Nhảy đến nội dung
 

Tháo gỡ "điểm nghẽn", khơi thông dòng chảy sáng tạo: Nghị quyết 57 và bài toán nhân lực, đầu tư

(Dân trí) - Trong kỷ nguyên số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực phát triển then chốt cho mọi quốc gia. Việt Nam cũng đang tích cực hội nhập vào xu thế này.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia ra đời vào ngày 22/12/2024, đánh dấu một bước ngoặt chiến lược trong định hướng phát triển của Việt Nam. 

Nghị quyết 57 không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước mà còn mang trong mình những quan điểm mới, đột phá, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng tiềm năng sáng tạo và đưa khoa học công nghệ trở thành động lực then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã ví Nghị quyết 57 như "Khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc.

Ngày 13/1, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Đảng, Nhà nước luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Đây chính là "chìa khóa vàng", yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc".

Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Việt Nam không thể "lũi cũi đi sau" mà cần tận dụng mọi nguồn lực để "đứng trên vai người khổng lồ", đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, nội dung phát biểu của Tổng Bí thư thể hiện tầm nhìn dài hạn: Việt Nam tận dụng nền tảng tri thức toàn cầu để bứt phá.

Đánh giá về tầm nhìn chiến lược từ phát biểu của Tổng Bí thư, GS Nguyễn Thanh Thủy dẫn chứng: Ngành công nghệ Việt Nam đã và đang tận dụng những thành tựu của thế giới để phát triển nhanh chóng, thay vì phải tự xây dựng từ đầu trong nhiều lĩnh vực của công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo.

"Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh ý tưởng "đứng trên vai người khổng lồ", hàm ý rằng Việt Nam không cần phải phát triển từ con số 0 mà có thể học hỏi, kế thừa những mô hình thành công để đi tắt đón đầu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, thời cơ vàng đang mở ra nhờ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và sự bùng nổ của công nghệ số", Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy nói.

Minh chứng cho nhận định này, GS Nguyễn Thanh Thủy phân tích, Việt Nam đã sử dụng nền tảng mã nguồn mở và công nghệ tiên tiến, tận dụng tốt các công nghệ mã nguồn mở và các nền tảng sẵn có từ các tập đoàn công nghệ lớn. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây; Blockchain, lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực Giao thông thông minh, Tài chính số... đều được Việt Nam tận dụng và phát triển rất tốt, mạnh mẽ.

"Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học giá trị từ các quốc gia như Hàn Quốc, Israel hay Singapore. Các nước này đã thành công trong việc tận dụng tri thức toàn cầu để phát triển công nghệ, tạo ra những đổi mới đột phá và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hàn Quốc đã thành công khi chuyển từ gia công sang sáng tạo thương hiệu toàn cầu. Israel đã trở thành quốc gia khởi nghiệp nhờ tập trung vào công nghệ quân sự và bảo mật. Còn Singapore trở thành trung tâm tài chính - công nghệ nhờ chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng cơ sở hạ tầng số vững chắc", ông nói.

Từ góc nhìn của mình, PGS. TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích, thực tế Việt Nam là một quốc gia đi sau so với thế giới trong quá trình phát triển khoa học công nghệ.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong một thời gian dài, đất nước bị chiến tranh tàn phá và chịu sự cô lập. Trong giai đoạn đó, nền khoa học công nghệ trên thế giới đã có những bước tiến công nghệ đột phá.

Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng hơn, tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào ở thời kỳ dân số vàng, nhiều người trẻ được đào tạo bài bản, có kỹ năng tốt, và luôn háo hức với cái mới, cũng như Việt Nam đang là điểm đến thu hút được sự đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, "đứng trên vai người khổng lồ" là một cách tiếp cận đúng đắn với Việt Nam và đối với những quốc gia đi sau.

"Tận dụng được những tinh hoa thành tựu công nghệ của thế giới, Việt Nam sẽ nhanh chóng phát triển các sản phẩm của riêng mình phục vụ chính nền kinh tế - xã hội, người dân, Chính phủ Việt Nam; đồng thời gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế và tự tin tham gia sâu hơn vào sự phát triển khoa học công nghệ toàn cầu", PGS Tạ Hải Tùng nói.

Cùng quan điểm, ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Pháp tại Việt Nam đánh giá "người khổng lồ" là "điều không thể thiếu được" trong phát triển.

"Nếu đó là người sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực, thì rõ ràng đó không chỉ là sự hợp tác cần thiết mà còn là điều không thể thiếu được", ông Olivier Brochet chia sẻ trong một buổi trao đổi với phóng viên báo Dân trí.

Đồng quan điểm này, TS. Hà Huy Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, chiến lược kinh tế địa phương và Lãnh thổ đánh giá, trong chuỗi giá trị bán dẫn có rất nhiều khâu như thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử. Việt Nam cần lựa chọn khâu, phân khúc phù hợp với năng lực của mình.

"Chúng ta không thể làm một mình mà phải hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới (đứng trên vai người khổng lồ)", Tiến sĩ Hà Huy Ngọc nói.

Theo ông, Việt Nam là quốc gia đi sau nên phải mượn sức từ các "kỳ lân" của thế giới, chẳng hạn như việc các nhà máy sản xuất vừa và nhỏ ở Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với các đối tác như Tập đoàn Nvidia, họ đã bắt đầu đầu tư vào nước ta.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) được xác định là động lực then chốt cho sự phát triển của mọi quốc gia.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực này. 

Trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong một số ngành mũi nhọn. Lĩnh vực công nghệ thông tin- viễn thông (ICT) là ví dụ điển hình với lực lượng lao động trẻ, năng động, chi phí cạnh tranh, Việt Nam đã vươn lên thành điểm đến hấp dẫn của ngành xuất khẩu phần mềm.

Tại Hội nghị Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn (AISC) hồi tháng 3/2025, ông Trương Gia Bình- Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhấn mạnh: Việt Nam có vị thế chiến lược trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác về AI và bán dẫn. 

Một trong những điểm ông Trương Gia Bình đề cập đáng chú ý là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghệ tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng tính toán tầm trung và cao cấp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có hệ thống hạ tầng AI tiên tiến nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, KHCN&ĐMST của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn, đòi hỏi những giải pháp mang tính đột phá và đồng bộ để có thể khai phá hết tiềm năng và đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia, một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển KHCN&ĐMST của Việt Nam là mức đầu tư cho R&D còn khiêm tốn. Theo Nghị quyết 57, kinh phí chi cho R&D (Research and Development- nghiên cứu và phát triển) của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 0.4% GDP, một con số thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển và các nước trong khu vực có nền kinh tế năng động. 

Nghị quyết 57 đã đặt ra mục tiêu tăng nguồn kinh phí chi cho R&D lên 2% GDP vào những năm tới. Trong đó, nguồn lực từ xã hội sẽ chiếm hơn 60%. Đồng thời, ngân sách nhà nước hàng năm dành cho phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia sẽ tăng lên 3%.

Tuy nhiên, việc tăng cường đầu tư không chỉ nằm ở con số mà còn ở cơ chế sử dụng vốn. Chủ tịch VNPT Tô Dũng Thái cho biết: "Khi nói đến đầu tư phát triển KHCN, điểm nghẽn đầu tiên chính là "tiền đâu?". Dù VNPT có cả nghìn tỷ trong quỹ R&D, nhưng để sử dụng đúng theo quy định luật pháp hiện nay là chuyện không đơn giản".

Theo ông, không chỉ VNPT mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng trong tình trạng như vậy, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước. Tâm lý e ngại rủi ro khi đầu tư vào các nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những lĩnh vực mới và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, vẫn là một rào cản lớn. Việc thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư mạo hiểm và chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học cũng làm giảm động lực đầu tư vào R&D. 

Việc thiếu nguồn vốn đặc biệt gây khó khăn cho các startup công nghệ, những đơn vị thường có nhu cầu vốn lớn trong giai đoạn tăng trưởng để mở rộng quy mô và cạnh tranh trên thị trường. Hạn chế này sẽ làm giảm tính tự chủ của hệ sinh thái mà còn có thể khiến các startup tiềm năng rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài ở giai đoạn quan trọng nhất.

Theo ông Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, nếu không có sự thay đổi như việc áp dụng khoa học công nghệ để vượt qua giới hạn thì không thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Để đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người cao hơn, cần có đường lối mạch lạc và sự đầu tư thích đáng cho KHCN.

Chưa dừng lại ở đó, thực trạng KHCN&ĐMST tại Việt Nam còn chịu sự chi phối của một hệ thống cơ chế, chính sách chưa đồng bộ và còn nhiều rào cản.

Chủ tịch VNPT chỉ ra, thể chế và chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, đầu tư sử dụng/bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, mua sắm công đối với bí quyết, bản quyền công nghệ… đang hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực và triển khai các dự án ĐMST, thử nghiệm công nghệ mới, tham gia vào chuyển đổi số quốc gia của doanh nghiệp... 

Nhiều quy định quản lý khoa học công nghệ và đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã được điều chỉnh, sửa đổi, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn tồn tại, gây thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù Việt Nam có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng thực trạng về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vẫn còn thiếu tính liên kết chặt chẽ.

Các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học chưa tạo thành một "tam giác vàng" gắn kết đủ mạnh. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước còn yếu, trong khi các startup công nghệ thường thiếu vốn giai đoạn tăng trưởng.

Một trong những yếu tố then chốt để một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững chính là sự hợp tác hiệu quả giữa ba trụ cột chính: doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các nghiên cứu mang tính ứng dụng từ các viện và trường, chưa dám đầu tư mạnh mẽ tới các đơn vị này vì độ tin cậy.

Trong khi không ít các nhà khoa học và giảng viên chưa nắm bắt kịp nhu cầu thực tế của thị trường. Sự rời rạc này không chỉ làm chậm quá trình thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo mà còn hạn chế khả năng giải quyết những thách thức lớn của nền kinh tế.

"Thực tế ở VNPT, chúng tôi có một trung tâm nghiên cứu, nhưng chủ yếu là làm về các đề tài và chỉ thanh toán được với những đề tài có kết quả tốt. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm với số tiền mình bỏ ra, do đó VNPT không dám "bung" tới các phòng labs hay các trường đại học để nghiên cứu vì chưa đủ độ tin cậy.

Chúng tôi chỉ dám làm về các lĩnh vực cho mình, do nhân lực của VNPT đảm nhiệm. Tại VNPT, chúng tôi vừa nghiên cứu, đồng thời đưa vào sản xuất xem có hiệu quả không, nếu không sẽ rút ngay. Những điều này khiến chúng tôi chỉ có thể làm nhỏ, không làm được những thứ lớn", ông Tô Dũng Thái nói.

Điểm nghẽn nữa chính là cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho công nghệ mới còn hạn chế. Hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KHCN chủ yếu dựa trên thủ tục hành chính, chưa thật sự khuyến khích rủi ro sáng tạo. Trong nhiều trường hợp, chính sách tụt hậu so với tốc độ thay đổi của công nghệ, khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào lĩnh vực mới.

Một điểm nghẽn rất lớn khác trong phát triển KHCN&ĐMST của Việt Nam là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực mới và chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ bán dẫn. 

Dù số lượng sinh viên khối khoa học công nghệ tăng đều mỗi năm, nhưng chất lượng đào tạo còn khoảng cách xa so với yêu cầu của thị trường. Nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như bán dẫn, AI, điện toán đám mây... rất khan hiếm. 

Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy nói: "Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào, nhưng chất lượng đào tạo chưa đồng đều, thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trình độ cao, đặc biệt là các chuyên gia trong những lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng hay dữ liệu lớn".

Ông dẫn chứng, khảo sát và thống kê cho thấy có sự mất cân đối giữa chương trình đào tạo và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, chỉ khoảng 30% sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. 

Đồng quan điểm này, ông Oliver Brochet, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Pháp tại Việt Nam bày tỏ: "Việt Nam cần khuyến khích các sinh viên mạnh mẽ hơn nữa trong việc học lên các bậc cao hơn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thay vì chỉ dừng lại ở trình độ cử nhân.

Bởi hiện nay, 90-95% sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học chọn đi làm ngay. Đây là rào cản nhất định đối với sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam".

Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy chỉ ra điểm nghẽn: "Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhiều cơ sở đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa bắt kịp các xu hướng công nghệ toàn cầu như AI, blockchain hay công nghệ bán dẫn. Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến khoảng cách giữa học thuật và thực tiễn".

Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) và kỹ năng mềm của sinh viên CNTT còn yếu, gây khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, làn sóng "chảy máu chất xám" vẫn diễn ra, khi nhiều kỹ sư giỏi chọn làm việc ở nước ngoài do chênh lệch thu nhập và điều kiện làm việc.

Chung nhận định này, ông Christopher Nguyễn, Giám đốc và Đồng sáng lập Aitomactic nói: "Việt Nam vẫn thiếu hụt các chuyên gia AI và kỹ sư bán dẫn trình độ cao. Chất lượng đào tạo còn khoảng cách so với yêu cầu thực tế, đòi hỏi chiến lược dài hạn kết hợp cả đào tạo nghề và giáo dục đại học chất lượng cao".

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định Việt Nam đang có một nguồn nhân lực vàng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) với khoảng 1 triệu kỹ sư CNTT, trong đó một nửa có khả năng chuyển đổi sang AI.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đào tạo 1 triệu nhân lực AI và 50.000 nhân sự bán dẫn vào năm 2030, cần có những nỗ lực rất lớn từ các trường đại học, doanh nghiệp và Chính phủ.

Việc tăng cường đầu tư, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống là những nhiệm vụ then chốt để đưa KHCN&ĐMST thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

Các chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ. Trên thực tế sự phát triển này hiện không đồng đều, khi các ngành công nghệ lõi, có tiềm năng tạo đột phá lớn trong kỷ nguyên số như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.

Để Việt Nam làm chủ những công nghệ tiên tiến này, đất nước cần tận dụng "vai người khổng lồ" để không bỏ lỡ cơ hội, bà Nguyễn Thị Bích Yến - chuyên gia Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử Hoa Kỳ, chuyên gia cao cấp của SOITEC (Hoa Kỳ), chia sẻ.

Bà nói: "Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra chiến lược phát triển nhân lực, hợp tác với các đối tác quốc tế và đầu tư vào nghiên cứu vi mạch để không bỏ lỡ cơ hội".

Nhìn chung, dù Việt Nam có một nền tảng tốt với nhiều lợi thế, nhưng để thực sự bứt phá và đồng đều hóa bức tranh công nghệ, cần có sự đầu tư chiến lược, tập trung giải quyết điểm nghẽn nhân lực và lựa chọn khâu đột phá phù hợp trong chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, chúng ta phải biết cách "đứng trên vai của những người khổng lồ", Việt Nam cần tận dụng tối đa những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, đồng thời phát triển nội lực để tạo nên những bước nhảy vọt trong thời đại số.

Ở kỳ tiếp theo, các chuyên gia sẽ chỉ ra những lĩnh vực mũi nhọn, góc nhìn về "danh mục công nghệ chiến lược" của Việt Nam để có thể bước vào kỷ nguyên mới. Từ đó, đất nước có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Kỳ sau: Việt Nam cần những công nghệ chiến lược nào?

Nội dung: Bảo Trung, Nam Đoàn, Thế Anh

Ảnh: Quyết Thắng, Thành Đông, Mạnh Quân

Thiết kế: Thủy Tiên