Nhảy đến nội dung

Thêm phí công nghệ thông tin, viện phí có tăng?

Bộ Y tế yêu cầu trong tháng 6 này, các đơn vị phải hoàn thành việc kết cấu chi phí ứng dụng công nghệ thông tin vào viện phí và trong tháng 9 các bệnh viện trên toàn quốc hoàn thành triển khai bệnh án điện tử.

Việc bổ sung thêm chi phí ứng dụng công nghệ thông tin vào giá có khiến viện phí tăng?

Đẩy nhanh tốc độ hoàn thành bệnh án điện tử

Từ tháng 3-2019, Bộ Y tế đã triển khai các cơ sở y tế bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Quy định này được kỳ vọng khi triển khai sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, người bệnh không phải xét nghiệm lại khi chuyển viện, từ đó giảm thời gian của cả người bệnh và y bác sĩ, giảm chi phí y tế.

Thế nhưng sau hơn 6 năm thực hiện, tính đến 4-5 cả nước chỉ mới có 169 cơ sở y tế khám chữa bệnh cả công và tư công bố triển khai thành công bệnh án điện tử. Bộ Y tế đề nghị đến 30-9 tới, các bệnh viện trên toàn quốc phải hoàn thành nhiệm vụ này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, triển khai bệnh án điện tử phải đảm bảo thực chất, đem lại hiệu quả cụ thể, nâng cao năng suất, chất lượng khám chữa bệnh, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân và cơ sở y tế.

Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành kế hoạch nhằm đôn đốc bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, trong 1 tháng (từ tháng 4 đến tháng 5) có thêm 16 cơ sở y tế hoàn thành công việc này. 

Trong khi đó, theo thống kê trên cả nước hiện có gần 1.650 bệnh viện (bao gồm khoảng 380 bệnh viện tư nhân), số bệnh viện chưa hoàn thành bệnh án điện tử là rất lớn.

Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ triển khai bệnh án điện tử chậm là do nguồn lực, kinh phí thực hiện còn khó khăn.

Theo trưởng phòng công nghệ thông tin tại một bệnh viện ở Hà Nội, việc vận hành hiệu quả hoạt động thăm khám, điều trị, thời gian qua bệnh viện đã bỏ ra kinh phí lớn để đầu tư đồng bộ hệ thống trang bị máy chủ, hệ thống máy tính. 

Đặc biệt, các ứng dụng các phần mềm như quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống lưu trữ trên hình ảnh (PACS), các chương trình bảo mật thông tin, dữ liệu, bảo đảm an toàn mạng... Để sử dụng được các phần mềm này, bệnh viện phải trả chi phí thuê hằng tháng cho nhà cung cấp dịch vụ với chi phí không hề nhỏ.

Thêm chi phí, giá viện phí có tăng?

Theo kế hoạch mới nhất của Bộ Y tế, dự kiến sẽ đưa kết cấu chi phí ứng dụng công nghệ thông tin vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Bộ Y tế giao Vụ Kế hoạch - Tài chính và yêu cầu hoàn thành trong tháng 6-2025.

Quy định của Luật Khám chữa bệnh, từ năm 2024 chi phí trong giá thành toàn bộ của dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm 4 cấu phần: chi phí nhân công; chi phí trực tiếp cho người bệnh (máu, thuốc, dịch truyền); chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định và chi phí quản lý. Hầu hết các bệnh viện mới được tính chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, hai phần còn lại chưa được tính vào giá.

Chi phí công nghệ thông tin được xếp vào nhóm chi phí quản lý. Việc đưa khoản này vào giá dịch vụ khám chữa bệnh mục tiêu là giúp các bệnh viện có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị về công nghệ, theo ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ở nhiều nước khoản này được tính bằng 3%/tổng thu của bệnh viện, từ đó giải quyết được vấn đề nguồn lực khiến nhiều bệnh viện chưa thể triển khai bệnh án điện tử như lộ trình đề ra.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, cho hay Việt Nam bắt đầu đầu tư nên chi phí ở giai đoạn đầu có thể dao động khoảng 10%/tổng thu sau đó sẽ giảm dần.

"Việc đưa phí công nghệ thông tin vào giá sẽ khiến giá viện phí tăng, nhưng về lâu dài sẽ giúp tiết kiệm một số chi phí. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là chi phí in phim khi chụp X-quang, PET-CT sẽ không cần nữa, thay vào đó là đầu tư phần mềm PACS (là hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa) sẽ chỉ bằng 50-70% chi phí mua phim và in phim. Đó là chưa tính đến hiệu quả về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, khi ứng dụng công nghệ thông tin sẽ có một hệ thống dữ liệu y tế đầy đủ về bệnh lý hay gặp, tuổi nào gặp bệnh gì, nam hay nữ, quản lý đơn thuốc... từ đó sẽ có hiệu quả trong điều trị và dự phòng bệnh tật, tiết kiệm những chỉ định không cần thiết, tiết kiệm chi phí điều trị", ông Thường phân tích.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Cơ cho hay chỉ riêng việc không in phim, không giấy tờ đã giúp Bệnh viện Bạch Mai tiết kiệm 100 tỉ/năm, số tiền này tiếp tục được đầu tư nâng cấp cho hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số của bệnh viện.

Ông Cơ cũng cho rằng nhờ bệnh án điện tử, việc xây dựng kho dữ liệu y tế quốc gia có ý nghĩa quan trọng, không chỉ hỗ trợ hoạch định chính sách, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực mà còn giúp tối ưu dự trù thuốc men, trang thiết bị. Khi hệ thống liên thông hoàn chỉnh, các xét nghiệm, phim chiếu chụp có thể được chia sẻ giữa các bệnh viện, giúp giảm đáng kể chi phí cho người bệnh.

Một chuyên gia về công nghệ thông tin của Bộ Y tế cho hay khi tính thêm chi phí ứng dụng công nghệ thông tin vào cơ cấu giá khám chữa bệnh đương nhiên sẽ khiến giá viện phí tăng lên. 

"Việc tăng như thế nào sẽ cần phải tính toán cụ thể theo chi phí định mức chi phí ứng dụng công nghệ vào khám chữa bệnh. Điều này còn phụ thuộc vào quy mô bệnh viện. Chi phí trên giường bệnh đối với bệnh viện hạng đặc biệt sẽ khác với chi phí bệnh viện tuyến huyện", chuyên gia nhận định.

Ông cũng cho hay trước đó năm 2017, Bộ Y tế đã có dự thảo về định mức chi phí này nhưng hiện nay cần xây dựng lại. "Dù việc tăng không quá nhiều nhưng áp dụng cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật thì cũng sẽ là một khoản chi phí tăng thêm, ít - nhiều cũng sẽ tác động đến người dân", vị chuyên gia nói.

Các chuyên gia cũng cho hay khi viện phí thêm chi phí công nghệ thông tin, đồng nghĩa với việc viện phí tăng. Tuy nhiên, người tham gia bảo hiểm y tế cũng sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán các chi phí, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao cơ sở hạ tầng và quản lý bệnh viện như hiện nay. Viện phí tính đúng tính đủ sẽ từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân.