Nhảy đến nội dung
 

Thêm cơ hội cho sầu riêng Việt tại Trung Quốc

Sầu riêng Việt thêm cơ hội vào Trung Quốc với gần 1.000 mã số được phê duyệt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức cập nhật 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) sầu riêng của Việt Nam. Việc mở rộng danh sách này tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), điểm khác biệt so với các mặt hàng truyền thống khác của Việt Nam như xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu...xuất khẩu sang Trung Quốc là phía GACC thực hiện kiểm tra thực tế bằng trực tiếp hoặc trực tuyến với tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói của Việt Nam trước khi phê duyệt mã số và cấp phép xuất khẩu.

Có thể thấy, trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng đang ảm đạm do kim ngạch suy giảm trầm trọng thì thông báo của Trung Quốc là một tin vui đối với ngành hàng này. Các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội này, đồng thời bảo đảm nghiêm túc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm nhằm xuất khẩu một cách bền vững.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đang đối mặt với nhiều trở ngại. Khối lượng sầu riêng xuất khẩu đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo giá trị cũng giảm sâu tới hơn 61%. Thậm chí, sầu riêng đã tụt xuống vị trí thứ ba trong nhóm các loại trái cây xuất khẩu chủ lực, xếp sau chuối và thanh long – một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của mặt hàng này so với các loại trái cây khác của Việt Nam.

Cụ thể, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm 2025, nước ta xuất khẩu được 35.000 tấn sầu riêng, kim ngạch đạt 120-130 triệu USD. Trong khi cùng kỳ năm 2024, chỉ riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã lên tới 79.300 tấn, giá trị gần 370 triệu USD.

Cần "sàng lọc" kỹ hàng ở đầu nguồn, chuẩn hóa quy trình sản xuất an toàn

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam lý giải, sự sụt giảm nghiêm trọng trong kim ngạch và sản lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam do thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu vì chính sách kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn, sự gia tăng nguồn cung từ các đối thủ cạnh tranh khác…"Nguyên nhân cốt lõi khiến xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng liên quan đến chất cadmium và chất vàng O. Phía Trung Quốc phát hiện những lô hàng sầu riêng của Việt Nam có dư lượng chất cấm nên họ trả về", ông Nguyên nhấn mạnh.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay, hiện nước ta đã có 12 trung tâm thí nghiệm kiểm tra cadimi và 9 Trung tâm kiểm tra chất vàng O, đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cà Mau, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh. Đến nay, cả 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm chất vàng O trong sầu riêng đã được cơ quan chức năng của Trung Quốc công nhận.

"Một lô sầu riêng xuất khẩu được các doanh nghiệp thu mua từ rất nhiều nhà vườn, nhưng mẫu đem đi kiểm nghiệm được lấy theo xác suất. Thế nên, dù có giấy chứng nhận của các trung tâm thì tới cửa khẩu, tỷ lệ vi phạm khi kiểm tra vẫn cao. Điều này cho thấy, chỉ "sàng lọc" một lần như vậy là chưa hiệu quả. Nguyên tắc để hải quan Trung Quốc giảm tần suất kiểm tra các lô hàng là tỷ lệ vi phạm thấp. Nếu kiểm tra các lô hàng trong một khoảng thời gian mà không có lô nào vi phạm, hải quan nước bạn có thể miễn kiểm tra, cho thông quan ngay", ông Nguyên nhấn mạnh thêm.

Ông Nguyên cũng nhận định rằng, để giải quyết vấn đề này sẽ tốn nhiều thời gian. Muốn khắc phục, các vùng trồng sầu riêng của Việt Nam cần phải được kiểm tra lại kỹ lưỡng để xác định xem có bị nhiễm cadmium hay không. Cơ quan chức năng cần thiết lập các bước "sàng lọc" kỹ hơn ở đầu nguồn, cấp phép cho các phòng kiểm nghiệm mini để kiểm tra chất lượng ngay tại vườn. 

Hiện nước ta đã vào mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ với sản lượng ước lên tới hàng triệu tấn. Hiện đầu ra cho sản phẩm tỷ USD này đang là bài toán nan giải, khiến doanh nghiệp và nhà sản xuất "đâu đầu". Trước tình hình đó, mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa họp khẩn để bàn giải pháp. Trước mắt, bộ này cho hay sẽ phối hợp chặt chẽ với phía hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở xuất khẩu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, bộ cũng khẩn trương ban hành quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng, từ đó có cơ sở đánh giá năng lực xuất khẩu và điều chỉnh kế hoạch phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, đặc thù lớn nhất của thị trường Trung Quốc là khó đoán, quy định thường thay đổi nhanh và ngay nên rất khó khăn trong ứng phó. Bên cạnh đó, xưa nay thương nhân nước này thường tham gia rất sâu vào chuỗi thu mua và phân phối sầu riêng, ngay cả ở Việt Nam. Đáng chú ý, yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc rất cao, ngày càng nâng hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm...Vì vậy, doanh nghiệp không nên chỉ quan tâm và coi trọng việc đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, mà phải chú trọng duy trì các vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Nghị định thư./.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn