“Thèm sầu riêng 2 năm không dám ăn” - vợ chồng Hà Nội thu nhập 100 triệu vẫn chưa mua nổi nhà, “tiền như bị ăn cắp”

Kiếm 100 triệu/ tháng đã là giàu chưa?
Một người vợ trẻ mới đây chia sẻ nỗi trăn trở trên mạng xã hội khiến nhiều người đồng cảm: Vợ chồng cô có thu nhập 100 triệu đồng/tháng ở Hà Nội - một con số tưởng chừng "đáng mơ ước", nhưng thực tế tiền tiết kiệm mỗi tháng chỉ từ 15-20 triệu đồng. Sau 6 năm chung sống, cả hai mới dành dụm được khoảng 700 triệu đồng - mục tiêu mua nhà Hà Nội vẫn còn rất xa vời.
100 triệu đồng nhưng vẫn “đuối”: Chi tiết bảng chi tiêu gây choáng
Vợ chồng chị đều là người tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp, có 2 con nhỏ (bé lớn 6 tuổi, bé nhỏ khoảng 1 tuổi), hiện đang thuê chung cư 3 phòng ngủ giá 12 triệu/tháng. Dù thu nhập tăng đáng kể trong năm qua, chi tiêu hàng tháng vẫn luôn “chạm trần”:
Tổng chi dao động từ 93–94 triệu/tháng , khiến khoản tiết kiệm “co kéo” lắm cũng chỉ đạt 15-20 triệu đồng.
“Tiền cuối tháng cứ như bị ăn cắp, chẳng thấy đâu”, chị viết. “Nhiều khi thèm ăn sầu riêng mà cả 2 năm không dám mua”.
Cư dân mạng: “Chi như này thì bao nhiêu cho đủ?”
Nhiều bình luận thẳng thắn dưới bài viết:
“Để dành trước, tiêu sau. Đặt 50 triệu ra riêng từ đầu tháng, sống với phần còn lại thôi.”
“Thu nhập 100 triệu mà chưa mua nổi nhà thì vẫn còn vất vả.”
“2 anh chị 35–37 tuổi rồi mà hiếu hỉ mỗi tháng 3 triệu là nhiều quá đó. Trung bình 4–5 đám/tháng, một năm 50 đám, có nhiều mối không thân thì nên cắt giảm."
“100 triệu/tháng ở Hà Nội, Sài Gòn chỉ ở mức trung bình khá thôi bác ơi, giàu sao được. Vợ chồng mình cũng ngang bạn, chưa có nhà riêng, mới tiết kiệm được 1,2 tỷ. Về quê ai cũng xin tiền, kêu giàu lắm, nhưng đâu biết chi phí Hà Nội đắt đỏ thế nào.”
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đưa ra gợi ý thực tế:
“Bé nhỏ giờ còn nhỏ thì cần giúp việc, nhưng 1–2 năm nữa gửi trẻ được rồi, lúc đó có thể cắt 8 triệu tiền giúp việc. Thuê nhà cũng nên tính lại, xuống căn 2 phòng ngủ giá rẻ hơn, là tiết kiệm được khoảng 10 triệu/tháng - rất đáng kể.”
Nên làm gì trong trường hợp này?
1. Lập ngân sách kiểu “bánh mì sandwich”
Chia thu nhập thành 3 lớp: Lớp nền (60%): Chi phí thiết yếu; Lớp giữa (20%): Chi tiêu cá nhân, linh hoạt; Lớp trên cùng (20%+): Tiết kiệm & đầu tư. Chú ý - Hãy coi tiết kiệm là "hoá đơn bắt buộc", trích ngay đầu tháng.
2. Tối ưu nhà ở và giúp việc
Hiện tại giữ căn 3 ngủ + giúp việc ở lại ngày đêm là tiện nhưng đắt. Trong 1-2 năm tới, khi bé nhỏ có thể gửi lớp, giảm xuống căn 2 ngủ + không cần giúp việc có thể giúp tiết kiệm 8-10 triệu/tháng.
3. Rà soát chi phí hiếu hỉ
Chi phí 3 triệu/tháng tương đương gần 40 triệu/năm - đây là khoản nên kiểm tra kỹ. Có thể linh hoạt cắt giảm những mối quan hệ xã giao, hoặc gộp với ông bà nếu ở quê đã đi rồi.
4. Tạo nguồn thu dự phòng
Nếu cả hai có chuyên môn ổn định, nên tận dụng để có nguồn thu thụ động (làm thêm, tiết kiệm lãi cao, đầu tư nhỏ…). Tích lũy từ từ nhưng đều sẽ giúp giảm áp lực “cày trả chi phí”.
100 triệu/tháng chưa chắc là giàu nếu chưa sở hữu nhà và không có tài sản tích lũy. Nhưng với một bản kế hoạch tài chính rõ ràng và linh hoạt, các gia đình trẻ vẫn có thể vững vàng hơn, từng bước hướng tới mục tiêu mua nhà và tự chủ kinh tế.
Quan trọng nhất vẫn là: Thu nhập cao chưa đủ, phải biết giữ và tối ưu .