Thể thao TP.HCM khẳng định vai trò tiên phong sau sáp nhập

Thể thao TP.HCM khẳng định vai trò tiên phong, hướng tới không gian văn hóa năng động, thể thao chuyên nghiệp và du lịch bền vững.
Sáng 17-7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm theo hình thức trực tuyến toàn quốc.
Tại điểm cầu TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy chủ trì cùng lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao, du lịch TP.HCM.
Hội nghị đã đánh giá kết quả đạt được, đề xuất giải pháp thúc đẩy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM nổi bật với nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát triển mạnh phong trào thể thao, chuyển đổi số sâu rộng và xã hội hóa hiệu quả.
Thành phố cũng khẳng định vai trò tiên phong, hướng tới không gian văn hóa năng động, thể thao chuyên nghiệp và du lịch bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Nam Nhân chia sẻ quan điểm phát triển thể dục, thể thao của TP.HCM trong tình hình mới: từ tổ chức bộ máy sau hợp nhất đến mô hình quản lý mạng lưới thể thao cơ sở hiện đại.
Bởi TP.HCM mới sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ đơn thuần là thay đổi địa giới hành chính, mà còn là sứ mệnh cho một tầm nhìn chiến lược: hình thành trung tâm thể thao đặc biệt của một siêu đô thị, góp phần vào việc phát triển thể dục, thể thao Việt Nam ở kỷ nguyên mới.
Do đó ngành thể thao TP.HCM cần xây dựng cách tiếp cận hoàn toàn mới, linh hoạt, đa chiều, nhằm tận dụng sức mạnh tổng hợp vùng, từ đó nâng tầm thể thao thành một bộ phận quan trọng của đời sống đô thị sáng tạo.
Ông Nguyễn Nam Nhân cho rằng cần 5 điểm mấu chốt để thực hiện. Trong đó có 2 điểm mấu chốt đáng chú ý.
Đầu tiên, TP.HCM mới sẽ hình thành một "vùng tam giác thể thao" với ba sứ mệnh: huấn luyện đỉnh cao; cung cấp nguồn nhân lực; tổ chức sự kiện thể thao. Dựa trên nền tảng điều kiện tự nhiên, dân số, kinh tế kết hợp số hóa toàn diện, hiện đại và đồng bộ của TP.HCM.
Thứ hai, thể thao TP.HCM định hướng vượt khỏi tư duy "thể thao chỉ để đạt huy chương" và khẳng định: thể thao là một ngành kinh tế đặc thù.
TP.HCM là trung tâm đô thị trẻ, tiêu dùng mạnh chính là thị trường vàng cho dịch vụ đào tạo, trải nghiệm thể thao; sản xuất, thương mại thiết bị, trang phục, ứng dụng thể thao; du lịch thể thao - nghỉ dưỡng - sự kiện quy mô lớn; công nghệ thể thao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu, chăm sóc sức khỏe…
Những năm qua, TP.HCM là một trong hai địa phương đóng góp lớn nhất vào thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, bên cạnh Hà Nội. Với thể thao phong trào, TP.HCM được đánh giá là đô thị có phong trào thể thao quần chúng mạnh nhất cả nước. Hiện thành phố là nơi tổ chức nhiều giải marathon, bán marathon nhất Việt Nam, có những giải đấu quy tụ gần 20.000 vận động viên trong nước và quốc tế tham dự.