Thành phố Tân An: Văn hiến và hiện đại bên bờ sông Vàm Cỏ Tây

Từ một thị xã nhỏ bé bên dòng sông Vàm Cỏ Tây, qua nhiều giai đoạn lịch sử, TP.Tân An (Long An) đã và đang bước vào kỷ nguyên vươn mình “Thân thiện - Văn minh - Hiện đại”.
Hành trình phát triển bền vững từ vùng đất lịch sử
Nằm bên dòng sông Vàm Cỏ Tây trầm mặc và giàu phù sa, TP.Tân An - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế và văn hóa của tỉnh Long An đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới, quyết tâm hội nhập của một địa phương giàu truyền thống cách mạng và tiềm năng phát triển.
Tên gọi Tân An lần đầu được ghi nhận năm 1832 trong địa bạ triều Nguyễn, lúc đó vua Minh Mạng cho lập phủ Tân An trực thuộc tỉnh Gia Định (TP.HCM ngày nay). Từ đó đến nay, qua nhiều biến thiên của thời cuộc và những giai đoạn chuyển giao lịch sử, Tân An không ngừng khẳng định vị thế trung tâm tỉnh Long An mà còn là mắt xích quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, Tân An chứng kiến nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng để phục vụ mục tiêu quản lý hành chính. Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho (đầu tiên ở bán đảo Đông Dương) đi qua địa bàn Tân An cùng các trục giao thông kết nối đến Chợ Lớn, Mỹ Tho, Gò Công... đã tạo tiền đề quan trọng để địa phương trở thành trung tâm, huyết mạch trong giao thương hàng hóa. Đến năm 1949, tên gọi TX.Tân An chính thức xuất hiện trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ H.Châu Thành, tỉnh Tân An (nay thuộc tỉnh Long An).
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Tân An không ngừng được củng cố và mở rộng về hành chính. Từ 4 phường ban đầu, thành phố lần lượt tiếp nhận thêm nhiều xã, phường mới qua các quyết định của T.Ư và tỉnh. Đặc biệt, mốc son quan trọng được đánh dấu vào năm 2009, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP thành lập TP.Tân An trực thuộc tỉnh Long An, chính thức đưa đô thị trẻ bước vào một giai đoạn phát triển mới, toàn diện hơn.
Đến năm 2019, TP.Tân An được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II và đang định hướng phát triển trở thành đô thị loại I "Thân thiện - Văn minh - Hiện đại".
Đặc biệt, đầu năm 2025, TP.Tân An là đơn vị đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh cấp tỉnh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vững tin vào kỷ nguyên thịnh vượng
Trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, TP.Tân An đang tích cực xây dựng hình ảnh một "thành phố mới" - đô thị trẻ, năng động, lấy con người làm trung tâm của mọi chiến lược phát triển.
Với vị trí địa lý đặc biệt (nằm giữa các tuyến giao thông huyết mạch như QL1, QL62, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cùng lợi thế là đầu mối trung chuyển hàng hóa), TP.Tân An giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng vùng ĐBSCL với TP.HCM và cả nước. Sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông trong những năm gần đây chính là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.Tân An. Trong đó, dự án đường Vành đai TP.Tân An (có cầu vượt sông Vàm Cỏ Tây), với tổng vốn đầu tư trên 3.100 tỉ đồng là minh chứng điển hình cho định hướng đầu tư bài bản, lâu dài. Bên cạnh đó là các dự án chiến lược khác như nút giao giữa đường Hùng Vương và QL62, đường Hùng Vương (giai đoạn 2) hay hệ thống đê kè ven sông Bảo Định, các công viên ven sông…
Không chỉ kết cấu hạ tầng, TP.Tân An còn là điểm sáng trong việc phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững. Công tác quy hoạch được triển khai khoa học; nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành, hệ thống tiện ích thương mại - dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ; các công trình công cộng, khu vui chơi giải trí, giáo dục và y tế được chú trọng đầu tư; hệ thống chiếu sáng đến tận các hẻm nhỏ, đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân, công cuộc chuyển đổi số được triển khai nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực… Tất cả những điều đó góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Ông Mai Mạnh Hùng, người dân sinh sống tại xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, chia sẻ: "Tôi rất tự hào khi là người dân Tân An. Chỉ trong vài năm, quê hương tôi đã thay đổi vượt bậc. Các tuyến đường lớn được mở rộng, môi trường sống ngày càng trong lành, sạch sẽ. Tôi cảm nhận rõ sự nỗ lực của chính quyền trong từng công trình, từng tuyến đường và con hẻm mới".
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực - hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, TP.Tân An đã sáp nhập 13 đơn vị hành chính cấp xã (8 phường, 5 xã) chỉ còn 3 phường, với trung tâm là P.Long An - nơi đặt trụ sở hành chính - chính trị của tỉnh mới Tây Ninh (hợp nhất Long An và Tây Ninh cũ).
Ông Võ Hồng Thảo, Chủ tịch UBND TP.Tân An, khẳng định: "Chúng tôi xác định và bền bỉ thực hiện mục tiêu phát triển đô thị không chỉ là mở rộng hạ tầng mà phải gắn với đổi mới quản trị đô thị, xây dựng chính quyền phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo thành công. Sự phát triển của thành phố không chỉ là kết quả của chiến lược đúng đắn từ T.Ư đến địa phương mà còn là kết tinh của lòng dân đồng thuận, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".
Những kết quả đạt được của TP.Tân An trong thời gian qua đã được T.Ư và tỉnh ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Thành phố được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2023; Đảng bộ thành phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục 3 năm liền (2022-2024).