cũng được xác nhận qua điều tra các tàu đắm ở Đông Nam Á.

Theo đó, Trung Quốc độc quyền về mặt hàng này. Các nồi nấu bằng gang được tìm thấy trên xác tàu đắm Pulau Buaya từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 13 cùng với các bó lưỡi dao bằng sắt.

Những mẫu vật này còn được tìm thấy trên một số tàu đắm ở vịnh Thái Lan, một tàu đắm thế kỷ 14 gần Belitung và trên tàu đắm Vũng Tàu năm 1690 trên đường đến Batavia.

Tài liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan cũng xác nhận một lượng lớn gang đã được vận chuyển từ Trung Quốc đến Java (Indonesia).

Ví dụ, trong thập niên 1673 - 1682, chín con tàu từ tỉnh Phúc Kiến đã mang 55.214 chiếc chảo sắt, 22 giỏ đựng chảo, 92 chiếc xẻng sắt và 6 khẩu pháo sắt đến Batavia.

Đối chiếu thông tin và thực tế thu thập được, các nhà khoa học cho biết thông tin tồn tại một con tàu đắm chở đầy gốm sứ cùng đồ gang nằm ở độ sâu khoảng 14 - 15m ven bờ biển từ Tân Thành tới Cửa Đại khoảng 1km "có cơ sở đáng tin cậy".

Các nhà khoa học đề nghị cần sớm tổ chức khảo sát tại vùng biển Hội An nhằm xác minh thông tin về vị trí, hàng hóa của con tàu trên. Từ đó có những đánh giá khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng các chương trình dài hơi và cụ thể cho việc bảo vệ, nghiên cứu, khai quật, bảo tồn, phát huy giá trị trong tương lai.