Thấy chết không cứu

Hóa ra, bà tôi bị tai nạn giao thông. Người đi đường đưa bà vào bệnh viện. Sau khi sơ cứu và phát hiện chấn thương ở đầu, họ đã chuyển bà lên bệnh viện tuyến trung ương chuyên về ngoại khoa
Khi mới nhập viện tuyến trên, bà vẫn còn tỉnh, nói được họ tên và tên phố, số nhà. Bệnh viện thấy nhà gần đã cử một cô y tá đến báo tin. Nhưng lúc đó cả nhà tôi đang tỏa đi khắp các nơi tìm kiếm. Mãi đến tối, chúng tôi quay lại bệnh viện gần nhà tìm lần nữa, mới thấy bà. Nhưng bà vừa mất, người còn ấm.
Khó có lời nào tả hết nỗi đau xót của gia đình chúng tôi. Nhất là khi thấy bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng để phẫu thuật cho bà: đã thay quần áo bệnh nhân, đã cạo hết tóc, vệ sinh vùng đầu sạch sẽ... Viện chỉ còn chờ người nhà đến ký giấy là mổ.
Chuyện xảy ra đã lâu, khi đó tôi là bác sĩ mới ra trường được vài năm. Tôi biết bà bị chấn thương sọ não, có chảy máu nội sọ, nếu được mổ cấp cứu, bà tôi sẽ có nhiều cơ may sống.
Nếu chiếu theo các quy định: người già trên 70 tuổi, không có người nhà đi cùng, không ai ký giấy mổ... thì bà tôi mất đúng quy trình, không ai có lỗi cả. Với các bác sĩ của bệnh viện ấy, bà chỉ là một trong vô vàn nạn nhân. Nhưng với tôi, bà là người thân yêu nhất. Nỗi đau của tôi âm ỉ, có lúc uất nghẹn lên. Tại sao họ không cố cứu bà khi cơ hội sống vẫn còn? Nếu bà mà được cứu sống thì tôi và gia đình mang ơn họ suốt đời, sá gì viện phí hay chút tiền cảm ơn.
Sau này trong cuộc đời hành nghề, tôi gặp những tình huống tương tự gần như hàng ngày ở bệnh viện. Đó là những trường hợp cấp cứu bất ngờ. Đã gọi là bất ngờ thì thường thiếu điều kiện nọ, điều kiện kia. Nhiều ca tai nạn xảy ra được người đi đường mang vào hầu như không có trên người: không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc. Những ca do người nhà đưa vào nhiều khi cũng không có BHYT, hoặc BHYT hết hạn... hoặc không mang đủ tiền.
Điều đó gây khó khăn cho kíp cấp cứu. Vì tình huống rất khẩn trương, cần xét nghiệm chụp chiếu ngay, nhiều ca sau đó còn cần can thiệp hồi sức khẩn trương, cần dùng các thuốc đắt tiền, cần truyền máu... Và tất cả đều cần tới thanh toán chi phí. Nhiều loại phí trong số đó có nằm ngoài BHYT. Nếu vì lý do nào đó người nhà không tthanh toán, bệnh viện sẽ phải gánh. Thường là kíp trực hôm đó sẽ chia nhau ra đền tiền cho bệnh viện. Đồng lương còm cõi của nhân viên y tế càng lõm vào.
Vì thế sau khi tiếp nhận bệnh nhân, câu cửa miệng của nhân viên y tế thường là hướng dẫn người nhà đi đóng tiền tạm ứng. Chính chúng tôi cũng thấy như thế là phản cảm, và cũng chịu nhiều phản ứng của người bệnh. Nhưng không nói cũng không được.
Vậy các nhà quản lý đã có những biện pháp gì giúp giải quyết tình trạng trên. Thực tế, tôi thấy các cấp lãnh đạo luôn rất quyết liệt chấn chỉnh nhân viên y tế về thái độ cấp cứu người bệnh. Phải ưu tiên cấp cứu người bệnh lên hàng đầu. Các khoản thất thoát viện phí sau đó sẽ được xử lý linh hoạt, mỗi nơi một cách. Ví dụ sẽ lấy từ quỹ từ thiện của bệnh viện, quỹ công đoàn, hoặc là trừ lương nhân viên y tế.
Đứng ở vai trò một bác sĩ phòng cấp cứu, tôi thấu hiểu nỗi khó xử của nhân viên y tế. Thấy chết mà không cứu thì không được. Nhưng cũng chỉ có thể bỏ tiền túi ra cứu giúp người bệnh được vài lần, sao có thể kham nổi hết lần này lượt khác. Lâu dần, thực tế cuộc sống sẽ làm họ chai sạn dần những áy náy lương tâm.
Nhưng đứng ở vai trò người nhà nạn nhân, tôi thấy mạng sống người thân là vô giá. Nếu người thân được cứu giúp lúc nguy cấp, ta sẽ vô cùng biết ơn và có thể báo đáp gấp nhiều lần. Qua thực tế ở phòng cấp cứu tôi thấy phần lớn gia đình có nợ viện phí đều quay trở lại thanh toán đầy đủ. Nhưng cũng có những trường hợp chây ì, trốn viện phí, do những nguyên nhân khách quan, hoặc đơn giản là do họ không có đủ tiền.
Từ thực tế trên, tôi đề nghị ngành y cần có sự thay đổi trong cơ chế thanh toán cấp cứu. Không để các bác sĩ cùng một lúc đóng hai vai, vừa cứu người, vừa thu tiền.
Nên hình thành một quỹ thanh toán cấp cứu. Khi người bệnh có tình trạng nguy cấp, nhân viên y tế chỉ hoàn toàn tập trung vào chuyên môn, cứu chữa người bệnh. Sau khi kết thúc tình trạng cấp cứu, toàn bộ hóa đơn cứu chữa người bệnh đó được gửi cho quỹ thanh toán cấp cứu. Quỹ sẽ xem xét hồ sơ, nếu thấy hợp lệ thì thanh toán chi phí lại cho bệnh viện.
Sau đó quỹ cấp cứu này sẽ xuất hóa đơn, người nhà bệnh nhân sẽ thanh toán lại cho quỹ. Trong trường hợp người nhà chưa đủ khả năng thanh toán ngay, có thể trả làm nhiều đợt. Trường hợp bất khả kháng không thể thanh toán được, quỹ sẽ xem xét miễn viện phí. Trường hợp có biểu hiện chây ỳ, cố tình trốn viện phí, quỹ sẽ áp dụng nghiệp vụ để thu hồi. Tài chính cho quỹ có thể được huy động từ nhiều kênh: vốn nhà nước, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thiên tai hoặc nguồn từ thiện...
Như vậy, một dạng thanh toán qua trung gian này sẽ bảo đảm tính nhân văn của hoạt động y tế, giúp giảm gánh nặng cho ngành y để nhân viên y tế tập trung cứu giúp được nhiều người hơn.
Không ai đáng phải chết vì thiếu viện phí. Và không bác sĩ nào đáng phải giằng co giữa lương tâm và thủ tục.
Quan Thế Dân